Vân đài loại ngữ có thể được coi là bộ bách khoa toàn thư trong đó tập hợp một khối lượng kiến thức đồ sộ về nhiều lĩnh vực từ triết học, văn học, sử học, địa lý, đến phong tục, tập quán, sản vật, v.v., được sắp xếp dưới chín đề mục khác nhau là: Lý khí, Hình tượng, Khu vũ, Vựng điển, Văn nghệ, Âm tự, Thư tịch, Sĩ quy, Phẩm vật.
1. Trong phần Lý khí, Lê Quý Đôn giải quyết vấn đề về nguồn gốc của vũ trụ, vạn vật và con người. Đây chính là phần trình bày những tư tưởng của ông về triết học tự nhiên, hay nói một cách cụ thể là vấn đề bản thể luận. Khi giải quyết vấn đề này, Lê Quý Đôn đã xuất phát từ lập trường của một nhà nho, nhưng ông lại không hoàn toàn nhất quán với quan điểm của Nho giáo về vấn đề đó. Tuy ở mức độ khác nhau, Nho giáo cũng đã từng đề cập đến vấn đề bản thể của vũ trụ ở mỗi giai đoạn phát triển nhất định trong lịch sử của mình. Các nhà nho vì thế đều có hướng giải quyết vấn đề đó theo cách riêng. Nho giáo nguyên thuỷ đã không thể hiện rõ ràng tính duy vật hay duy tâm khi giải quyết vấn đề nguồn gốc vũ trụ, vạn vật. Đến Hán Nho thì tính duy tâm khách quan của nó được đẩy lên cao với học thuyết “Thiên mệnh”, “Thiên nhân tương cảm”, vì thế vấn đề bản thể của thế giới cũng ít đươc Hán
Nho quan tâm bởi khi đó nó không chỉ là một học thuyết chính trị đạo đức, mà còn được bổ sung thêm các yếu tố tôn giáo.
Chỉ đến Tống Nho, vấn đề bản thể của thế giới mới được các nhà nho chú ý đến do đòi hỏi khách quan từ bên ngoài, cũng như đòi hỏi chủ quan bên trong về sự cần thiết phải nâng Nho giáo lên ngang tầm với các học thuyết triết học khác. Hay nói cách khác, các nhà nho muốn tôn Nho giáo lên thành một học thuyết triết học thực thụ. Với mục đích đó, các nhà nho thời Tống điển hình như Chu Liêm Khê, Trương Tải, Trình Di, Trình Hạo, Chu Hy đã xuất phát từ cặp phạm trù lý, khí trong truyền thống tư tưởng của Trung Quốc để đưa ra quan điểm triết học của mình, tạo nên một giai đoạn phát triển khác biệt trong lịch sử Nho giáo.
Lê Quý Đôn xuất phát từ chính cặp phạm trù lý, khí của Tống Nho để
giải quyết vấn đề bản thể thế giới. Chính việc giải quyết mối quan hệ giữa cặp phạm trù này mà toàn bộ quan niệm triết học tự nhiên của ông được thể hiện ra. Lê Quý Đôn rất đề cao các nhà triết học Tống Nho, ông gọi Chu Hy là Chu Tử thể hiện sự kính trọng, đề cao bậc tiền bối này. Mặc dù vậy, ông không hoàn toàn đứng trên lập trường của Tống nho để giải quyết vấn đề triết học đó mà ông và thời đại quan tâm. Nếu hầu hết các nhà triết học Tống Nho đều giải quyết mối quan hệ giữa lý và khí trên lập trường duy tâm, thì ngược lại, Lê
Quý Đôn mặc dù cũng xem xét phạm trù lý, khí vốn khá trừu tượng của triết
học phương Đông, nhưng lại đi đến quyết định coi khí là một dạng vật chất cụ thể, là bản thể của vũ trụ như các nhà triết học thuộc phái Milet của Hy Lạp cổ đại. Thậm chí Lê Quý Đôn còn dùng cả sách Khôn dư đồ thuyết của người phương Tây để chứng minh sự tồn tại của khí như một cái gì đó rất cụ thể
xung quanh chúng ta. Còn lý thì được Lê Quý Đôn quan niệm như là quy luật vận động của khí, của thế giới vật chất. Như vậy, ông đã không rơi vào chủ nghĩa duy tâm như các nhà nho thời Tống mà ngược lại, ông lại đứng trên lập
trường duy vật, tuy đó chỉ là duy vật chất phác, cụ thể, thiên về cảm tính. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở chương sau.
2. Phần Hình tượng được Lê Quý Đôn trình bày trong 38 điều, trong đó ông tập trung bàn về vũ trụ học. Trong phần này, Lê Quý Đôn đã thể hiện quan điểm tiến bộ của mình về vũ trụ học. Ông đã đọc và biết đến các học thuyết phương Tây về vũ trụ. Ông còn đem so sánh với học thuyết của Trung Quốc và thông qua đó bác bỏ những quan điểm mà ông cho là sai lầm. Mặc dù vẫn còn tư tưởng sùng bái Trung Quốc, ông cũng đã chỉ ra những sai lầm trong các học thuyết Trung Hoa về vũ trụ. Chẳng hạn, từ điều 2 đến điều 6 nói về “phân dã”, Lê Quý Đôn đã bác bỏ quan niệm của người đời xưa cho rằng, mỗi vì sao trên trời sẽ tương ứng với một nước, một quận, thậm chí một ấp ở dưới đất. Lê Quý Đôn đã dẫn sách Nhan Chi Thôi “Lúc mới thành lập trời đất đã có tinh tú; lúc đó chưa vạch ra chín châu, <…> Còn sự ứng hiện của điềm lành dữ, hoạ hay phúc, nếu như không sai thì bầu trời to thế, tinh tú nhiều thế, phân dã từng tinh tú thế nào, tại sao lại chỉ liên hệ với Trung Quốc mà thôi” [5, tr. 80]. Tương tự, ông còn dẫn lời nói của Trần Trác, quan thái sử nước Ngụy rằng, “quận nào nước nào thuộc vào độ số các vì sao nào. Hoàn vũ to như thế, có chắc hẳn các quận, các nước ở trung châu đương hết được không” [5, tr. 80], v.v.. Từ đó, Lê Quý Đôn khẳng định rằng: “Sao Giốc, sao Trương, sao Cang chiếm ít độ thì phân dã hẹp. Sao Đẩu, sao Ngưu, sao Cơ, sao Tỉnh chiếm nhiều độ thì phân dã rộng. Đó là lẽ tất nhiên. Đến như Tây Vực, Bắc Minh không biết đến đâu cùng tận. Ngoài phía đông nam Minh Hải, Bột Hải còn có nhiều đất nước cách Trung châu đến mấy vạn dặm, sao không ứng vào một vì sao nào trên trời” [5, tr. 80].
Trong điều 7 và điều 8, Lê Quý Đôn chỉ ra phép làm lịch của người thời xưa. Ông tán thành cách làm lịch dựa vào quy luật vận động của vũ trụ, của thời tiết mà cụ thể là dựa vào bóng mặt trời để tính thời gian. Lê Quý Đôn còn đem so sánh với phép làm lịch của người phương Tây và khẳng định họ
cũng dựa vào quy luật vũ trụ để làm lịch, tuy nhiên cách làm của họ “rất là giản tắt”. Từ đó, Lê Quý Đôn chỉ ra các cách đo, phân thời gian ra làm các giờ khắc, phương pháp đo thời gian mà người xưa đã dùng như phép “lậu khắc” (xem giờ bằng nước), phép “Thuỷ hải phù tiễn” (tên nổi trong biển).
Vấn đề tiếp theo mà Lê Quý Đôn trình bày là quan niệm về sự hình thành các vì sao, tinh tú. Ông khẳng định mặt trăng, mặt trời, các vì sao đều do khí tụ lại mà thành. Điều này đã được sách Liệt tử và Châu Đôn Di chỉ ra
bằng nguyên lý ngưng tụ (Diệu hợp nhi ngưng). Giải thích tại sao khi mảnh các vì sao rơi xuống như chúng ta thấy, lại là đá chứ không phải khí. Một lần nữa, điều đó buộc Lê Quý Đôn phải dẫn quan niệm của Nhan Chi Thôi trong sách Nhan thị gia huấn để chứng minh rằng, mặt trời, mặt trăng, các vì sao
đều là tinh khí của Dương, của Âm, của vạn vật chứ không phải là đá như ta thấy. Sở dĩ khí biến thành đá là do rơi xuống lưng chừng trời thì bị gió lạnh táp vào đọng lại thành đá. Ông viết: “Ta thì cho rằng: sao ở trên có sáng, cái sáng đó là khí; khi vừa sa xuống bị gió lạnh buốt ở lưng chừng trời táp vào mới đọng lại thành đá, chứ không phải sẵn là đá ở trên trời rồi. Mặt trời, mặt trăng cũng là tinh khí tích lại mà có sáng và to lớn đó thôi. Sao là tinh khí của vạn vật cho nên sa xuống hoá ra đá. Mặt trời là hoả tinh thái dương, mặt trăng là thuỷ tinh thái âm; không thể viện lệ ấy mà cho cũng là đá được” [5, tr. 85]. Như vậy, Lê Quý Đôn đã dùng quan niệm duy vật thô sơ để giải thích sự hình thành vũ trụ.
Vấn đề tiếp theo trong vũ trụ học mà Lê Quý Đôn bàn đến là hình tượng trời. Ở đây ông đã biết đến và thừa nhận học thuyết quả đất tròn. Ông dùng các sách khác nhau để chứng minh cho học thuyết này. Thậm chí Lê Quý Đôn còn dẫn cả sách Khôn dư đồ thuyết của phương Tây để chứng minh điều đó. Tuy nhiên, do tâm lý đề cao học thuyết Trung Quốc nên ở đây Lê Quý Đôn đã không dùng khoa học tự nhiên của phương Tây để chứng minh cho học thuyết đó mà mục đích của ông chỉ nhằm chứng minh học thuyết đó
của người phương Tây không phải là mới lạ mà cổ nhân Trung Quốc đã bàn đến từ lâu.
Ngoài những vấn đề đề trên, trong phần này, Lê Quý Đôn còn trình bày về lục thập hoa giáp, mười hai con vật thuộc địa chi, về ngũ hành tương sinh, tương khắc, v.v. Ở những vấn đề đó ông đều căn cứ vào những tài liệu của tiền nhân để lại để khảo cứu, trình bày, tuy nhiên, ông không bình luận gì thêm. Đặc biệt hơn cả là ông đã trình bày đến vấn đề thuỷ triều. Do được tiếp xúc với các tài liệu của phương Tây nên ông đã thấy được mối liên hệ giữa thuỷ triều và mặt trăng. Ông khẳng định rằng, “nước thuỷ triều lên xuống tuỳ theo sự đi mau hay chậm của mặt trăng chứ không phải do đất chìm hay nổi” [5, tr.111]. Tuy nhiên, do hạn chế về thời đại nên ông chưa đưa ra được số liệu khoa học cụ thể để chứng minh, vì vậy, về cơ bản ông dựa vào khí thần diệu để giải thích. Ông viết: “Thuỷ triều là do khí phát ra. Khí thở của trời đất, khi hút, khi thổi, nước thuỷ triều theo đó mà lên xuống <…> Vì khí, khi phồng ra, khi bóp vào không lúc nào nghỉ, cho nên nước thuỷ triều lên xuống đúng kỳ không bao giờ sai” [5, tr.113]. Thậm chí, nước thuỷ triều lớn hay nhỏ là do khí có lúc thịnh, có lúc suy. Khi khí thịnh, thuỷ triều lớn, khi khí suy thì thuỷ triều nhỏ.
Như vậy, ở trong phần Hình tượng chúng ta thấy Lê Quý Đôn đã có
điều kiện đọc, tiếp xúc và hiểu biết về khoa học tự nhiên của phương Tây thời kỳ này. Ông thể hiện sự tiến bộ của mình ở chỗ đã tiếp nhận cả sách vở, tư tưởng mới của phương Tây, đang đi trên con đường đổi mới học thuật, chứ không chỉ xem học thuyết, kinh sách của Nho giáo là hơn cả, điều mà các nhà nho khác vẫn thường quan niệm. Tuy nhiên, do sự lớn mạnh của nền văn minh Trung Quốc nên ông vẫn có tư tưởng đề cao sự học của cổ nhân Trung Quốc mà chưa tiến tới hoài nghi và phê phán cái cũ. Điều thú vị là Lê Quý Đôn đã đem học thuyết phương Tây so sánh với học thuyết của các nhà tư
tưởng phương Đông trước đây nhằm mục đích chứng minh các học thuyết phương Tây đó không có gì là mới mẻ cả.
3. Trong mục Khu vũ, Lê Quý Đôn trình bày những kiến thức về địa lý gồm 93 điều. Ở đây, ta thấy Lê Quý Đôn lại hiện ra như một nhà địa lý học, có chỗ ông bàn về phép làm bản đồ, chỗ khác ông bàn về kinh đô, về kiến thức địa lý thế giới, nhưng nổi bật hơn cả là Lê Quý Đôn đã thể hiện mình như một thầy địa lý, chuyên xem phong thuỷ, bắt long mạch, xem điềm ứng giữa thiên văn, chính trị với địa lý. Và như thế, về phương diện này Lê Quý Đôn không phải là một nhà nho nữa, mà lại giống một Đạo sĩ. Đây chính là sự ảnh hưởng rất rõ nét của Đạo giáo đến tư tưởng Lê Quý Đôn.
Với quan điểm về “Tam tài” (Thiên - Địa – Nhân) truyền thống, Lê Quý Đôn cho rằng, trời, người và đất có sự liên quan với nhau. Ông quan niệm rằng, người làm chính sự phải biết được điều kiện địa lý, sản vật, sự hiểm trở, thuận lợi, dân số, phong tục, tập quán của từng vùng khác nhau mà có chính sách phù hợp thì mới thành công. Lê Quý Đôn đã dẫn sách Chu lễ để chứng minh quan điểm của mình. Quan điểm này của Lê Quý Đôn hết sức đúng đắn, nó thể hiện được tầm nhìn cũng như tài năng của ông. Ông đã thấy được rằng, việc chính trị phải phụ thuộc vào điều kiện địa lý hay nói cách khác, nó phụ thuộc vào điều kiện sống hiện thực của con người ở vùng cụ thể nào đó. Ngày nay chúng ta gọi đó là một bộ phận của tồn tại xã hội mà ý thức xã hội (trong đó có ý thức chính trị) phải phụ thuộc vào. Ông viết “Từ khi họ Ban làm xong sách Hán thư, trong có địa lý chí, thì mới thấy chép đủ: quận
quốc, núi sông, dân vật, phong tục, đường sá, hộ số <…> Các bậc đế vương xem đến các sách ấy, có thể phấn khởi được chí hướng đi tuần thú phương xa; các vị công khanh xem đến sách ấy, có thể có đủ kiến thức giúp việc chính trị, xây dựng thành công, v.v.” [5, tr.115].
Nội dung tiếp theo được Lê Quý Đôn trình bầy trong phần này là các thuật ngữ được dùng trong môn địa lý học như: Cương (bờ cõi), thiên (đường
dọc từ Nam sang Bắc), mạch (đường ngang từ Đông sang Tây), châu, chử, chỉ, v.v..
Phần tiếp theo Lê Quý Đôn trình bày về các vùng đất đã từng là kinh đô của Trung Quốc, nguyên tắc để chọn lựa, núi sông, ao hồ, phương hướng đất đai của các vùng đất đó, có thể nói, nguyên tắc đó thuộc thuật phong thuỷ. Lê Quý Đôn đã rất tin vào thuật phong thuỷ, ông đã vận dụng những kiến thức về Đạo giáo của mình để chứng minh sự lựa chọn kinh đô của các bậc đế vương thời trước là đúng đắn hay sai lầm. Sự hưng thịnh hay suy vong của một triều đại, sự nghiệp lớn của bậc đế vương còn phụ thuộc vào long mạch, khí tích tụ ở vùng đất mà các bậc đế vương đóng đô, hay khởi nghiệp. Lê Quý Đôn dẫn nhiều sự kiện khác nhau liên quan đến phong thuỷ như: Hán Nguyên đế không nghe lời tâu dời đô của Dực Phụng Kỷ nên bị Vương Mãng cướp ngôi, hay Cảnh công nước Tấn nghe theo lời Hàn Hiến Tử dời đô sang Tân Điền mà kéo dài triều đại được thêm mười đời nữa. Từ đó ông đi đến kết luận: “Ta hồi tưởng những nơi xướng loạn, khởi binh chính là những nền hưng vượng sinh thánh; người thường không thể lường đoán được. Trời đất cùng một khí, cổ kim cùng một then máy, lúc đầy, lúc vơi, khi tiêu khi trưởng, đều có từng lúc, trị loạn hưng suy đều có vận hội; nhưng trước phải thu lại rồi sau mới dương ra, trước phải khép lại rồi sau mới mở ra. Xem đó mới thấy sự khôn khéo tự nhiên của tạo hoá” [5, tr. 127]. Như vậy Lê Quý Đôn tin tưởng rằng nghiệp đế vương, sự thịnh suy của triều đại được quyết định ở trong chỗ u minh, thần bí, được quy định bởi long mạch trời đất. Ở đây ông đã biện hộ cho các phương thuật của Đạo giáo chứ hoàn toàn không sử dụng những căn cứ khoa học để chứng minh.
Đặc biệt ở phần này Lê Quý Đôn còn trình bày về địa lý, lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau. Ở điều 92, Lê Quý Đôn đã trình bầy những hiểu biết của mình về địa lý thế giới thông qua việc đọc các sách của người phương Tây. Ông đã biết được vị trí địa lý của bốn châu lục là Châu Á, châu
Âu, châu Phi, châu Mỹ. Ông rất tin tưởng vào kiến thức địa lý của giáo sĩ phương Tây như Matteo Ricci (Lị Mã Đậu), Ferdnandus Verbiest (Nam Hoài Nhân), Giuleo Aleni (Ngải Nho Lược), v.v.. Ông đã đánh giá cao tài năng của họ trong lĩnh vực địa lý, thiên văn. Lê Quý Đôn viết: “Họ bàn luận về lý khí, lịch số rất là tinh tường”, “Ta thường được xem sách Khôn dư đồ thuyết của
họ, thấy bàn về địa lý, địa cầu, núi non, sông biển, thuỷ triều lên xuống, gió mưa phần nhiều phải lẽ” [5, tr.180].
Như vậy, khi bàn về địa lý, núi sông, thiên văn mặc dù Lê Quý Đôn tin