“Nếu xét về khía cạnh người dùng, có 2 điểm mà người dùng quan tâm. Thứ nhất là vấn đề bảo mật, khi chúng ta thực hiện giao dịch qua internet cũng như qua di động thì vấn đề bảo mật là vấn đề người dùng lo lắng nhiều nhất. Thứ hai là vì thói quen tiêu dùng, người Việt chúng ta qua một thời gian dài thì đã quen sử dụng tiền mặt, mới gần đây trong 10 năm gần đây bắt đầu sử dụng dịch vụ ngân hàng cũng như dịch vụ thẻ nhiều hơn. Nhưng đối với thanh toán qua internet và Mobile thì còn rất là mới mẻ nên không tránh khỏi việc người dùng còn lo lắng và e ngại”.
Thói quen mua sắm và việc thiếu giải pháp đồng bộ khiến thương mại điện tử Việt Nam hiện nay vẫn ì ạch bởi khúc mắc ở khâu thanh toán. Việc thay đổi thói quen phụ thuộc vào tiền mặt không hề dễ dàng nhưng không có nghĩa là không thể làm được. Thời điểm cho thanh toán trực tuyến đã thực sự chín muồi với sự sẵn sàng của ngành ngân hàng,
của các doanh nghiệp nhưng quan trọng hơn, người tiêu dùng phải tham gia vào mạng lưới thanh toán này để thương mại điện tử có thể phát triển với đầy đủ những ưu việt đã được khẳng định tại nhiều nước đang phát triển khác.
Nguồn: [26]
Sự ra đời và phát triển của các mạng lưới thanh toán quốc tế luôn đi cùng với những cải tiến về kỹ thuật. Điều đó giải thích vì sao các thành viên tham gia vào các mạng lưới này đều quy chuẩn về mặt công nghệ và chuyên nghiệp về nghiệp vụ. Chính vì vậy, tham gia vào các mạng lưới quốc tế mang lại cho các ngân hàng Việt Nam cơ hội tiếp cận với phong cách làm việc hiện đại và từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh của mình. Ngoài ra, đây là cơ hội mang lại những lợi ích dịch vụ tốt nhất dành cho khách hàng thông qua đàm phán, ký kết các thỏa ước chung khi tham gia mạng lưới quốc tế. Cơ hội thị trường mới và những đối tác mới cũng sẽ mở ra. Chính vì vậy, tham gia vào các mạng lưới thanh toán quốc tế được xem là giải pháp tức thời trong định hướng phát triển quan hệ đại lý của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Hiện tại, số lượng các ngân hàng tham gia vào liên minh của một số tổ chức thẻ ở các nước chưa nhiều. Trong tương lai, các ngân hàng Việt cần đẩy mạnh hơn nữa việc tìm hiểu và sớm xác định cho mình những chiến lược phù hợp để tiếp cận và tham gia vào các mạng lưới thanh toán quốc tế, tổ chức thanh toán quốc tế lớn như Eurogiro, Moneygram (Mỹ), American Express, tổ chức thẻ Visa, Mastercard…Để làm được như vậy, các ngân hàng Việt Nam cần:
- Hệ thống các mạng lưới thanh toán quốc tế, nghiên cứu ưu, khuyết điểm, cơ hội tham gia, tiềm năng phát triển của các mạng lưới thanh toán và bản thân các ngân hàng. Từ đó đánh giá mức độ ưu tiên để xác định nhóm các tổ chức thanh toán, các mạng lưới thanh toán cần hợp tác
- Thường xuyên cập nhật thông tin về hoạt động của các tổ chức thanh toán, các mạng lưới thanh toán quốc tế để chọn lựa thời điểm và cơ hội hợp tác.
- Không ngừng cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở thực hiện đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao công tác
2.8. Bài học kinh nghiệm của các nước
2.8.1. Bài học từ Trung Quốc
Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế WTO vào năm 2001 và kể từ đó, Trung Quốc đã tăng cường mở cửa hội nhập khá mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng, cho phép các ngân hàng và các tổ chức tín dụng nước ngoài tiếp cận thị trường trên các lĩnh vực như:
- Cho phép nhận tiền gửi và các khoản hoàn trả khác từ công chúng không hạn chế. - Cho vay các loại bao gồm tín dụng tiêu dùng, tín dụng thế chấp, bao thanh toán và tài trợ các giao dịch thương mại
- Thuê mua tài chính
- Giao dịch bằng tài khoản của mình hoặc cho tài khoản của khách hàng thông qua trao đổi, thị trường trao tay hoặc các công cụ của thị trường tiền tệ, ngoại tệ, các sản phẩm phái sinh, các công cụ tỷ giá và lãi suất…
- Tất cả các hoạt động thanh toán và chuyển tiền - Tham gia phát hành tất cả các loại chứng khoán
- Quản lý tài sản như tiền mặt và tài sản tài chính, quản lý quỹ hưu trí và dịch vụ ủy thác
Ngoài ra, Trung Quốc cũng cam kết loại trừ những hạn chế về địa lý đối với việc tiếp cận thị trường và tạo cơ hội cho các ngân hàng nước ngoài tham gia kinh doanh trong nước. Để giúp hệ thống ngân hàng sau khi mở cửa, Chính phủ Trung Quốc tiến hành cải tổ hệ thống ngân hàng mà nhiệm vụ hàng đầu là làm trong sạch những khoản nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại bằng việc áp dụng mô hình các công ty quản lý tài sản của Mỹ. Với chiến lược mở cửa đón đầu xu thế toàn cầu hóa và các can thiệp mang tính định hướng của Chính Phủ, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành đầu mối xuất khẩu và có quan hệ với nhiều tổ chức tài chính trên thế giới – đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng. Theo báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới công bố ngày 26/08/2009,
Trung Quốc đã vượt qua Đức trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới trong sáu tháng đầu năm 2009. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc vượt lên dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hàng hóa với tổng kim ngạch 521,7 tỉ USD, nhỉnh hơn một chút so với Đức là 521,6 tỉ USD. Mặt khác, việc nới lỏng các quy định về các nghiệp vụ ngân hàng quốc tế như chuyển tiền, đầu tư tài khoản, chứng khoán…đã giúp Trung Quốc đẩy mạnh thiết lập quan hệ đại lý với nhiều ngân hàng nước ngoài và hợp tác trong nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đại.
2.8.2. Bài học từ Hàn Quốc
Để có thể đẩy mạnh phát triển nền kinh tế và thực hiện quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH-HĐH), hệ thống tài chính ngân hàng Hàn Quốc cho đến nay bao gồm Ngân hàng trung ương, các ngân hàng thương mại, các ngân hàng chuyên doanh và năm 1950, Luật ngân hàng Hàn Quốc đã có hiệu lực. Năm 1967, để khuyến khích xuất khẩu và khuyến khích ngân hàng nước ngoài đầu tư vào Hàn Quốc, chính phủ đã cho phép thành lập ngân hàng ngoại hối và ngân hàng xuất nhập khẩu. Bước qua thập niên 70, hàng loạt các ngân hàng thương mại ra đời góp phần đa dạng hóa nghiệp vụ kinh doanh, huy động, cho vay, đầu tư chứng khoán, dịch vụ ngân hàng... Đến năm 1995, Hàn Quốc đã có 25 ngân hàng thương mại với 209 chi nhánh ngân hàng ở nước ngoài, 7 ngân hàng lớn của Hàn Quốc được xếp vào trong danh sách 200 ngân hàng đứng đầu thế giới.
Tuy nhiên sau khủng hoảng tài chính Đông Nam Á, Hàn Quốc đã tích cực cải tổ lại hệ thống ngân hàng, cơ cấu lại các công ty các tập đoàn lớn. Nếu như năm 1998 Hàn Quốc được xếp ở vị trí cuối bảng về phát triển kinh tế của các nước thành viên trong tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thì năm 2000 với tốc độ tăng trưởng là 9,5 % Hàn Quốc đã vươn lên đạt tốc độ tăng trưởng ở vị trí cao nhất.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc nằm ở mức độ ưu tiên dành cho lĩnh vực tài chính ngân hàng trong quá trình thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đây là giai đoạn cần nhiều nguồn vốn hỗ trợ nên Chính phủ đã tập trung phát triển hệ thống ngân hàng cùng với việc thực hiện quá trình CNH-HĐH đất nước. Bên cạnh đó, chiến lược xây dựng các ngân hàng ngoại hối và ngân hàng xuất nhập khẩu cho phép phát triển hệ thống
ngân hàng theo hước hiện đại. Ngân hàng xuất nhập khẩu thực chất là một cơ quan của Chính phủ theo dõi và hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, chính vì vậy sẽ tạo nên một nền tảng tốt giúp Hàn Quốc nâng cao quan hệ hợp tác với các ngân hàng nước ngoài, từ đó phát triển mạng lưới ngân hàng đại lý và tăng cường hoạt động ngoại giao với các tổ chức quốc tế.
2.9. Bài học kinh nghiệm cho các ngân hàng Việt Nam
Bài học thứ nhất: bài học về mô hình và cách thức hội nhập của Trung Quốc. Theo đó, cần đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế đi đôi với cải cách trong nước có hiệu quả, qua đó sẽ tác động cộng hưởng giúp đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương với các ngân hàng và các định chế tài chính nước ngoài tạo điều kiện để phát triển hoạt động ngân hàng đại lý.
Bài học thứ hai: Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Việt Nam nên thành lập ngân hàng xuất nhập khẩu tài trợ những ngành nghề then chốt trọng điểm hướng đến xuất khẩu và đổi mới công nghệ. Ngân hàng xuất nhập khẩu sẽ chuyên hóa và có kế hoạch thiết lập quan hệ đại lý với các ngân hàng nước ngoài một cách sâu xát. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank tuy ban đầu thành lập là một cơ quan của Chính phủ nhằm phát triển hoạt động xuất nhập khẩu nhưng hiện nay chức năng của ngân hàng này đã bị phân hóa nhiều. Vì vậy cần nhận ra vai trò chủ đạo của ngân hàng xuất nhập khẩu đối với tiềm năng phát triển quan hệ đại lý với các ngân hàng nước ngoài và có biện pháp cải tổ kịp thời.