CÁC BƯỚC THỰC HIỆN VIỆC TÁI CẤU TRÚC

Một phần của tài liệu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại việt nam (Trang 33)

Phần 3: TÁI CẤU TRÚC HỆ THỐNG NHTM VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

3.3CÁC BƯỚC THỰC HIỆN VIỆC TÁI CẤU TRÚC

Để thực hiện các biện pháp trên, điều kiện cơ bản là phải xác định một cách rõ ràng và chính xác mức độ mất vốn của ngân hàng trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Và con số này phải được đưa ra từ các cuộc rà soát đặc biệt với nhiều chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế, chứ không phải con số trên sổ sách kế toán do các ngân hàng báo cáo.

Ngân hàng Nhà nước cần rà soát kỹ lưỡng tỉ lệ nợ xấu và mức dự phòng rủi ro tín dụng trước khi đưa ra bất kỳ chương trình tái cấu trúc nào. Để đẩy nhanh công tác tái cấu trúc ngân hàng, theo chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước trước hết phải có biện pháp mạnh yêu cầu ngân hàng thương mại phân loại nợ xấu nhanh và chính xác. Càng trì hoãn công việc này sẽ càng làm trì hoãn chương trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.

Ví dụ ở Thái lan, để giải quyết cuộc khủng hoảng năm 1997, Ngân hàng Trung ương Thái (BOT) đã siết chặt quy định về phân loại nợ và chuẩn mực kế toán về lập dự pḥng rủi ro tín dụng. BOT đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phân loại tất cả các khoản vay quá hạn lãi hoặc gốc 3 tháng thành các khoản cho vay không hiệu quả. Kết quả là tỉ lệ nợ xấu tăng lên đến 45% và hàng loạt ngân hàng thiếu vốn hoặc rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán (tổng công nợ lớn hơn tổng tài sản), phải tái cấu trúc.

 Xử lý nợ xấu và các tài sản không nằm trong hoạt động cốt lõi:

Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu mô hình cho phép các ngân hàng có nợ xấu cao tách biệt hoạt động thành 2 pháp nhân khác nhau: “ngân hàng tốt” và “ngân hàng xấu”. Ngân hàng xấu sẽ tập trung giải quyết triệt để các khoản nợ này, còn ban lãnh đạo ngân hàng có thể tập trung phát triển hoạt động cho vay mới có hiệu quả ở “ngân hàng tốt”. Các khoản nợ xấu sẽ được chuyển sang “ngân hàng xấu” theo mức giá sau khi đã được lập dự phòng đầy đủ. Việc tách biệt giữa “ngân hàng tốt” và “ngân hàng xấu” đã được nhiều nước áp dụng thành công, như Ngân hàng Northern Rock tại Anh và nhiều ngân hàng khác ở Mỹ và châu Âu.

Trước đây, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng đã khuyến khích các ngân hàng thương mại thành lập các công ty quản lý nợ và tài sản xấu (gọi tắt là AMC) để thúc đẩy Chương trình Tái cơ cấu Ngân hàng cuối thập niên 1990. Theo chúng tôi hiểu, mô hình

AMC trước đây cũng đã được áp dụng thử ở Ngân hàng Công Thương thời khủng hoảng Epco - Minh Phụng năm 2001- 2002 nhưng không được áp dụng triệt để.

 Rà soát chất lượng tài sản:

Theo số liệu hợp nhất của 43 ngân hàng thương mại, tổng dư nợ cho vay khách hàng chỉ chiếm chưa đến 60% trong tổng tài sản 175 tỉ USD của các ngân hàng này. 40% còn lại tương đương khoảng 70 tỉ USD thì phần lớn là đầu tư chứng khoán, trong đó có trái phiếu (25 tỉ USD) và cho các ngân hàng thương mại khác vay (31 tỉ USD). Số dư 70 tỉ USD gấp 4,3 lần tổng vốn chủ sở hữu.

Thực tế, hiện này có rất nhiều ngân hàng dùng các cơ chế như trái phiếu, đầu tư ủy thác qua hoạt động quỹ đầu tư để hạch toán các khoản tài trợ mang bản chất tín dụng và đầu tư vào cổ phiếu. Do đó, chất lượng tín dụng cần được đánh giá tổng thể hơn bao gồm cả đầu tư tài chính, các khoản khác trên bảng cân đối tài sản và các tài khoản ngoại bảng, thay vì chỉ có dư nợ khách hàng.

 Thành lập Ban Tái cấu trúc Quốc gia về hệ thống ngân hàng:

Khi đã xác định được mức vốn thực của các ngân hàng thương mại sau khi bù đắp các khoản thiệt hại về nợ xấu và dự phòng, Ngân hàng Nhà nước có thể yêu cầu các ngân hàng tăng vốn hoặc sáp nhập với nhau để đạt được mức vốn tối thiểu đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh ngân hàng theo các giải pháp đã phân tích ở trên.

Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc và thành lập “Ban Tái cấu trúc Ngân hàng” với các mục tiêu như: (1) yêu cầu các ngân hàng có vấn đề về vốn tự có phải tăng vốn hay sáp nhập; (2) cung cấp bảo lãnh cho các khoản vay liên ngân hàng; (3) lập quỹ tái cấu trúc và đầu tư vào các ngân hàng khi không tự tăng được vốn; (4) đề xuất lên chính phủ về việc nới lỏng tỉ lệ sở hữu nước ngoài cho một số ngân hàng và (5) đưa ra khung pháp lý để các ngân hàng có thể mua bán nợ NPL.

Khi có quỹ tái cấu trúc, Ngân hàng Nhà nước có thể mua cổ phần của các ngân hàng có mức vốn dưới tỉ lệ an toàn. Vào cuối những năm 1990, Ngân hàng Trung ương Thái - BOT đã lập quỹ tương tự. BOT khuyến khích các ngân hàng hợp nhất bằng cách cung cấp vốn đối ứng cho bên mua và đứng ra bảo lãnh khoản lỗ từ danh mục nợ xấu (sau khi đã lập đầy đủ dự phòng) trong các năm hoạt động đầu tiên. BOT còn cung cấp vốn cho các ngân hàng dưới dạng vốn cổ phần thông thường và vốn cổ phần ưu đãi. Các ngân hàng có quyền mua lại vốn đầu tư của BOT với giá gốc cộng với chi phí vốn.

Ngoài ra, để đẩy mạnh việc cải tổ hệ thống ngân hàng, Chính phủ cần cân nhắc thực hiện đồng bộ chương trình cải cách khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước để giải quyết các khoản nợ xấu đang treo lơ lửng, tạo ra một khối doanh nghiệp mạnh, từ đó khôi phục lại sức mạnh của hệ thống tài chính.

KẾT LUẬN

Trong năm năm gần đây nhờ có chính sách cởi mở của Chính phủ, hệ thống ngân hàng TMCP Việt nam đã tăng trưởng mạnh kể cả về quy mô tài sản và số lượng các ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại Việt nam đang và sẽ phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng do chất lượng tài sản kém, khó khăn về thanh khoản, chất lượng lợi nhuận thấp, yếu kém về quản trị và về quản lý rủi ro. Do vậy, yêu cầu bức thiết đặt ra lúc này là việc nhanh chóng đưa ra được chương trình tái cơ cấu ngành để giúp các ngân hàng không bị rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán do khánh kiệt về vốn và khôi phục năng lực của hệ thống ngân hàng giúp thúc đẩy nền kinh tế nhanh hồi phục.

Một phần của tài liệu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại việt nam (Trang 33)