Những bài học kinh nghiệm

Một phần của tài liệu SKKN -Rèn luyện học sinh kĩ năng làm văn biểu cảm cho học sinh THCS (Trang 27)

Đối với giáo viên: Phải phát huy ở học sinh tính chủ động trong toàn bộ quá trình phát hiện, tìm hiểu và áp dụng vào bài viết dưới sự tổ chức và hướng dẫn của mình. Do đó dạy cho học sinh là hình thành năng lực tư duy, năng lực hành động. Muốn thế giáo viên cần hướng dẫn và khuyến khích học sinh đọc sách, bắt đầu từ việc đọc các văn bản trong sách giáo khoa. Thực tế cho thấy học sinh rất lười đọc sách dẫn đến đọc yếu, gây khó khăn cho việc cảm thụ văn bản. Chính vì thế, giáo viên cần khơi nguồn và nuôi dưỡng thói quen đọc sách của học sinh bằng cách: trong mỗi tiết dạy giáo viên lấy dẫn chứng, ví dụ, trích các câu nói, đoạn thơ, đoạn văn hay từ các sách tham khảo, sách nâng cao, các tác phẩm văn học và cho các em trực tiếp nhìn thấy. Khi giáo viên làm được như thế, không cần phải “Khua chiêng gõ mõ”, tự các em sẽ tìm đến với sách, làm bạn với sách. Từ vốn kiến thức tự có, các em có thể sáng tạo thêm những ý văn mới, của riêng mình.

Một học sinh muốn học tốt văn biểu cảm ngoài kĩ năng diễn đạt trôi chảy, hấp dẫn, điều quan trọng là phải có cảm xúc chân thật khi viết, những cảm xúc ấy xuất phát từ suy ngẫm, trải nghiệm của chính mình, phải lao tâm khổ luyện. Tránh lối viết khuôn sáo. Hãy viết bằng chính tâm sức của mình, bằng sự nung nấu từ con tim, có thế bài văn mới là sản phẩm sáng tạo của chính các em. Đối với các em học sinh yếu thì giáo viên cần giảm bớt tâm lí chán học văn để bài viết tiến bộ. Giáo viên nên giao các bài tập rèn viết ở nhà cho học sinh sau mỗi tiết học. Đặc biệt, giáo viên nên hướng dẫn các em cách viết nhật kí để giúp các em nuôi dưỡng tình cảm đẹp khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

PHẦN III: KẾT LUẬN:

Có lẽ trong nhà trường không có môn khoa học nào có thể thay thế được môn văn. Đó là môn học vừa hình thành nhân cách vừa hình thành tâm hồn. Trong thời đại hiện nay, khoa học kĩ thuật phát triển rất nhanh, môn văn sẽ giữ lại tâm hồn con người, giữ lại những cảm giác nhân văn để con người tìm đến với con người, trái tim hòa cùng nhịp đập trái tim. Sau khi nghiên cứu, tham khảo sáng kiến kinh nghiệm này, bản thân người dạy và người học sẽ có cái nhìn mới mẻ, tích cực hơn về phương pháp dạy và học văn biểu cảm. Từ đó, rất hi vọng kết quả học văn của các em sẽ tốt hơn, các em sẽ yêu thích, ham mê môn văn hơn nữa.

PHẦN IV: NHỮNG KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT 1. Đối với phụ huynh

- Quan tâm hơn đến việc học hành của con em mình, đầu tư nhiều về thời gian cho con cái học tập, không nên để cho các em phụ giúp nhiều công việc gia đình.

- Hướng dẫn và tạo cho con thói quen đọc sách, chia sẻ tư vấn, định hướng, bồi dưỡng tâm hồn cho con để các em có nhiều thuận lợi trong việc bộc lộ và phát triển cảm xúc, tình cảm trong cuộc sống nói chung và trong việc làm văn biểu cảm nói riêng.

- Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với giáo viên bộ môn văn để tìm hiểu, nắm bắt kịp thời tình hình học tập của con em mình.

2. Đối với giáo viên

Người giáo viên phải tự học, trau dồi chuyên môn thường xuyên tăng vốn kiến thức cho bản thân. Giáo viên không ngừng cải tiến những phương pháp giảng dạy luôn luôn tạo sự hứng thú trong học sinh. Người giáo viên cần nhẹ nhàng giúp các em tìm hiểu đề, khơi gợi cảm cho các em. Đối với những cảm

nhận hay, giáo viên cần tuyên dương và khuyến khích học sinh tiếp tục tìm tòi, suy nghĩ để có được những cảm nhận đặc sắc khác. Ngược lại nếu có những cảm nhận, suy nghĩ “lệch hướng” giáo viên cũng không nên nóng nảy, vội vàng mà phải cần bình tĩnh tế nhị tìm hiểu và hướng các em tập trung vào bài để có có những cảm nhận đúng đắn hơn. Có như thế mới tạo được tâm lí thoải mái cho các em trong quá trình học văn và đặc biệt hơn các em sẽ có những ứng xử đạo đức tốt đẹp hơn.

3. Đối với tổ chuyên môn

- Cần phân công tốt việc phân công giáo viên, trong hội họp thường xuyên bàn vào nội dung, phương pháp, những bài khó để tìm phương pháp dạy cho phù hợp.

- Tạo mọi điều kiện, đôn đốc, giúp đỡ giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ và đào tạo nên một lực lượng giáo viên tâm huyết với nghề.

4. Đối với đơn vị và phòng giáo dục:

- Tổ chức hội thảo chuyên đề cho giáo viên bộ môn văn trong từng năm đặc biệt phân môn Tập làm văn để giáo viên có dịp trao đổi học hỏi thêm kinh nghiệm được bàn luận tìm ra biện pháp tối ưu, tích cực nâng cao chất lượng dạy học môn văn.

- Có kế hoạch và chế độ đãi ngộ hợp lí đối với giáo viên giảng dạy phụ đạo thêm cho học sinh yếu kém môn văn.

- Đầu tư thêm trang thiết bị, dụng cụ trực quan, đặc biệt là đầu tư công nghệ thông tin để hỗ trợ cho giáo viên giảng dạy văn.

Trên đây là những bài học mà bản thân tôi rất tâm huyết và cùng tổ chuyên môn có cùng thực hiện và có hiệu quả nhưng tôi cũng rất mong nhận được sự đóng góp của tất cả quí thầy quí cô những người đang ươm những mầm

xanh cho đất nước những ý kiến thật sự quí báu nhằm vun đắp cho sự nghiệp trồng người.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sách giáo khoa Ngữ văn 6,7- Nguyễn Khắc Phi 2. Sách giáo viên Ngữ văn 7- Nguyễn Khắc Phi

3. Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên THCS chu kì III (2004–2007 ) môn ngữ văn – quyển 1 và 2 – NXB Giáo dục

4. Phương pháp dạy học ngữ văn ở trường THCS theo hướng tích hợp và tích cực – Đoàn Thị Kim Nhung - NXB Đại học quốc gia TPHCM

Một phần của tài liệu SKKN -Rèn luyện học sinh kĩ năng làm văn biểu cảm cho học sinh THCS (Trang 27)