- Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, thành lập Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức quản lý tài nguyên, môi trường biển vẫn trên cơ sở tiếp cận đơn ngành, phân tán, chồng chéo, trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn. Còn thiếu khuôn khổ pháp lý, cơ cấu tổ chức quản lý theo vùng biển, quản lý các đảo, quần đảo, đặc biệt là các đảo, quần đảo không người;
- Cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất biển chưa được quy định rõ và chưa được vận hành thông suốt; thiếu định hướng chiến lược, quy hoạch, các quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức, các công cụ hỗ trợ...; thiếu cơ chế giám sát tổng hợp các hoạt động trên biển, vùng ven bờ và trên các đảo;
- Tổ chức, nguồn nhân lực nghiên cứu, điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, quản lý tổng hợp và thống nhất biển còn nhiều bất cập; chức năng, nhiệm vụ quản lý phân tán, mâu thuẫn, chồng chéo; còn nhiều khoảng trống trong quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển;
- Đầu tư, chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho quản lý tổng hợp và thống nhất biển còn nhiều bất cập;
- Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, quản lý tổng hợp và thống nhất biển chưa được quan tâm đúng mức;
- Hợp tác quốc tế về tài nguyên và môi trường biển chưa phát huy hiệu quả, chưa có sự phối kết hợp hiệu quả với các nước trong khu vực; còn thụ động, chỉ tham gia khi có tài trợ nước ngoài hoặc đề xuất của các tổ chức quốc tế, chưa chủ động phát hiện, đề xuất những nội dung cần hợp tác về nghiên cứu, điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường biển.
II. TÌNH HÌNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG BIỂN NƯỚC TA