Trần Nhân Tông − triết gia lớn

Một phần của tài liệu Trần Nhân Tông và mấy vấn đề nổi bật của văn học thời Trần (Trang 26)

6. Cấu trúc đề tài

1.3. Trần Nhân Tông − triết gia lớn

Không chỉ là một ông vua, một giáo chủ lớn, Trần Nhân Tông còn là một nhà tư tưởng vĩ đại, người đã đặt nền móng tư tưởng cho cả một giáo phái cũng như cả nước Đại Việt.

Ngày nay, toàn bộ những tác phẩm của vua Trần Nhân Tông do Thánh đăng ngữ lục ghi lại như Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Thiền lâm thiết chủy hậu lục, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng già toái sự Thạch thất mị ngữ đã hoàn toàn tán thất. Các tác phẩm của ông còn lại đến nay chỉ gồm một số bài thơ, văn và ngữ lục được chép rải rác đó đây trong các tác phẩm Việt Nam về sau như

Thánh đăng ngữ lục, Việt âm thi tập, Thiền tông bản hạnh, Tam tổ thực lục

v.v… và một số các tác phẩm Trung Quốc như Thiên nam hành ký, Trần Cương Trung thi tập v.v… Vì thế, việc nghiên cứu tác phẩm của ông không đơn giản, và rất dễ thiếu sót. Nhưng qua những tác phẩm còn lại của ông, chúng ta cũng có thể thấy được những tư tưởng triết học đại thể, là cơ sở tư tưởng trong triết học của Trần Nhân Tông với hai vấn đề chính là: vấn đề thế giới quan và vấn đề nhân sinh quan.

Trọng tâm quan tâm mà Trần Nhân Tông nói riêng, cũng như Thiền phái Trúc Lâm và Thiền tông hướng đến bao gồm một số vấn đề như: cái Tâm, quan niệm về thế giới hiện tượng và về con đường giải thoát, về mối quan hệ hữu - vô…

Trần Nhân Tông chịu ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ – hai thiền sư đã góp phần đặt nền móng cho sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm.

Vai trò của Trần Thái Tông là đã làm phong phú, sâu sắc thêm khái niệm “Tâm”, thật sự đưa nó vào vị trí trung tâm của Thiền học Việt Nam. Quan niệm Tâm “không hư” ở Trần Thái Tông là sự kết hợp “Tâm ấn” của Tì-ni-đa-lưu-chi, mang màu sắc không, có tính chất hướng ngoại với “Tâm địa” của phái Vô Ngôn Thông mang tính chất biện tâm và hướng nội. Về triết lý nhân sinh, Trần Thái

Tông coi sinh tử không phải là triết lý siêu hình, mà là chính bản thân cuộc sống thực của con người, không bám víu hay lẩn trốn lẽ sinh tử mà vẫn sinh tử nhưng chẳng lầm sinh tử.

Thiền học ở Tuệ Trung Thượng Sĩ lại có màu sắc khác hơn, thiền ở ông là thiền nhập thế, tích cực. Thiền ở Tuệ Trung Thượng Sĩ không dừng lại ở những hoạt động giới hạn trong việc hành thiền như ngồi thiền, tu thiền… mà thiền khái quát, rộng lớn hơn rất nhiều. Đối với ông, bản thân cuộc sống đã là thiền nên bất cứ hành vi nào cũng là thiền: đi cũng thiền, đứng cũng thiền, ngồi cũng thiền, đánh giặc cứu nước cũng là thiền… Thiền học ở Tuệ Trung Thượng Sĩ vô cùng phóng khoáng. Về quan niệm nhân sinh, Tuệ Trung Thượng Sĩ đặt mục tiêu tự do tuyệt đối lên đầu, đó là cách sống ung dung tự tại, thuận với tự nhiên, hòa đồng với tự nhiên, và ông coi nó là chuẩn mực, thước đo của thiền.

Những tư tưởng triết học của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ ảnh hưởng mạnh mẽ đến Trần Nhân Tông, góp phần hình thành nên thế giới quan và nhân sinh quan của Trần Nhân Tông.

Một phần của tài liệu Trần Nhân Tông và mấy vấn đề nổi bật của văn học thời Trần (Trang 26)