Sáp nhập ngân hàng, nợ xấu, nhân sự có vấn đề, vẽ số liệu… là những thông tin gây nhiễu trong hoạt động ngân hàng hiện nay. Có một thực tế là không ít ngân hàng kém minh bạch, đã “tạo cớ” cho việc gây nhiễu loạn thông tin. Chính vì thế mà không ít ngân hàng làm ăn hiệu quả, minh bạch và có Kết quả kinh doanh tốt lại bị vạ lây bởi những thông tin kiểu này.
Trong thực tế có không ít ngân hàng hoạt động tốt, minh bạch thông tin. Vừa qua, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – mã chứng khoán CTG) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2012 và 9 tháng đầu năm 2012. Theo đó, trong điều kiện kinh tế vĩ mô không thuận lợi và những khó khăn trong lĩnh vực ngân hàng, Vietinbank vẫn đạt đượcKết quả kinh doanh đầy ấn tượng và đạt lợi nhuận cao nhất ngành ngân hàng. Cụ thể, quý III/2012, tổng tài sản của VietinBank tăng 9,6% so với Quý II/2012. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 3.177 tỷ đồng và 2.414 tỷ đồng, gấp 4,23 lần và 4,27 lần so với quý II/2012. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của VietinBank đạt con số ấn tượng với lợi nhuận trước thuế gần 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 4.500 tỷ đồng.
Cùng với công bố này, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận CTG là mã cổ phiếu ngân hàng sinh lời cao nhất 9 tháng đầu năm 2012 . Trong năm 2012, cổ phiếu CTG giữ vị trí số 1 khi mang lại cho cổ đông tỷ lệ sinh lời 66%, vượt xa các cổ phiếu khác trong ngành. Đây cũng là tỷ lệ sinh lời ở mức rất cao so với cổ phiếu của các ngành khác được giao dịch trên HSX và HNX.
Đặc biệt mới đây nhất, Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Tạp chí Thuế - Tổng Cục Thuế và VietNamNet chính thức công bố Bảng xếp hạng 1000 doanh nghiệp (DN) nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam (V1000) năm 2012, trong đó, top 3 DN nộp thuế thu nhập cao nhất gồm: Viettel, Công ty thông tin di động VMS và VietinBank.
Trong khi nhiều ngân hàng minh bạch và phát triển, một số ngân hàng nhỏ lại tù mù thông tin, thậm chí không minh bạch hoặc không chính xác số liệu. Không ít ngân hàng công bố có lãi, nhưng lại… lỗ sau khi thanh tra. Trong bản báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn mới gửi tới các đại biểu, Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2012, đã quyết liệt thanh tra toàn diện 32 tổ chức tín dụng. "Hầu hết các tổ chức tín dụng đều giảm kết quả kinh doanh sau thanh tra do phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần báo cáo có lãi nhưng qua thanh tra làm rõ thực tế là lỗ, giảm vốn điều lệ, thậm chí không còn vốn điều lệ", Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu rõ.
Việc minh bạch thông tin, chính xác số liệu, khẳng định năng lực tài chính và sự phát triển có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng. Vấn đề đặt ra là: Sau khi thanh tra và công bố những thông tin về sự minh bạch, những ngân hàng cố tình làm sai lệch vấn đề có bị xử lý? Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, đã đến lúc cần có những chế tài xử lý nghiêm khắc để chấn chỉnh hoạt động này nhằm đảm bảo sự minh bạch và phát triển cho toàn hệ thống ngân hàng. Trả lời các đại biểu tại phiên họp Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định sẽ quyết liệt yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng đầy đủ. Thống đốc nhấn mạnh: "Kiên quyết đến cuối năm, ngân hàng nào không trích lập dự phòng rủi ro đủ, thì không được chia cổ tức. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp thanh tra cần thiết để đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng trước tiên phải phục vụ cho xử lý vấn đề nợ xấu".
Bên cạnh câu chuyện minh bạch hoạt động của các ngân hàng, có lẽ Ngân hàng Nhà nước cũng cần chấn chỉnh thông tin để tránh tình trạng tung hỏa mù làm nhiễu loạn thông tin.