7.5.2.2. Phương pháp thi công kiểu cọc khoan nhồi
Công việc thi công cọc nhồi được tiến hành theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu dọc theo trục dọc tường, cứ khoan mỗi lỗ rồi lại chừa ra một khoảng bé hơn hai đườngkính lỗ khoan một ít và cứ tiếp tục như vậy. Giai đoạn 2, khoan và tạo cọc nhồi nốt các phần còn chừa lại. Các lỗ khoan trong giai đoạn 2 sẽ cắt vào một phần thân các cọc được thi công trong giai đoạn đầu đã đông cứng lại và các cọc thi công trong giai đoạn 2 sẽ ghép với các cọc trong giai đoạn đầu để tạo thành tường trong đất. Tùy theo mục đích sử dụng và biện pháp thi công, tường trong đất có thể là đoạn hào hoặc hào liên tục có dạng thẳng hoặc cong trên mặt bằng (hình 7.15).
Chiều dài của tường trong đất trong thực tiễn đã xây dựng dài đến mấy cây số (màn chắn ở nền đập để bốc hơi tại nhà máy luyện dầu mỏ Krementruc có chiều dài 7,3km, màn chắn để bảo vệ cho đất khỏi bị ngập nước biển ở Caliphoocnia dài 5,7km).
Tường trong đất kiểu hào có chiều dày cố định khoảng 0,2÷1,0m, khi lấp bằng bêtông hoặc vữa ximăng cát, còn khi lấp bằng đất hỗn hợp thì chiều rộng bằng 0,5÷4,0m. Bề dầy của tường kiểu cọc: 0,5÷1,0m (ở chỗ các cọc tiếp xúc nhau, chiều dày giảm xuống 1,5÷2 lần so với đường kính lỗ khoan (cọc) và bằng 0,25÷0,65m.
Trong thực tế, tường trong đất được thi công với độ sâu tối thiểu là 6m. Chiều sâu của tường kiểu cọc và hào ngắn có chiều sâu không hạn chế nhưng khi tăng chiều sâu thì quá trình thi công sẽ phức tạp hơn mà chủ yếu là việc ghép các bộ phận riêng biệt thành tường liên tục. Các màn chống thấm bằng đất khi thi công bằng máy xúc có chiều sâu tối đa là 29m (đập số 2 của hồ chứa nước Comantre ở Mỹ). Tường kiểu hào đã được xây dựng đến độ sâu 78m (đập Xiskai trên sông Columbia). Chiều sâu lớn nhất của màn chống thấm kiểu cọc đã được xây dựng đạt tới 74m (nền đê quai tại công trình thủy điện Manikuagan).
Hình 7.15: Hình dạng các loại tường trong đất