2.1.5.1. Các lĩnh vực liên quan với hệ thông tin địa lý
Công nghệ GIS được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như bản đồ học, đầu tư, quản lý nguồn tài nguyên, quản lý tài sản, khảo cổ học (archaeology), phân tích điều tra dân số, đánh giá sự tác động lên môi trường, kế hoạch đô thị, nghiên cứu
tội phạm,… Việc trích rút thông tin từ dữ liệu địa lý thông qua hệ thống GIS bao gồm các câu hỏi cơ bản sau [DVD01]:
Nhận diện (identification): Nhận biết tên hay các thông tin khác của đối tượng bằng việc chỉ ra vị trí trên bản đồ. Ví dụ, có cái gì tại tọa độ (X, Y).
Vị trí (location): Câu hỏi này đưa ra một hoặc nhiều vị trí thỏa mãn yêu cầu. Nó có thể là tập tọa độ hay bản đồ chỉ ra vị trí của một đối tượng cụ thể, hay toàn bộ đối tượng. Ví dụ, cho biết vị trí các văn phòng của công ty nào đó trong thành phố.
Xu thế (trend): Câu hỏi này liên quan đến các dữ liệu không gian tạm thời. Ví dụ, câu hỏi liên quan đến xu hướng phát triển thành thị dẫn tới chức năng hiển thị bản đồ của GIS để chỉ ra các vùng lân cận được xây dựng từ 1990 đến 2000.
Tìm đường đi tối ưu (optimal path): Trên cơ sở mạng lưới đường đi (hệ thống đường bộ, đường thủy...), câu hỏi là cho biết đường đi nào là tối ưu nhất (rẻ nhất, ngắn nhất,...) giữa 2 vị trí cho trước.
Mẫu (pattern): Câu hỏi này khá phức tạp, tác động trên nhiều tập dữ liệu. Ví dụ, cho biết quan hệgiữa khí hậu địa phương và vị trí của các nhà máy, công trình công cộng trong vùng lân cận.
Mô hình (model): Câu hỏi này liên quan đến các hoạt động lập kế hoạch và dự báo.Ví dụ, cần phải nâng cấp, xây dựng hệ thống mạng lưới giao thông, điện như thế nào nếu phát triển khu dân cư về phía bắc thành phố.
2.1.5.2. Những bài toán của GIS
Một số ứng dụng cụ thể của GIS thường gặp trong thực tế bao gồm:
Quản lý và lập kế hoạch mạng lưới giao thông đường bộ: giải quyết các nhu cầu như tìm kiếm địa chỉ, chỉ dẫn đường đi, phân tích không gian, chọn địa điểm xây dựng, lập kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông…
Giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường: giúp quản lý hệ thống sông ngòi, vùng đất nông nghiệp, thảm thực vật, vùng ngập nước, phân tích tác động môi trường…
Quản lý đất đai: giám sát, lập kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch…
Quản lý và lập kế hoạch các dịch vụ công cộng: tìm địa điểm phù hợp cho việc bố trí các công trình công cộng, cân đối tải điện, phân luồng giao thông…
Phân tích, điều tra dân số, lập bản đồ y tế, bản đồ vùng dịch bệnh…
Mục tiếp theo sẽ tìm hiểu tổng quan về khai phá dữ liệu nói chung và khai phá dữ liệu địa lý nói riêng, làm tiền đề lý luận cho việc giải quyết bài toán mà luận văn đã đề ra.