Sự truyền bá và phát triển Duy thức học ở Nhật Bản

Một phần của tài liệu Những vấn đề triết học cơ bản trong duy thức học (Trang 28)

B. NỘI DUNG

1.2.3. Sự truyền bá và phát triển Duy thức học ở Nhật Bản

Duy thức tông được truyền bá sang Nhật Bản với hai nhánh dưới tên gọi là Pháp tướng tông.

Đạo Chiêu (Dôshô, 628 – 700), một tăng sĩ Nhật Bản, dưới triều Thánh Đức, được gửi sang Trung Hoa năm 653; ông thọ pháp với Huyền Trang hơn mười năm. Thời đó, Huyền Trang từ Ấn Độ trở về tiếng tăm lẫy lừng. Pháp tướng Duy thức mà Huyền Trang truyền bá là tư tưởng Phật giáo mới nhất đương thời. Huyền Trang đặc biệt dạy ông pháp thiền quán, truyền thụ giáo lý Duy thức. Đêm hôm trước buổi khởi hành, ông được Huyền Trang tặng cho nhiều bộ kinh, luận và luận sớ viết về Duy thức luận. Hồi hương, Đạo Chiêu khởi sự truyền bá Duy thức tông tại chùa Gwangôji (Nguyên Hưng tự). Đến cuối đời, Sư đi tuần du khắp các nơi, dốc sức cho sự nghiệp công ích xã hội như đặt thuyền bắc cầu ở bến sông, đào giếng cạnh đường, đi khắp Nhật Bản giáo hóa quần chúng. Đệ tử của ông là Hành Cơ (Gyôgi, 667 – 748). Hành Cơ theo Đạo Chiêu học Pháp tướng, rồi sau đó cũng đi chu du khắp nơi, chuyên tâm làm các công việc xã hội như giáo hóa dân chúng, xây dựng chùa chiền, thiết lập đê điều, dựng cầu cống… nên mọi người tôn xưng ông là Hành Cơ Bồ Tát. Dòng truyền thừa thứ nhất này được gọi là Nam tự truyền, cũng gọi là Phi Điểu truyền.

Dòng thứ hai do Trí Thông (Chitsù) và Trí Đạt (Chitatsu) theo sắc lệnh của nhà vua lên thuyền của Tân La (Triều Tiên) sang Trung Hoa năm 654 cầu pháp. Hai ông cùng với Đạo Chiêu nhiệt tâm học pháp với Huyền Trang và Khuy Cơ. Sau khi về Nhật, Trí Thông xây chùa Quan Âm Tự ở Bình Thành, truyền bá mạnh mẽ giáo nghĩa Pháp tướng.

Dòng thứ ba do Trí Phụng (Chihô) là tăng sĩ Triều Tiên, gốc người Tân la, cùng với đồng đạo là Trí Loan (Chiran) và Trí Hùng (Chio) vốn đã ở Trung Hoa một thời gian, và học pháp với Huyền Trang. Cả ba đến Nhật năm 703 truyền học thuyết Duy thức cho Nghĩa Uyên (Giyen). Tương truyền, ông là người sáng lập Long Cái Tự, Long Môn tự và Long Uyên Tự. Đệ tử của Nghĩa Uyên có rất nhiều,

nổi tiếng là Pháp Hải, Hành Tốn, Thắng Ngu… Họ đều là những nhân vật xuất chúng đã hoạt động tích cực trong giới Phật giáo thời kỳ Nại Lương (715 – 806).

Dòng thứ tư do học giả Huyền Phảng (Gembô, ? - 746) đến Trung Hoa năm 716 và học giáo lý của Duy thức tông với Trí Châu (688 – 723), một đệ tử của Khuy Cơ. Tương truyền, trước đó ông đã từng theo học Pháp tướng với Nghĩa Uyên ở Đại Hòa Cương Tự. Ông ở Trung Hoa gần 20 năm và cũng nhận được sự bảo trợ của Hoàng đế Đường triều. Đến năm 735 trở về quê hương, Sư mang theo một số tượng Phật, hơn 5000 quyển kinh Phật và thuyết giảng học thuyết này tại chùa Kôbukuji (Hưng phúc tự). Ông truyền pháp cho Huyền Tông (Genjù, 723 – 797) là người tận tụy phổ bá học thuyết này. Dòng này được gọi là Bắc tự truyền, hay Ngự lập truyền và được xem như là dòng truyền chính thống.

Nhưng giữa Nam tự và Bắc tự còn có các phái Pháp tướng tông khác truyền dạy là Dược sư tự với tên tuổi của luận sư Hộ Mạng; chùa Đông Đại tự, trụ trì là Đại sư Lương Biện với đệ tử là Minh Nhất; Tây Đại tự có luận sư Thắng Ngu. Các ông đều tận lực truyền bá giáo lý Pháp tướng tông.

Nhờ sự bảo hộ của dòng họ Đằng Nguyên – một dòng họ có thế lực thời đại bấy giờ, và nhờ sự xuất hiện của các bậc học lỗi lạc và đức độ ở những ngôi chùa lớn, nên Phật giáo Pháp tướng tông đã trở thành đại biểu cho Phật giáo vùng Nam Đô. Kể từ khi Huyền Phảng qua đời, học thuyết của tông này bị đả kích rất nhiều, thậm chí sau đó giáo học của Pháp tướng bị chịu ảnh hưởng của giáo học vốn giống với Phật giáo mới được truyền đến lúc ban đầu.

Tông Pháp tướng là hạt nhân của sáu tông thời kỳ Nại lương, lấy các bộ kinh luận như Giải thâm mật kinh, Thành Duy thức luận… làm điển cứ cho rằng tất cả mọi sự tồn tại đều không thật, do tâm tạo ra, ngoài A lại da thức ra thì không có gì tồn tại cả. Ở Nhật Bản, các nhà sư tập trung nghiên cứu về Nhân minh học dựa vào bộ Nhân minh Đại sớ. Khởi đầu là Thiện Châu (723 – 797) ở Thu Tiểu tự. Chính sự nghiên cứu về Nhân minh học của các luận sư Pháp tướng Duy thức Nhật Bản đã trở thành yếu tố cần thiết cho việc phán quyết về chính trị của các nhà vua làm cho

tông phái này càng có địa vị quan trọng trong xã hội lúc bấy giờ. Nguyên hưng tự, Hưng Phúc tự và Dược sư tự là những ngôi chùa trung tâm phát triển rực rỡ của tông phái này.

Học giả nổi tiếng của tông Pháp tướng thời kỳ Nại Lương có rất nhiều. Dưới Hành Cơ có Pháp Hải, Hành Tốn, Thắng Ngu. Dưới Thắng Ngu có Từ Bảo, Thái Diễn, Hộ Mệnh… Dưới Huyền Phảng có Thiện Châu, Hành Hạ… Ngoài ra, những đệ tử khác của Nghĩa Uyên cũng được đào tạo là Thần Duệ, Đức Nhẫn, Huyền Tân… Đáng kể nhất, trong những người nói trên, Hộ Mệnh và Thiện Châu có nhiều tác phẩm nhất. Thần Duệ và Đạo Từ là hai nhận vật lớn của giáo giới. Hộ Mệnh và Đức Nhất là hai kình địch trong cuộc luận chiến với nhà sư Tối Trừng của tông Thiên Thai. Tóm lại, dưới thời kỳ Nại Lương, tông Pháp tướng xuất hiện nhiều nhân tài, hình thành dòng phái lớn nhất của tư tưởng Phật giáo đương thời.

Vào thời kỳ Bình An (806 – 1190), tuy Pháp tướng tông bị suy vi nhưng vẫn duy trì được truyền thống dạy học. Đến cuối thời kỳ Bình An, xuất hiện các danh sư như Đức Nhất, Tạng Tuấn và Giác Hiến. Đệ tử của Giác Hiến là Trinh Khánh đã trung hưng tông Pháp tướng. Tạng Tuấn có đệ tử là Pháp Nhiên, cũng theo ông học Pháp tướng nhưng về sau theo Tam Luận tông. Trinh Khánh tu tại chùa Hưng Phúc chuyên nghiên cứu giáo nghĩa Pháp tướng. Tác phẩm tiêu biểu của ông là Duy thức

đồng học sao, gồm 62 quyển nhằm chú giải Duy thức luận. Kết tinh tư tưởng của

ông còn thể hiện qua các tác phẩm: Ngu mê phát tâm tập, Tâm yếu sao…

Thời kỳ Liêm Thương (1192 – 1333), nhiều nhà sư Nhật Bản đến Trung Quốc và giảng dạy giáo lý Duy thức ở đây, trong đó phải kể đến nhà sư Trừng Giác và Khoan Kiện giảng Duy thức luận ở Lạc Dương, Trường An.

Vào cuối thế kỷ XIX, các luận sư của Trung Hoa và Nhật Bản cũng sưu tập được các bản luận giải về Duy thức, lần lượt san định góp phần chỉnh lý nghiên cứu và ấn hành.

Hiện nay, Pháp Tướng tông vẫn còn hưng thịnh ở Nhật và những người theo học đều là bậc thông minh, tài trí. Ở Nhật Bản, Pháp Tướng tông có trên 40 cảnh chùa, 700 nhà sư, và 10.000 người thỉnh thoảng đi nghe kinh lạy Phật.

Một phần của tài liệu Những vấn đề triết học cơ bản trong duy thức học (Trang 28)