Các yếu tố thủy động lực tác động mạnh mẽ và trực tiếp lên quá trình hình thành và biến động môi trường địa chất biển. Dưới sự tác động của thủy triều và dòng chảy đã gây ra sự chuyển động liên tục của các dòng vật chất lơ lửng và trầm tích đáy, làm thay đổi địa hình đáy và bờ trong khu vực, tạo nên các dạng phân bố khác nhau của trầm tích trong không gian và biến động theo thời gian.
1/ Hạ lưu sông Đồng Nai
Chế độ dòng chảy ở hạ lưu chịu sự tác động khác nhau theo không gian và thời gian của các yếu tố sau: i) Chế độ dòng chảy từ thượng lưu về; ii) Chế độ thủy triều biển Đông; iii) Các hoạt động khai thác ở khu vực cửa sông. Có thể thấy dòng chảy hạ lưu sông Đồng Nai phụ thuộc chặt chẽ vào sự thay đổi của chế độ nước nguồn và chế độ thủy triều biển (bán nhật triều). Mưa nhiều thì dòng chảy mạnh, mưa ít thì dòng chảy yếu. Thời gian xảy ra triều cường thì dòng chảy mạnh hơn, khối nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, có biên độ lớn. Còn khi triều kém thì ngược lại. Một đặc điểm quan trọng là ngay cả khi triều lên hoặc xuống, cửa sông Đồng Nai không có sự bào mòn đáy, mà vẫn xảy ra tích tụ vật liệu trầm tích từ trung bình đến mạnh.
2/ Trong hệ lạch triều:
Các sông, kênh rạch có mật độ dày đặc (5-7 km/km2 ở Nhà Bè; 7-10 km/km2 ở Cần Giờ) với các kênh rạch nhỏ như: Rạch Lá, Rạch Vàm Sát, sông Cát Lái, sông Lò R n, sông Cá Gâu, sông Đồng Dinh, rạch Cá Nhám, Tắc Cua, Tắc Bãi,.. Ở hệ thống lạch triều sông Thị Vải, hàng ngày khi triều lên làm ngập lụt cả một khu vực rừng ngập mặn rộng lớn, quá trình tích tụ trầm tích xảy ra yếu. Khi triều rút xuất hiện quá trình bào mòn đáy xảy ra mạnh hơn và không có sự tích tụ trầm tích.
Sông Thị Vải bị chặn ở phía thượng nguồn, hoàn toàn bị chi phối bởi chế độ triều của Biển Đông. Tốc độ dòng chảy khi triều lên và triều xuống gần như bằng nhau. Biên độ triều dao động vùng Cái Mép rộng khoảng 4 m, đến đầu nguồn sông Thị Vải biên độ triều chỉ triết giảm khoảng 5 % so với cửa sông. Vào thời điểm nước ròng, dòng chảy gần như bị triệt tiêu gây nên dồn ứ các vật chất ô nhiễm thải ra từ các KCN.
3/ Đối sánh giữa hai địa hệ hạ lưu sông Đồng Nai và lạch triều sông Thị Vải:
Đo đạc tại ngã ba sông Đồng Nai – Đồng Môn (sông nhánh của sông Đồng Nai nối với sông Thị Vải qua kênh Bà Ký) và ngọn sông Thị Vải cho thấy có hiện tượng triều lệch pha:
Về thời gian:
Đỉnh triều sông Thị Vải xuất hiện sớm hơn sông Đồng Nai 2 tiếng. Chân triều sông Thị Vải xuất hiện sớm hơn sông Đồng Nai 3 tiếng.
Về không gian:
Đỉnh triều sông Thị Vải cao hơn sông Đồng Nai 50 cm
Nhưng chân triều sông Thị Vải lại thấp hơn sông Đồng Nai >200 cm