CÁC KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN KINH DOANH TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN CƠ KHÍ

Một phần của tài liệu Phân tích hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh tại công ty cổ phần Cơ khí 120 (Trang 30)

VỐN KINH DOANH TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN CƠ KHÍ 120

3.1. Các kết luận và phát hiện qua nghiên cứu

3.1.1. Những kết quả đạt được

Thông qua những phân tích về tình hình và hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của công ty Cổ phần Cơ khí 120, ta có thể thấy được phần nào những kết quả mà công ty đã đạt được trong thời gian qua.

Lợi nhuận của công ty liên tục tăng qua các năm cho thấy hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty là khả quan. Mặc dù trong những năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới bất ổn, công ty cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình huy động và sử dụng vốn, đã từng phải cắt giảm số lượng lớn lao động nhưng công ty vẫn tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra lợi nhuận. Tuy mức sinh lời của công ty còn thấp nhưng cũng cho thấy sự cố gắng của toàn bộ cán bộ công nhận viên, đội ngũ sản xuất của công ty.

Việc công ty làm ăn có lãi sẽ giúp công ty mở rộng quy mô vốn kinh doanh. Qua phân tích có thể thấy trong cơ cấu nguồn vốn của mình, công ty đã tăng vốn chủ sở hữu và giảm vốn vay. Mặc dù nguồn vốn vay vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhưng việc tăng vốn chủ sở hữu đã giúp công ty nâng cao được năng lực tự chủ tài chính, tránh việc lạm dụng vốn vay quá mức. Khoản mục Nợ ngắn hạn trong tổng nợ giảm góp phần giúp công ty giảm bớt được áp lực thanh toán.

Ngoài ra, việc xây dựng được một cơ cấu nguồn vốn hợp lý cũng giúp công ty hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Công tác quản lý nợ phải thu khá tốt, tránh việc bị các doanh nghiệp khác chiếm dụng vốn.

3.1.2. Những mặt tồn tại và nguyên nhân

Qua phân tích ta thấy tỷ trọng nợ vay của công ty trong tổng vốn kinh doanh là rất lớn. Điều đó cho thấy việc huy động vốn của công ty là không tốt, còn phụ thuộc nhiều vào các khoản nợ vay, mức độ tự chủ tài chính không cao. Với việc Nợ phải trả chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn, công ty sẽ mất nhiều chi phí hơn cho việc huy động vốn, làm giảm lợi nhuận của công ty đồng thời gia tăng áp lực

và rủi ro về tài chính. Công ty cần hết sức chú ý đến thời hạn trả nợ nếu không muốn bị rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán khi đến hạn trả nợ.

Nguồn vốn dài hạn của công ty không được phân bổ rộng mà chỉ tập trung vào tài sản cố định và tài sản dài hạn khác, không được dùng để đầu tư vào các khoản mục khác. Vì vậy, công ty chưa phát huy được hết năng lực của nguồn vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hệ số doanh thu trên vốn kinh doanh của công ty năm nay giảm đi so với năm trước, chứng tỏ công ty chưa tận dụng được hết sức sản xuất của nguồn vốn để tăng doanh thu nhằm tạo thêm lợi nhuận. Hệ số doanh thu trên vốn lưu động bình quân giảm cho thấy mặc dù công tác quản lý vốn lưu động của công ty năm nay đã tốt hơn năm trước nhưng vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả.

Ngoài ra, trong công tác huy động vốn của công ty chỉ có huy động từ lợi nhuận để lại, vốn chủ sở hữu, quỹ khấu hao tài sản cố định, vốn vay ngân hàng và các nguồn chiếm dụng khác. Mặc dù đã cổ phần hóa nhưng công ty chưa chú trọng việc huy động vốn bằng hình thức này. Bên cạnh đó, công ty chưa tận dụng được nguồn vốn huy động từ thuê tài chính.

3.2. Định hướng sản xuất kinh doanh của công ty trong thời gian tới

Chiến lược phát triển của công ty trong những năm tiếp theo là: lấy sản xuất kết cấu thép, thi công các công trình công nghiệp, lắp ráp ô tô làm lĩnh vực kinh doanh chính, lấy hiệu quả kinh tế làm nền tảng cho sự phát triển bền vững. Tiếp tục đầu tư các dự án về sản xuất chế tạo và lắp đặt các công trình có lien quan đến kết cấu thép, đầu tư phát triển nhanh các sản phẩm cơ khía, lắp máy,… Chủ động phát huy mọi nguồn lực để nâng cao sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập, đảm bảo đủ việc làm và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Kế hoạch trong năm 2011: Thực hiện công tác đổi mới doanh nghiệp,nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên. Tiếp tục thi công và hoàn thành các dự án công trình mà công ty đang đảm nhận như dự án di chuyển và xây dựng nhà máy kết cấu thép và phụ tùng ô tô tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên có số vốn đầu tư là 193 tỷ đồng, dự án xây dựng trung tâm văn phòng khách sạn, siêu thị và nơi vui chơi giải trí tại Hoàng Mai, tiến hành sản xuất và bàn giao công trình cột truyền hình Lai

Châu, hợp đồng cung cấp cột thép cho đường dây 220-110kV Ô Môn – Thốt Nốt (1730 tấn) và đường dây 110 – 220kV Tân Định – Bến Cát (1083 tấn) của Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam và một số các công trình khác ở các địa phương trong cả nước.

3.3. Các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh

3.3.1. Chủ động khai thác, tạo lập nguồn vốn, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn hợp lý.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh, trước hết, doanh nghiệp cần có chính sách khai thác, tạo lập vốn và xây dựng được cơ cấu nguồn vốn hợp lý.

Công ty cần tiếp tục huy động vốn từ những nguồn bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Ngoài ra, công ty cần tận dụng lợi thế của một công ty cổ phần để huy động thêm những nguồn vốn từ bên ngoài, từ các cổ đông của công ty. Bên cạnh đó, công ty cũng có thể phát hành thêm trái phiếu nếu công ty cần vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình mà không muốn tăng thêm vay nợ ở ngân hàng. Một kênh huy động vốn hữu hiệu nữa mà công ty chưa áp dụng, đó la hình thức thuê mua tài chính. Vận dụng hình thức này, công ty sẽ có được tài sản đưa vào hoạt động nhanh hơn so với việc công ty tiến hành vay vốn rồi đi mua, mặt khác dù không có tài sản thế chấp, công ty cũng có thể vay được đến 90% giá trị của tài sản mà không ảnh hưởng đến hạn mức tín dụng. Trong điều kiện công ty có nhu cầu đầu tư lớn vào máy móc thiết bị thi công và số vốn sẵn có không nhiều thì công ty có thể nghiên cứu áp dụng hình thức huy động vốn này.

Công ty cần xây dựng cơ cấu nguồn vốn hợp lý để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Cần xác định được nguồn vốn phân bổ vào đâu, có hiệu quả hay không? Thông qua phân tích, có thể thấy công ty đã quản lý khá tốt nguồn vốn, mang lại hiệu quả kinh doanh nhưng chưa cao. Công ty cần xác định được nhu cầu về vốn của mình, có kế hoạch phân bổ nguồn vốn hợp lý, có thể mở rộng phạm vi phân bổ của nguồn vốn cố định để tận dụng triệt để sức sản xuất và sinh lời của đồng vốn kinh doanh. Nguồn vốn lưu động cần chú ý tới các khoản mục tiền và hàng tồn kho để đáp ứng tốt nhu cầu kinh doanh, đồng thời cũng tránh được việc tồn kho quá nhiều, làm công ty phải chịu thêm chi phí bảo quản, giảm lợi nhuận kinh doanh.

Để thực hiện việc quản lý tốt nguồn vốn, công ty cần thực hiện tốt công tác phân tích hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh hơn nữa. Có như vậy, công ty mới có thể đánh giá được tình hình và nguyên nhân tăng giảm, qua đó thấy được tình hình tài chính nói chung và tình hình huy động vốn nói riêng để có những biện pháp điều chỉnh kịp thời.

3.3.2. Chủ động xây dựng kế hoạch huy động vốn để tạo lập nguồn vốn cố định nhằm đầu tư,đổi mới máy móc thiết bị

Là doanh nghiệp sản xuất nên máy móc thiết bị là rất quan trọng đối với công ty. Nhu cầu về máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại của công ty luôn ở mức cao. Tài sản cố định của công ty cần được tận dụng triệt để nhưng cũng phải được đổi mới cho phù hợp với công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu khách hàng, từ đó có được nhiều hợp đồng và góp phần gia tăng lợi nhuận.

Do đó, công ty cần chủ động xây dựng kế hoạch huy động vốn để tạo lập nguồn vốn cố định nhàm đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị. Trong những năm trước, công ty chủ yếu sử dụng nguồn vốn để xây dựng nhà cửa, các công trình kiến trúc. Trong năm nay, do các máy móc, thiết bị của công ty đã dần đến thời điểm khấu hao hết giá trị, nên nhu cầu về đổi mới cao. Nếu không có kế hoạch huy động vốn hợp lý thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu này.

3.3.3. Công tác quản lý nợ

Trong cơ cấu nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, Nợ phải trả vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn hẳn so với Vốn chủ sở hữu. Vì vậy, doanh nghiệp cần làm tốt công tác quản lý nợ để quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra được liên tục và hiệu quả.

Công ty cần duy trì quan hệ thường xuyên, ổn định với các nhà cung cấp, có chế độ theo dõi công nợ hợp lý, chú ý thanh toán đúng hạn các ljoanr nợ nhằm đảm bảo uy tín với bạn hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho những lần mua bán sau. Nếu công ty có đủ khả năng thanh toán tiền hàng trong thời hạn được hưởng chiết khấu thì công ty nên thanh toán ngay bởi giá trị những khoản chiết khấu này thường không nhỏ, giúp công ty tránh được việc tăng những khoản nợ, phù hợp với kế hoạch giảm bớt nợ của công ty. Bên cạnh đó, công ty có thể thương lượng với một

số bạn hàng để có những hợp đồng mua bán vật tư với số lượng lớn, thời hạn thanh toán dài nhằm giảm bớt áp lực thanh toán cho công ty.

Đối với các khoản chiếm dụng khác, công ty nên chú trọng hoàn trả bớt, đặc biệt là khoản nợ lương của công nhân viên và thanh toán đầy đủ đúng hạn các khoản nợ của Nhà nước, nhưng nếu có điều kiện thuận lợi thì nên sử dụng triệt để. Điều này đòi hỏi công tác quản lý nợ của công ty phải tốt và ngày càng hoàn thiện hơn.

3.3.4. Chú trọng đầu tư nghiên cứu, thăm dò thị trường

Do đặc thù hoạt động của công ty là trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm kết cấu thép, sản phẩm thép mạ kẽm nhúng nóng, cột anten, dầm cầu thép… nên hàng năm, Công ty cổ phần Cơ khí 120 cần một lượng lớn nguyên liệu thép để dùng cho sản xuất chế tạo và một số các chế phẩm khác phục vụ cho quá trình sản xuất. Trong những năm gần đây, giá cả nguyên liệu thép và một số nguyên liệu khác trên thị trường thế giới biến động liên tục kéo theo sự tăng giảm giá cả nhiên liệu trong nước, ảnh hưởng lớn đên hoạt động của các doanh nghiệp.

Vì vậy, công ty cần chú trọng đầu tư nghiên cứu, thăm dò thị trường, cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra để có được những hợp đồng kinh doanh hiêu quả cao, đồng thời có được nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định và giá cả tốt nhất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Hoạt động nghiên cứu, thăm dò thị trường cũng giúp công ty đáp ứng được tốt hơn nhu cầu khách hàng, từ đó gia tăng doanh thu, tận dụng sức sản xuất của đồng vốn kinh doanh.

KẾT LUẬN

Vấn đề phân tích hiệu quả sử dụng vốn luôn là vấn đề cần thiết đối với bất kì doanh nghiệp nào. Một nhà quản lý muốn đưa ra được những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn cần phải dựa trên sự nghiên cứu, phân tích các số liệu thông tin của doanh nghiệp một cách khoa học. Công tác phân tích kinh tế được tiến hành ở công ty cổ phần Cơ khí 120 tuy chưa phải là hoàn thiện nhưng cũng đã góp phần giúp nhà quản trị đưa ra được các quyết định hợp lý. Điều đó thể hiện ở kết quả kinh doanh của công ty, cũng chính là kết quả của việc sử dụng nguồn vốn kinh doanh một cách hợp lý và hiệu quả.

Hoạt động tạo lập và sử dụng vốn kinh doanh của công ty sao cho có hiệu quả trước mắt còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng cùng với sự giúp đỡ của Tổng công ty công nghiệp ô tô, các cấp các ngành có liên quan cũng như sự nỗ lực của bản than, công ty cổ phần Cơ khí 120 sẽ đạt nhiều thành công hơn nữa, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Trong khuôn khổ của một chuyên đề tốt nghiệp, em đã cố gắng phân tích một cách khái quát về tình hình sử dụng vốn kinh doanh của công ty cổ phần Cơ khí 120, đồng thời đưa ra một số giải pháp có tính chủ quan nhằm giúp công ty nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh trong thời gian tới. Những phân tích và giải pháp này được nêu ra trên cơ sở thực tiễn của công ty, tuy nhiên do giới hạn về thời gian thực tập cũng như về trình độ chuyên môn nên chuyên đề này không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong nhận được sự đóng góp, chỉ bảo của các thầy cô giáo cùng cán bộ công nhân viên trong công ty để các kết luận phân tích được chính xác và hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn của cô giáo Thạc sĩ Lê Thị Trâm Anh đã giúp đỡ em hoàn thành bài chuyên đề này. Bài chuyên đề của em còn nhiều thiếu sót, em sẽ cố gắng bổ sung, hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu Phân tích hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh tại công ty cổ phần Cơ khí 120 (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(35 trang)
w