Một số nội dung cơ bản trong tư tưởng đức trị của Mạnh Tử

Một phần của tài liệu Tư tưởng chính trị - xã hội của Mạnh Tử (Trang 53)

8. Kết cấu của luận văn

2.2. Một số nội dung cơ bản trong tư tưởng đức trị của Mạnh Tử

Như nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định, Nho giáo về cơ bản và thực chất là học thuyết chính trị - đạo đức mà biểu hiện tập trung nhất trong học thuyết ấy là tư tưởng “Đức trị”. Tư tưởng đức trị là những quan niệm về đường lối trị nước, quản lý xã hội dựa trên cơ sở những chuẩn mực đạo đức. Đó là hệ thống những chuẩn mực, những nguyên tắc, quy phạm đạo đức để điều chỉnh hành vi của con người trong các quan hệ xã hội, nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng. Đức trị phản ánh nhu cầu và lợi ích xã hội của giai cấp thống trị, được biểu hiện dưới hình thức những quy định và đánh giá trên cơ sở xác lập những giá trị luân lý, được mọi người thừa nhận và chấp hành một cách tự giác. Nó được củng cố bằng những tấm gương đạo đức.

Trong Nho giáo, người đầu tiên đề xuất tư tưởng đức trị, tư tưởng về đường lối trị nước quản lý xã hội bằng đạo đức là Khổng Tử. Đến Mạnh Tử, tư tưởng ấy của Khổng Tử được bổ sung, phát triển thêm. Tư tưởng “Đức trị của Mạnh Tử, lấy Nhân, Nghĩa làm cái cơ bản, cái chủ yếu nên còn được gọi là tư tưởng “Nhân chính”, đường lối Nhân chính là vậy.

Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử luôn khẳng định rằng, đạo đức là gốc, là cái căn bản của con người, của mỗi người và cũng vì vậy mà với ông, nói đến con người trước hết là nói đến đạo đức. Không những thế theo ông, đạo đức có vai trò to lớn trong việc hoàn thiện nhân cách con người, trong việc duy trì trật tự, kỷ cương và sự ổn định của xã hội. Như ông nói: “Làm người có nết hiếu đễ thì ít ai dám xúc phạm bề trên. Không thích xúc phạm bề trên mà thích làm loạn thì chưa từng có. Người quân tử chăm chú vào việc gốc, gốc mà vững thì đạo sinh ra. Hiếu đễ là gốc của đức Nhân” [37, tr.26]. Đức với Khổng Tử là lời nói đi đôi với việc làm trên cơ sở cái thiện.

Chính trên cơ sở đó, Khổng Tử đã đề xuất đường lối “Đức trị” - đường lối trị nước bằng đạo đức. Khẳng định vai trò và tác dụng của đường lối trị nước này là phương tiện, biện pháp chủ yếu nhất, có hiệu quả nhất trong việc cai trị,

51

quản lý xã hội, trong việc duy trì trật tự, kỷ cương và sự ổn định xã hội, trong sách Luận ngữ, Khổng Tử đã đưa ra nhiều lời nói để minh chứng điều này. Chẳng hạn như Khổng Tử chỉ rõ: “Lấy đức để làm việc chính trị cũng ví như ngôi sao Bắc thần, ở yên vị mà các ngôi sao khác đều chầu về” [32,tr.214] và “Dùng chính lệnh để dẫn dắt dân, dùng hình phạt để giữ trật tự, dân tránh khỏi tội nhưng chưa biết hổ thẹn. Dùng đức để dẫn dắt, dùng lễ để giữ trật tự, dân biết hổ thẹn mà tiến tới chỗ tốt lành” [32,tr.215].

Đến thời đại của Mạnh Tử (thời đại Chiến Quốc), một thời đại mà mọi tư tưởng được giải phóng mạnh mẽ, với tư cách và sứ mệnh là người kế thừa, bảo vệ và phát triển tư tưởng của Khổng Tử trong bối cảnh mới, tư tưởng về đường lối “Đức trị” của Khổng Tử đã được phát triển lên một tầm cao mới. Tư tưởng của Mạnh Tử về đường lối Đức trị (hay đường lối Nhân chính) là một trong những nội dung cơ bản nhất trong học thuyết chính trị - xã hội của ông.

2.2.1. Quan niệm của Mạnh Tử về vai trò của đạo đức và đường lối đức trị (đường lối nhân chính).

Như chương 1 đã trình bày, Mạnh Tử sống vào thời Chiến Quốc, thời kỳ loạn lạc, chiến tranh liên miên, bọn vua chúa chỉ lo mở rộng lãnh thổ, gia tăng quyền lực và hưởng thụ xa hoa mà không lo cứu dân, không đoái hoài gì đến cuộc sống, quyền lợi, mong ước của dân. Trong bối cảnh như vậy, Mạnh Tử muốn đem tư tưởng “nhân nghĩa” và đề xuất đường lối trị nước “nhân chính” của mình giúp các ông vua thi hành đường lối cai trị nhân đức, lấy dân làm gốc. Chính vì thế, trong học thuyết “nhân chính” của mình, Mạnh Tử đã chủ trương thi hành nhân nghĩa, coi nhân nghĩa là gốc của chính trị. Về vấn đề này, trong sách Mạnh Tử đã ghi chép lại rất nhiều câu nói của ông. Chẳng hạn như ông nói: “Nay nhà vua phát khởi chính sách tốt, thi hành nhân đức, sẽ khiến được các kẻ làm quan khắp thiên hạ đều muốn đứng nơi triều đình nhà vua, những người làm ruộng đều muốn canh tác nơi ruộng nhà vua, những nhà buôn đều muốn cất giữ hàng hóa nơi chợ búa nhà vua, những khách lữ hành đều muốn đi lại trên đường

52

của nhà vua, rồi trong thiên hạ những người oán ghét vua của mình sẽ tới tố cáo với nhà vua. Được như thế thì ai mà ngăn nổi (nhà vua dựng vương nghiệp)?” [32,tr.754-755] hay “Nếu nhà vua thi hành Nhân chính, dân sẽ thương yêu người trên, và liều mình vì bậc quan trưởng vậy” [32, tr.808].

Ngoài ra, ở Mạnh Tử, trên cơ sở các phẩm chất cơ bản là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và sự kết hợp “Nhân” và “Nghĩa” thành phạm trù “Nhân nghĩa” đóng vai trò là hai phương diện, hai mặt là thể và dụng của tâm và tính, ông cho rằng, cái đó phải là gốc, là bản tính của con người. Cùng với mục tiêu lý tưởng của mình là mong muốn cho quốc thái dân an, nhân dân sống trong no ấm, hoà bình, được tôn trọng, Mạnh Tử đã xây dựng nên học thuyết “Đức trị” của mình.

Cũng giống với các nhà Nho từ thời Khổng Tử trở đi, Mạnh Tử cũng đặc biệt đề cao vai trò của đạo đức, coi đạo đức là công cụ, phương tiện chủ yếu nhất để đạt được những mục đích chính trị.

Quan niệm về vai trò của đạo đức trong tư tưởng về đường lối “Đức trị” của Mạnh Tử biểu hiện một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất: Đạo đức và thi hành đường lối nhân chính là công cụ, phương tiện chủ yếu nhất để cai trị và quản lý xã hội.

Là một trong những nhà Nho và đứng trên lập trường của giai cấp phong kiến thống trị, khi đề cập đến vai trò của đạo đức và việc thi hành đạo đức trong việc trị nước và quản lý xã hội, Mạnh Tử khẳng định rằng: “Dùng sức mạnh chinh phục, giả làm nhân chính, đó là bá. Muốn làm bá, tất phải cần một đất nước rộng lớn. Dùng sức để thi hành nhân chính, đó là vương. Muốn làm vương, không phải đợi có nước lớn…Dùng sức mạnh để chinh phục, người ta chẳng tâm phục, mà chỉ vì không đủ sức (chống lại) thôi. Dùng đức để chinh phục, người ta thật lòng vui vẻ, mà thành thật tín phục” [32,tr.852]

Ở Mạnh Tử, chính trị vương đạo là chính trị nhân đạo: bảo dân, dưỡng dân và giáo dân. Ông đã luôn khuyên vua các nước chư hầu phải quay về gốc của chính trị là thực hiện “nhân nghĩa”. Ông cho rằng, đạo đức và việc thi

53

hành đạo đức là biện pháp tốt nhất để loại trừ tình trạng phi nhân tính, phi đạo đức trong xã hội. Trong sách Mạnh Tử có ghi lại việc Thuần Vũ Khôn hỏi Mạnh Tử rằng, liệu có biện pháp nào để cứu cho thiên hạ khỏi cảnh chìm đắm thì Mạnh Tử trả lời: “Thiên hạ chìm đắm phải cứu vớt bằng đạo lý, (trong khi) chị dâu chìm dưới nước thì cứu vớt bằng tay… Ông muốn dùng tay để cứu vớt thiên hạ chăng?” [32,tr.1075]. Theo Mạnh Tử, trong một đất nước, việc đáng sợ nhất không phải là nước nghèo, của cải ít, mà là không có phép tắc, không có đạo đức. Như ông nói: “Thành quách chẳng hoàn bị, binh giáp chẳng nhiều, chưa phải tai họa cho đất nước, ruộng nương chẳng mở mang, của cải chẳng tích tụ, cũng chưa phải nguy hại cho đất nước; nhưng người trên không giữ lễ, người dưới không học hỏi, dân hung hăng dấy lên, thì mất nước chưa biết ngày nào” [32,tr.1015 -1016].

Nếu ở Khổng Tử, ông luôn tin rằng: “dùng chính lệnh để dẫn dắt dân, dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội nhưng không biết hổ thẹn. Dùng đạo đức để dắt dẫn dân, dùng lễ giáo để đặt dân vào khuôn phép, dân biết hổ thẹn mà lại theo đường chính” [40,tr.39], thì ở Mạnh Tử, tư tưởng dùng đạo đức là phương tiện cai trị xã hôi, được thể hiện một cách rõ ràng hơn: “Ham thích điều thiện cai trị thiên hạ còn dư tài, huống hồ là nước Lỗ? Này nếu ham thích điều thiện, ắt người trong bốn biển đều không ngại ngàn dặm xa xôi, mà tới mách bảo điều thiện.” [32,tr.1278]. Khẳng định thêm vai trò của đức nhân và thi hành chính sách, đường lối nhân đức (nhân chính) trong cai trị, quản lý xã hội là vô địch: “Nếu nhà vua thi hành nhân chính, dân sẽ thương yêu người trên, và liều mình vì bậc quan trưởng vậy” [32,tr.808], Mạnh Tử cho rằng, điều đó còn góp phần to lớn trong việc thu phục nhân tâm. Như ông nói: “Dùng lực, tức là lấy cường quyền, đem binh mà thâu phục người, thì người ta chỉ phục mình bề ngoài mà thôi, nhưng tâm người ta chẳng phục, ấy là tại người ta chẳng đủ sức mà đương cự với mình. Còn như dùng nhân đức mà thâu phục người, thì người ta vui lòng mà phục tùng mình một cách thành thật, như bảy mươi vị đệ tử phục đức Khổng Tử vậy” [46,tr.99].

54

Thứ hai: Đạo đức là tiền đề, điều kiện quan trọng nhất để hình thành và góp hoàn thiện đạo đức con người và góp phần vào việc duy trì trật tự và ổn định xã hội.

Một con người được coi là “Nhân”, khi và chỉ khi người ấy sống có đức, biết dựa vào đức để tu dưỡng và hoàn thiện nhân cách của mình. Vì vậy, đối với Mạnh Tử việc “Người nào tận tâm của mình thì biết được bản tính của mình. Biết được bản tính thì hiểu được thiên lý vậy. Tồn tâm của mình, dưỡng tính của mình là để thờ trời. Chết non hoặc sống lâu coi như nhau, chỉ lo tu thân để chờ đợi phút cuối, là để thiết lập bản mệnh vậy”[32, tr.1285]

Trong sách Mạnh Tử đã dẫn ra nhiều câu nói của ông cho thấy, theo Mạnh Tử, muốn thiết lập và giữ vững trật tự xã hội cần phải thực hiện các biện pháp mang tính đạo đức trong đời sống xã hội. Tức là phải lấy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí để tồn tâm, dưỡng tâm và bổ hoá những đức ấy ra toàn xã hội, phải làm cho những chuẩn mực đạo đức ấy trở thành những chuẩn mực đạo đức, chi phối hành vi, hoạt động của con người trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Có như vậy, con người ta mới bảo tồn được tính thiện và trừ bỏ được cái ác. Và chỉ có như vậy, theo ông, xã hội mới thái bình thịnh trị, thiên hạ mới quy về một mối. Chính bởi vậy mà Mạnh Tử khẳng định: “Nhân đạo là điều cốt yếu của lòng người, điều nghĩa là con đường mọi người phải noi theo. Bỏ con đường lớn chẳng noi theo, để thất lạc con tim chẳng biết tìm lại, (những kẻ như thế) thật đáng thương thay!” [32,tr.1224].

Thứ ba: Đạo đức đóng vai trò quyết định đối với việc tạo lập ra mẫu người lý tưởng, mẫu người cần thiết để xây dựng xã hội lý tưởng.

Con người lý tưởng theo quan điểm của Nho giáo, cũng như theo quan niệm của Mạnh Tử, đó là người “Quân tử”. Nhưng để trở thành người quân tử, họ phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lâu dài. Có như vậy, trí và đức của họ ngày càng giàu lên và bền vững. Rõ ràng để trở thành thánh nhân,

55

quân tử, con người lý tưởng, điều có ý nghĩa quyết định nhất là con người ấy phải biết tu dưỡng đạo đức, thực hiện những nguyên tắc, những chuẩn mực đạo đức trong xã hội, trong các mối quan hệ xã hội của con người.

Xuất phát từ quan niệm về vai trò của con người trong những mối quan hệ xã hội và từ bản tính của con người, Mạnh Tử đã đưa ra “ba điều vui” đối với người Quân tử, nhưng đồng thời đó cũng chính là ba yêu cầu đối với một bậc quân tử, đó là: “Cha mẹ đều còn, anh em không việc gì, là điều vui thứ nhất” [32,tr.1303] - Điều vui này yêu cầu ở người quân tử phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình trong gia đình. Thể hiện thông qua việc phụng dưỡng cha mẹ, giữ tròn nết hiếu, hoà thuận với anh em mà xử tròn nết đễ. Điều vui thứ hai: “Ngửng lên không thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với người” [32,tr.1303]. Để có được điều vui thứ hai này, người quân tử dù ở nơi vắng vẻ kín đáo, mình vẫn giữ được lương tâm, Thần linh chứng nhận cho mình, đối với người đời, mình không xử tệ với ai cả, cho nên chẳng có điều hổ thẹn. Còn điều vui thứ ba đó là: “Được các bậc tài giỏi trong thiên hạ để dạy dỗ” [32,tr.1303]. Và để làm được như vậy, bậc quân tử phải là bậc trí nhân.

Trong sách Mạnh Tử, ông đã đưa ra chủ trương trị nước theo đường lối “đức trị” bằng một hệ thống những chuẩn mực đạo đức mà con người cần phải có. Đó là: nhân, nghĩa, lễ, tín, hiếu, trung. Như vậy, muốn trở thành thánh nhân, quân tử, điều có ý nghĩa và quyết định nhất là con người phải tu dưỡng và thi hành những chuẩn mực đạo đức và những quy tắc đạo đức trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, mọi mối quan hệ. Về vấn đề này, sách Mạnh Tử đã chép lời Mạnh Tử rằng, người quân tử: “Đứng trong nước ở giữa thiên hạ, yên định trong dân bốn biển,…dẫu lúc đắc chí làm việc lớn cũng không hề gia tăng chút nào, dẫu lúc sống nghèo khổ cũng không hề giảm sút chút nào” [32,tr.1304] và “Bản tính của người quân tử là ở những điều nhân, nghĩa, lễ, trí, đặt gốc rễ ở tâm, lúc

56

phát hiện ra ngoài thì hòa hoãn ở mặt, đày đặn ở lưng, phô bày ra chỗ chân tay” [32,tr.1305]. Mạnh Tử còn khẳng định: “Muốn gặp trang tài đức mà chẳng noi theo đạo lý, tỷ như muốn cho trang tài đức vào nhà mình nhưng mình lại đóng cửa trước khi người vào. Này, nghĩa lý là con đường; còn lễ phép là cánh cửa vậy. Chỉ có người quân tử mới biết đi lại trên đường ấy và ra vào nơi cửa ấy mà thôi” [47, tr.137]. Và theo Mạnh Tử, người quân tử muốn luôn có đạo đức thì luôn phải tận tâm trong việc “tồn đức”, “dưỡng đức”. Như ông nói: “Quân tử sở dĩ khác người thường là ở chỗ tồn tâm. Quân tử dựa vào điều nhân để tồn tâm, dựa vào lễ để tồn tâm. Người nhân yêu người, người có lễ kính trọng người. Yêu người thì người ta yêu lại, kính trọng người thì người ta kính trọng lại” [32,tr.1088]. Và hơn nữa, theo Mạnh Tử, người quân tử không chỉ bản thân mình có đức, mà còn phải dạy cho người khác có đức như mình, như ông nói: “Chỉ dựa vào lòng thiện (của mình) để thu phục người khác, thì chưa có ai thu phục nổi. Phải dạy người bằng điều thiện, rồi sau mới có thể thu phục thiên hạ” [32,tr.1071]. Và có như vậy, theo ông, mọi người và cả xã hội mới có đạo đức: “Bậc quân tử là bậc Đế Vương đi qua chỗ nào, bá tánh chỗ đó đều cảm động mà cải hoá theo; những ý định tồn tại nơi tâm ngài mà phát hiện ra việc làm, thì linh diệu như thần. Ảnh hưởng lành của ngài phổ cập khắp cả từ trên cho tới dưới, lưu thông dung hiệp với trời đất”[47, tr.225]. Có như vậy, với người quân tử như Mạnh Tử khẳng định: “Cảnh giàu sang chẳng khiến buông lung, cảnh nghèo hèn chẳng đổi được tiết tháo, uy vũ chẳng thể khuất phục” (Phú quý bất năng dâm; bần tiện bất năng di; uy vũ bất năng khuất) [32,tr. 971].

Như vậy, từ chỗ quan tâm đến con người, nhìn nhận và đánh giá con người từ phương diện chính trị - xã hội và đạo đức, Mạnh Tử đã đặc biệt đề cao vai trò của đạo đức, của đường lối đức trị trong việc khôi phục, duy trì trật tự, kỷ

Một phần của tài liệu Tư tưởng chính trị - xã hội của Mạnh Tử (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)