Hai mẫu rong sụn của Cam Ranh và Vân Phong sau khi được lắc trong hỗn hợp khử trùng A1 (phụ lục 1.4) với các khoảng thời gian khác nhau được cấy vào môi trường. Sau 14 ngày khảo sát, kết quả cho thấy tại 2 giờ khử trùng mẫu K. alvarezii
Cam Ranh đạt tỷ lệ mẫu sạch 100% và tỷ lệ mẫu sống đạt cao nhất (90%). Mẫu K. alvarezii Vân Phong đạt tỷ lệ mẫu sạch 100% và tỷ lệ mẫu sống đạt cao nhất (90%) tại 1 giờ khử trùng. Hình 3.1, Hình 3.2 và Phụ lục 2.
Hình 3.2 Kết quả khử trùng mẫu K. alvarezii Vân Phong
Theo Reddy và cs. (2003), tỷ lệ mẫu sạch đạt 90-95% khi xử lý với quy trình khử trùng như sau: 0.5% chất tẩy rửa trong 10 phút, sau đó xử lý 2% iodine trong 3 phút, tiếp theo ủ trong 3% hỗn hợp kháng sinh (Polne-Fuller Miriam và Gibor, 1984) trong 2 ngày. Sau đó tiến hành nuôi cấy lên môi trường PES. Với quy trình của Hurtado và Cheney (2003), mẫu được vệ sinh bằng bàn chải mềm với 0.1% Betadine hoặc với 0.05% povidone iodine (Hurtado và Biter, 2007), sau đó rửa lại 3-4 lần với nước biển vô trùng, tiếp theo ủ với 9.1% E3. Sau 3 ngày, mẫu hoàn toàn sạch khuẩn tiến hành cắt đoạn nuôi cấy dài 2mm nuôi trong các đĩa 48 giếng. Theo Sulistiani và cs. (2012), mẫu hoàn toàn sạch khuẩn khi được vệ sinh với dung dịch Tween (5 giọt trong 200ml dung dịch) lắc trong 10 phút, xử lý tiếp với 0.5% povidone iodine (Betadine) trong 3 phút rồi tiến hành ủ mẫu trong 3% hỗn hợp kháng sinh (Penicillin G 1g, Streptomycin sulphate 2g, Kanamycin 1g, Nystatin 25mg, Neomycin 200mg), sau 60 giờ tiến hành cấy mẫu lên môi trường thạch CW với 0.8% Bacto agar để kiểm tra hiệu quả khử trùng.
Qua những quy trình khử trùng mẫu ở trên và kết quả khử trùng mẫu mà báo cáo này đạt được chúng tôi nhận thấy rằng: Số lượng, nồng độ chất khử trùng và bước thí nghiệm tiến hành trong báo cáo này ít hơn nhiều so với các báo cáo trước nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao với thời gian khử trùng nhanh hơn (1 giờ đối với mẫu K. alvarezii Vân Phong hay 2 giờ đối với mẫu K. alvarezii Cam Ranh) so với 2 ngày (Reddy và cs., 2003) , 60 giờ (Sulistiani và cs., 2012) và 3 ngày (Hurtado và Cheney, 2003).
Điều này có thể giải thích có thể là do từ khâu lựa chọn mẫu để vận chuyển về phòng thí nghiệm đến khâu vệ sinh mẫu và nuôi thích nghi được chúng tôi tiến hành trong điều kiện an toàn và sạch. Theo Reddy và cs. (2003): mẫu đã thích nghi thì quá trình khử trùng dễ dàng hơn những mẫu thu trực tiếp (do đã loại bỏ phần lớn thực vật phụ sinh bằng chải mềm, tảo cát bằng GeO2 – nồng độ 10mg/L).
Ngoài ra, qua đồ thị ta thấy có sự khác biệt về giá trị thời gian để đạt hiệu quả khử trùng tốt nhất giữa 2 mẫu K. alvarezii Cam Ranh và K. alvarezii Vân Phong (K. alvarezii Cam Ranh khử trùng lâu hơn), mặc dù cả 2 đều là giống K. alvarezii . Sự khác biệt này có thể là do khác nhau về hình thái bên ngoài của 2 mẫu rong này: K. alvarezii Vân Phong có màu vàng nâu, nhánh ít, thân dài và to; trong khi đó K. alvarezii Cam Ranh lại có màu nâu đen, nhiều chồi, thân ngắn…Chính điều này đã gây khó khăn trong việc tiếp xúc giữa kháng sinh với bề mặt rong do đó làm tăng thời gian khử trùng.
Vì vậy, chúng tôi rút ra kết luận là đối với các giống Kappaphycus alvarezii
khác nhau thì điều kiện khử trùng khác nhau, không nên áp dụng cứng nhắc một quy trình khử trùng.
Trong các thí nghiệm tiếp theo, chúng tôi lựa chọn chủng K. alvarezii Vân Phong làm đối tượng nghiên cứu.