Tác động của Phật giáo đến việc củng cố liên kết làng xã vùng ven đô

Một phần của tài liệu Phật giáo với việc củng cố liên kết cộng đồng làng - xã Việt Nam hiện nay (Trang 59)

a. Vị trí của Phật giáo trong đời sống văn hoá vùng ven đô

- Chùa chiền và đình làng:

Ở nhiều làng quê, đặc biệt là các làng ven đô, ngôi đình đang mất đi sức mạnh liên kết làng xã. Chức năng hành chính của ngôi đình không còn nữa,

chức năng văn hoá và tín ngưỡng cũng còn nhưng mờ nhạt do những khác biệt trong tập quán tín ngưỡng dân gian của dân cư trong làng ven đô.

Điều tra xã hội học của TS. Phạm Văn Giá tại 2 làng Quán Tình (phường Giang Biên) và Lỗ Khê (xã Liên Hà, Đông Anh) về việc đóng góp xây đình chùa cho biết: Ở Lỗ Khê, số người tham gia đóng góp xây dựng đình nhiều hơn chùa (96% và 94%); ở Quán Tình thì số người đóng góp cho chùa nhiều hơn đình (100% và 96%). [8, tr.56] Một điều tra xã hội học khác về việc đi lễ đình chùa cho kết quả: Ở Quán Tình, 50% dân đi lễ chùa và 37% đi lễ đình. Ở Lỗ Khê, con số này là 56.6% và 62%. [8, tr.66] Kết quả này cho thấy ranh giới trong ý thức của người dân về vai trò của mình trong cộng đồng làng xã, một thành tố quan trọng hình thành nên sự liên kết làng xã. Có thể lý giải hiện tượng này như sau: Ngôi đình là biểu tượng đoàn tụ của các thành viên trong làng, cũng là mốc giới phân định các làng với nhau. Tâm lý thường nhật của người nông dân Việt Nam là thành hoàng làng nào chỉ phù trợ cho dân làng ấy. Người nhập cư ở Quán Tình lớn hơn Lỗ Khê. Việc tham gia đóng góp xây dựng công trình tôn giáo cũng như đi lễ bái ở đó là thể hiện ý thức hoà nhập cộng đồng. Dù vậy, việc người dân Quán Tình nhiệt tình tham gia ủng hộ chùa chiền (100%) và đi lễ chùa (50%) cho thấy sự ngần ngại của người dân ở những làng quê bị đô thị hoá quá mạnh. Đây cũng là thực tế chung của các làng ven đô trong thời kì đô thị hoá. Khác với ngôi đình, cửa chùa chưa bao giờ mang ý nghĩa khu biệt địa giới trong đời sống tinh thần. Bên cạnh đó, chùa chiền vẫn là nơi diễn ra các hội hè, kế thừa và đổi mới các trò chơi và phong tục tập quán dân gian. Đến xứ lạ, người dân vẫn yên tâm nơi cửa chùa bởi: Mỗi người mỗi nước mỗi non – Khi vào cửa Phật như con một nhà.

- Hội chùa và hội làng:

Trong hội làng, người ta được nhắc nhớ đến nguồn gốc của mình, để bảo tồn những truyền thống tốt đẹp của cộng đồng. Tuy nhiên ở các làng ven đô bị đô thị hoá mạnh, với cấu trúc dân cư đa dạng thì tính cộng đồng làng xã truyền thống giảm sút. Tham dự hội làng, những người nhập cư không cảm thức về sự cộng cảm cộng đồng như thành phần dân cư gốc của làng, cũng không cảm được

giá trị lịch sử và truyền thống trong các hoạt động lễ nghi hội hè của hội. Thêm nữa, do thành phần dân cư đã ly nông cao, những màu sắc nông nghiệp nông thôn trong hầu hết các lễ hội của làng xã mất dần giá trị và sự trân trọng trong số đông. Hội làng vì thế không còn thu hút được toàn thể cộng đồng là một điều tất yếu.

Trong khi đó, người ta vẫn thích tham dự hội chùa. Những người khác nhau về gốc gác, nguyên quán nhưng cùng sống trong một làng vẫn có thể cùng nhau đi dự hội chùa làng như đã thấy ở làng Quán Tình trên.

- Văn hoá nhà chùa và văn hoá làng:

Các sản phẩm văn hóa làng xã ở dưới dạng thiết chế là đình, chùa, đền, miếu,... và ở dưới dạng thể chế như các phong tục, tập quán, lối sống, các lễ Tết và lễ hội, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nghệ thuật dân gian và các trò chơi,.v.v. Đình, chùa, đền, miếu là các thiết chế văn hóa cổ truyền gắn bó lâu đời với làng xã, là nơi diễn ra những sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng cộng đồng (lễ hội, rước sách, tế lễ, các trò chơi), là nơi dân làng thường xuyên tụ họp, gặp gỡ giao lưu.

Ảnh hưởng của xu thế đô thị hoá, các giá trị truyền thống, phong tục tập quán mất dần vị thế là những giá trị chuẩn cơ bản, điều tiết hành vi của dân làng. Những phong tục đám hỏi, tang ma, khao vọng, lên lão…vốn rất được coi trọng trong làng xã xưa kia nay được thực hiện với quy mô nhỏ, trong gia đình họ hàng là chính, ít khi tới quy mô làng. Điều này để phù hợp với đời sống hiện đại. Cùng với đó, có những phong tục đang mai một dần như một quy luật tất yếu của đời sống. Quan hệ làng xã mang màu sắc thị dân.

Như vậy, ở nhiều làng ven đô, phong tục tập quán cũ, những giá trị truyền thống đang mất dần vai trò là chất xúc tác củng cố sự liên kết trong làng xã. Nguyên nhân là do không tìm được chỗ đứng trong lòng số đông dân cư của làng, lúc này đã có một phần lớn là dân nhập cư. Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau nên sự khác biệt về phong tục tập quán, lối sống là điều tất yếu. Và trong tình hình đó, văn hoá nhà chùa có thể là một mái nhà văn hoá chung cho tất cả các thành viên trong làng xã. Khác với tín ngưỡng Thành hoàng, Thánh thần ít

khi có thể dung hoà với làng xã khác thì ngôi chùa có thể dung hoà được hoạt động sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng ngay cả giữa những vùng có khác biệt xa nhau.

Ở Quán Tình, Chùa mới đã được xây dựng rất lớn nhờ tiền đóng góp của dân và tiền bán đất chung của làng. Sư trụ trì chùa theo dòng tu Tiểu thừa, chủ trương Phật giáo nguyên thuỷ, thờ duy nhất đức Thích Ca Mâu Ni. Các tượng Phật khác vốn thờ trong chùa cũ của làng theo dòng Đại Thừa nên không đưa được vào chùa mới. Ban đầu, những người dân gốc của làng chỉ đến lễ ở chùa cũ. Dân nhập cư thì năng đến chùa mới hơn. Sau dần thành phần dân cư gốc của làng sụt giảm (lên thành phố kiếm việc làm); thêm nữa thấy chùa mới đẹp và đông người lễ bái, dân làng lại đến chùa mới. Tới nay, cả hai ngôi chùa cùng tồn tại song song. [8, tr.68-69]

b. Phật giáo trong tổng thể những yếu tố tác động đến việc củng cố liên kết làng xã

Đô thị hoá nhanh và thiếu kiểm soát tại các làng ven đô đã làm nảy sinh vô số vấn đề về môi trường, xã hội và kinh tế. Một số biểu hiện dễ nhận thấy của những tác động đô thị hoá đến các làng ven đô như sau:

- Đô thị hoá làm thay đổi cơ cấu dân cư của các làng ven đô, đó là nguyên nhân cơ bản phá vỡ lối sống truyền thống. Đô thị hoá đem đến cho các làng ven đô một lượng nhập cư khổng lồ, tạo ra những thay đổi lớn về mọi mặt. Thí dụ: Thành phần dân cư không thuần nhất làm giảm sự gắn kết cộng đồng; Sự khác biệt văn hoá giữa hai khối dân cư (dân gốc và dân nhập cư) về phong tục tập quán; Mật độ dân cư tăng gây quá tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật của làng...

- Sự suy yếu về sức mạnh của lệ làng và các phong tục tập quán đến đời sống và tư tưởng của các thành viên trong làng xã, đặc biệt là giới trẻ. Sự gia tăng tệ nạn xã hội.

- Những cộng đồng với quan hệ làng xóm, dòng họ vốn là chất keo gắn bó các thành viên lại với nhau, giờ trở nên yếu ớt. Sự tiêm nhiễm lối sống cá nhân chủ nghĩa của thị dân.

Trong bài viết “Xu hướng tịnh độ trong Phật giáo ở Việt nam và vai trò xã hội của nhà chùa trong đời sống hiện đại” trao đổi tại diễn đàn “Tiếp tục trao đổi về truyền thống và hiện đại trong sự nghiệp đổi mới của chúng ta” do Viện Xã hội học tổ chức năm 1989,[65] GS. Trần Đình Hượu đã dự báo vai trò xã hội to lớn của nhà chùa, cũng là của Phật giáo trong thời kì đô thị hoá:

(1) Đời sống văn minh của thời kì công nghiệp hoá hiện đại hoá cùng với xu thế đô thị hoá gấp gáp dễ cuốn hút con người, khiến người ta sao nhãng một mặt rất nhân bản khác là đời sống tâm linh. Tư tưởng từ bi hỷ xả của Phật là liều thuốc an trụ làm cho tâm tĩnh, làm tươi nhuận đời sống tâm hồn, là một phương sách dưỡng sinh cho con người hiện đại.

(2) Sự du nhập lối sống ăn chơi hưởng thụ của phố phường, lối sống chạy theo tiền bạc vật chất làm đảo lộn nhiều giá trị đạo đức truyền thống và phát sinh các tệ nạn xã hội. Phật giáo với tư tưởng hòa bình và khuyến thiện, kêu gọi con người suy nghĩ, sống theo điều thiện, làm việc thiện, cứu trợ người khác sẽ góp phần thức tỉnh lương tri con người, làm cho xã hội sống trong hòa bình và nhân ái, ngăn ngừa cái ác có tính hiện đại. Đó chính là khả năng nâng cao nhận thức và qui tụ lương tri tâm linh con người hướng về những giá trị nhân bản của tinh thần Phật giáo. Rõ ràng Phật giáo không thể làm thay các công việc thuộc về thể chế xã hội, sự quản lý hành chính, pháp luật, giáo dục... nhưng hoàn toàn có thể tham gia điều chỉnh đạo đức xã hội, cải thiện mối quan hệ giữa người với người, tăng cường và củng cố mối liên kết làng xã.

(3) Những dự án quy hoạch kiến trúc một cách cẩu thả, thiếu tầm nhìn đang đe doạ phá vỡ hình ảnh truyền thống: cây đa, bến nước, con đò cũng như hình ảnh những ngôi nhà truyền thống của các làng ven đô. Ngôi chùa còn là nơi lưu giữ những kiến trúc, quang cảnh thanh bình, xinh đẹp của làng quê truyền thống.

(4) Không gian chùa chiền thích hợp cho người già đến tụng kinh gõ mõ, người trẻ đến thỉnh Phật xin cầu, trẻ con đến sân chùa vui chơi, người đau ốm tìm nơi dưỡng bệnh… Nhà chùa có vai trò là một trung tâm đời sống của xóm làng.

c. Đóng góp của Phật giáo trong củng cố liên kết làng xã thời kinh tế hàng hoá và đô thị hoá tại các làng ven đô

- Về xã hội:

Dân số ngày càng tăng, mật độ dân số ngày càng dày thì mối liên kết làng xã được thể hiện trong hệ thống phong tục tập quán càng phải chặt chẽ. Trước đây, hệ thống đó chủ yếu được thể hiện trong các hương ước làng. “Những tư liệu dân tộc học cho biết từ TK XV đến TK XIX, không phải số hương ước ngày càng bớt đi mà trái lại, hương ước dần dần nhiều thêm... Những làng có lịch sử lâu đời, có nhiều ngành nghề, dân số đông và nhiều tầng lớp xã hội khác nhau thì hương ước lại càng phức tạp đa dạng, quy định càng chi tiết cụ thể.” [5, tr.132]

Ngày nay, ảnh hưởng của hương ước đã ít nhiều bị mai một trong cộng đồng dân cư không thuần nhất của làng xã. Phật giáo với hệ thống đạo đức luân lý công bằng, minh triết có thể góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ những luật tục truyền thống tốt đẹp và phát huy những giá trị đạo đức phù hợp với thời đại.

Hội làng và hội đình thường mang tính chất địa phương còn hội chùa mang đậm tính chất đại chúng. Các lễ nghi của hội làng để thu hút người dân gốc của làng và có các nghi lễ Phật giáo để lôi cuốn những người dân mới đến định cư. Chỉ cần những người dân gốc và dân ngụ cư ấy cùng tham dự hội hè đình đám ở làng thì theo thời gian sẽ hình thành sự cộng cảm cộng đồng, sự quen biết, giao thiệp, từ đó làm gia tăng sự liên kết làng xã.

Đồng thời với hình thức đi lễ chùa, hội chùa, hành hương thăm xứ Phật, lễ báo hiếu, lễ xá tội, thắp hương tuần rằm mùng một, Phật tử cũng được khuyến khích kết hợp, chuyển hóa hoạt động tâm linh bằng hoạt động thực tiễn: làm từ thiện, cúng dường, phát tâm cứu giúp người nghèo, kể cả tham gia giải quyết những vấn đề an sinh xã hội (bảo vệ môi trường, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội)... (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Phật giáo củng cố các giá trị đạo đức của xã hội: nghĩa thầy trò, quan hệ chủ tớ (nay là chủ và người lao động), quan hệ giữa người với người. Cùng với đó là việc củng cố các mối quan hệ nền tảng trong cộng đồng làng xã:

+ Gia đình

“Chính sự ngưng kết của gia đình tạo nên sự ngưng kết của làng xã, góp phần vào nền văn hoá truyền thống Việt Nam – “văn hoá làng” mà hàng ngàn năm lịch sử bị xâm lược, bị đô hộ vẫn vững vàng không bị đồng hoá.”[5, tr.277] Làng cổ truyền là cơ chế thích ứng với sản xuất tiểu nông, với gia đình - tông tộc gia trưởng, và đã tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử. Nhưng cho đến nay, cơ cấu làng xã cổ truyền ấy đang bị vỡ ra từng mảng. Cùng với nó là phương thức sản xuất tiểu nông và mô hình gia đình – tông tộc gia trưởng cũng đang trở lên lạc hậu trong đời sống hiện đại. Như vậy, khi nền tảng hình thành sự liên kết làng xã đang bị rạn nứt và đổ vỡ thì giải pháp hướng đến việc củng cố mối liên kết làng xã phải bắt đầu từ gia đình. Ở nước ta, gia đình là tế bào của xã hội, có chức năng giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đào tạo con người. Đặc biệt ở nông thôn, gia đình họ tộc vẫn được coi trọng. Mặt trái của cơ chế thị trường dẫn đến sự suy thoái về đạo đức lối sống, nhất là trong thế hệ thanh thiếu niên ở các làng ven đô. Vậy việc củng cố mối liên kết gia đình chính là nền tảng cho sự liên kết ổn định của cả làng xã. Phật giáo góp phần củng cố và tăng cường các giá trị đạo đức gia đình: Chữ Hiếu của con cái với cha mẹ, trách nhiệm của cha mẹ với con; quan hệ vợ chồng, anh em...

+ Dòng họ

“Ngày nay các loại tổ chức giáp phường đã bị giải thể song họ hàng thì đang tồn tại khá vững vàng. Bằng các hoạt động thờ cúng tổ tiên, lập gia phả, tu bổ nhà thờ họ, dòng họ vẫn duy trì và hiện nay như đang có phần “trỗi dậy”. Như một sự trái ngược, một “nghịch lý” là ở nơi, ở lúc kinh tế hàng hoá khá phát triển thì quan hệ dòng họ lại được củng cố hơn ở những nơi khác... Có thể cho rằng, kinh tế hàng hoá mà trước hết là kinh tế hàng hóa giản đơn không làm giải thể quan hệ dòng họ.”[5, tr.25]

Dòng họ là sự mở rộng của gia đình, hướng đến một liên minh gia đình nội ngoại, góp phần củng cố tinh thần uống nước nhớ nguồn, tinh thần cộng đồng. Dòng họ cũng giúp các gia đình giải quyết các nhu cầu về tín ngưỡng tâm linh, giáo dục, kinh tế.

Chính sự gia tăng vai trò của gia đình trong xã hội đã dẫn đến sự phục hồi quan hệ dòng họ với những mối liên kết chặt chẽ. Họ tộc mang tính xã hội cao hơn và vị trí của tộc trưởng cũng khác. Sự hình thành ban quản lý dòng họ, đứng đầu không phải tộc trưởng mà là lớp trung niên ở các chi họ trong thôn xã. Tổ chức tụ cư suy giảm, hiện tượng phân tán mở rộng và phổ biến trong quá trình phát triển kinh tế thị trường.

Phật giáo phải tăng cường chức năng liên kết dòng họ trong làng xã: Những dòng họ lâu đời và những dòng họ mới xuất hiện thông qua các hoạt động lễ nghi của dòng họ được tổ chức ngày một long trọng tại chùa: nghi lễ tang ma, cầu siêu, phổ độ gia tiên... hoặc tại nhà nhưng có sự tham gia của các nhà tu hành như: sinh con đầu lòng, lễ mừng thọ... Nhà tu hành định hướng cho Phật tử trong làng xã thấm nhuần tư tưởng từ bi hỉ xả, chống lại các hiện tượng bè phái cục bộ, hiện tượng dòng họ gây thanh thế trong Đảng bộ, chính quyền

Một phần của tài liệu Phật giáo với việc củng cố liên kết cộng đồng làng - xã Việt Nam hiện nay (Trang 59)