Các tiêu chí đánh giá giao thức mạng

Một phần của tài liệu Khảo sát mạng LAN với các phần mở rộng không dây (Trang 46)

Các giao thức cải tiến TCP đều được phát triển dựa trên nền tảng chồng giao thức TCP/IP nhưng có thay đổi trên những công đoạn cụ thể tùy thuộc vào hạ tầng mạng, điều này có nghĩa là giao thức TCP đó có thể sử dụng tốt trong loại mạng này nhưng chưa chắc sử dụng tốt cho mạng kia. Do vậy rất khó để có thể nói giải pháp cải tiến nào tốt nhất cho mọi trường hợp. Điều khiển lưu lượng và phòng chống tắc nghẽn là hai vấn đề khác nhau. Tuy nhiên trong các cải tiến TCP, hai vấn đề này đã được nhập lại thành một và được thể hiện trong cùng 1 thuật toán. Để đánh giá một thuật toán điều khiển lưu lượng và phòng chống tắc nghẽn, người ta đã đưa ra một số tiêu chí chính như sau: [7]

- Tính hiệu quả (Efficiency): Được định nghĩa là tỉ số giữa tổng tài nguyên phân phối cho các ứng dụng và tổng tài nguyên mà hệ thống mạng có tại mốc thời gian trước thời điểm mạng xảy ra bão hòa (do có sự can thiệp của thuật toán). Một thuật toán được xem là hiệu quả nếu tỉ số này tiệm cận giá trị 1.

- Tính bình đẳng (Fairness): Khi nhiều yêu cầu chia sẻ tài nguyên bao gồm tài nguyên mạng và QoS cho các dịch vụ và tất cả những yêu cầu đó thuộc cùng

một lớp (tùy theo cách phân lớp), thì các tài nguyên phải được chia sẻ như nhau và với cùng mức độ đảm bảo QoS.

- Tính hội tụ (Convergence): Sự hội tụ được đánh giá bởi thời gian cần để hệ thống đạt đến trạng thái mong muốn từ một trạng thái xuất phát bất kỳ. Một cách lý tưởng, hệ thống đạt tới trạng thái đích nhanh và có biên độ dao động rất nhỏ xung quanh nó. Như vậy, nếu gọi Xgoal biểu thị mức lưu lượng mong muốn đưa vào mạng tại thời điểm xét thì tính hội tụ được đánh giá qua 3 yếu tố: Trạng thái cân bằng tiệm cận với Xgoal ; thời gian cần thiết để thuật toán hội tụ đến Xgoal và biên độ của dao động xung quanh giá trị Xgoal nhỏ dần về giá trị 0.

- Thời gian đáp ứng nhỏ (Small response time): Thuật toán phải nhanh chóng phát hiện được tắc nghẽn và thời gian kể từ khi phát hiện tắc nghẽn đến khi có tác động của điều khiển chống tắc nghẽn phải càng nhanh càng tốt. Nếu gọi Tresp là thời gian phản ứng kể từ khi phát hiện tắc nghẽn đến khi tắc nghẽn đó được xử lý, Tgoal là thời gian cần thiết tính từ lúc cần giải quyết tắc nghẽn đến khi vấn đề tắc nghẽn được giải quyết thì Tresp ≤ Tgoal. Trong đó Tgoal là cơ sở để so sánh các thuật toán điều khiển, Tresp càng nhỏ càng tốt.

- Độ mịn trong điều khiển (Smoothness): Trong thực tế, tác động của mọi thuật toán điều khiển không thể đưa hệ thống đến trạng thái mong muốn ngay lập tức. Vì vậy, các thuật toán điều khiển chống tắc nghẽn phải thiết kế sao cho tác động điều khiển có độ mịn cần thiết, tránh đưa hệ thống vào trạng thái mất ổn định thêm. Đại lượng để đo độ mịn có thể là hiệu số giữa lưu lượng tại 2 thời điểm điều khiển liên tiếp t1 và t2: |Xi(t2) – Xi(t1)| (với i = 1..n là số lần điều khiển) hoặc hiệu số giữa tổng lưu lượng mạng tại 2 thời điểm điều khiển liên tiếp t1 và t2: |X(t2) – X(t1)|.

- Tính phân tán (Distributedness): Đây là tiêu chí rất cần thiết đặc biệt trong các mạng cỡ lớn khi hệ thống các đường truyền trong mạng là hỗn hợp, băng thông, thông lượng, độ trễ trên các chặng khác nhau. Có thể khi thuật toán được áp dụng cho một mô hình tập trung với các thông số đầy đủ về trạng thái của mạng cũng như là luồng riêng lẻ nhưng chưa hẳn đã đúng khi áp dụng thuật toán đó cho một mạng lớn hơn (về quy mô cũng như tính chất); điều này có thể gây nên những phản ứng không đồng bộ đồng thời sự lan tỏa của các giao tác của thuật toán cũng không hiệu quả trong toàn mạng.

Một phần của tài liệu Khảo sát mạng LAN với các phần mở rộng không dây (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)