Khi thực hiện Modbus trên các mạng khác như Modbus Plus hay MAP, các thông báo Modbus được đưa vào các khung theo giao thức vận chuyển/liên kết dữ liệu cụ thể. Ví dụ, một lệnh được yêu cầu đọc nội dung các thanh ghi có thể được thực hiện giữa hai bộ điều khiển ghép nối qua Modbus Plus.
Đối với các thiết bị ghép nối qua mạng Modbus chuẩn, có thể sử dụng một trong hai chế độ truyền là ASCII hoặc RTU. Người sử dụng lựa chọn chế độ theo ý muốn, cùng với các tham số truyền thông qua cổng nối tiếp như tốc độ truyền, parity chẵn/lẻ ... Chế độ truyền cũng như các tham số phải giống nhau đối với tất cả các thành viên của một mạng Modbus.
MODBUS ASCII:
Khi các thiết bị trong một mạng Modbus chuẩn giao tiếp với chế độ ASCII (American Standard Code for Information Interchange), mỗi byte trong thông báo được gửi thành hai ký tự ASCII 7 bit, trong đó mỗi ký tự biểu diễn một chữ số hex. Ưu điểm của chế độ truyền này là nó cho phép một khoảng thời gian trống tối đa một giây giữa hai ký tự mà không gây ra lỗi.
Cấu trúc của một ký tự khung gửi đi được thể hiện như sau:
Mỗi ký tự khung bao gồm:
• 1 bit khởi đầu (start bit).
• 7 bit biểu diễn một chữ số hex của byte cần gửi dưới dạng ký tự ASCII (0 -9 và A – F), trong đó bit thấp nhất được gửi đi trước.
• 1 bit parity chẵn/lẻ, nếu sử dụng parity.
• 1 bit kết thúc (stop bit) nếu sử dụng parity hoặc 2 bit kết thúc nếu không sử dụng parity.
MODBUS RTU:
Khi các thiết bị trong một mạng Modbus chuẩn được đặt chế độ RTU, mỗi byte trong thông báo được gửi thành một ký tự 8 bit. Ưu điểm lớn nhất của chế độ truyền này so với chế độ ASCII là hiệu suất cao hơn. Tuy nhiên, mỗi thông báo phải được truyền thành một dòng liên tục.
Cấu trúc một ký tự khung gửi đi được thể hiện như sau:
Mỗi ký tự khung bao gồm:
• 1 bit khởi đầu (start bit).
• 8 bit của byte thông báo cần gửi, trong đó bit thấp nhất được gửi đi trước.
• 1 bit parity chẵn/lẻ nếu sử dụng parity.
• 1 bit kết thúc (stop bit) nếu sử dụng parity hoặc 2 bit kết thúc nếu không sử dụng parity).