Ngôn ngữ ngoại nhập

Một phần của tài liệu Khảo sát thơ ca Phan Bội Châu 15 năm cuối đời qua ba phương diện Chủ đề, đề tài, thể loại và ngôn ngữ (Trang 79)

6. Kết cấu của luận văn

3.2.2.2. Ngôn ngữ ngoại nhập

Ngôn ngữ Hán: Phan Bội Châu là người được đào tạo một cách hệ thống trong nền giáo dục Nho giáo nên việc sử dụng chữ Hán trong sáng tác văn chương là điều đương nhiên. Giai đoạn trước 1925, sáng tác của ông chủ yếu viết bằng chữ Hán, sau 1925, việc sử dụng chữ Hán của tác giả rất ít. Ông chỉ sáng tác 10 bài thơ chữ Hán, so với 682 bài thơ tiếng Việt thì đây quả là số lượng ít ỏi.

Mặc dù ghét tục danh và chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hoá dân gian Nghệ Tĩnh, nhưng nửa đời người luyện văn theo đòi khoa cử, Phan Bội Châu bị ý thức hệ Nho giáo, tình trạng tri thức theo Nho giáo, cơ chế quyền lực theo Nho giáo ràng buộc nặng nề. Đọc tân thư, hoạt động cứu nước, phục quốc, Phan Bội Châu trở thành nhà chí sĩ cách mạng và văn chương của ông lúc này là văn chương yêu nước và duy tân. Song ngay cả trong văn chương ấy, dấu vết của sự ràng buộc xưa cũ vẫn còn rõ nét, và sáng tác văn học bằng chữ Hán là một biểu hiện của điều này. Trong những năm bôn ba hải ngoại, Khi không còn đứng giữa vòng xoáy của phong trào yêu nước, Phan Bội Châu trở thành "ông già Bến Ngự", những ràng buộc xưa cũ tái sinh và văn chương của ông dần dần quay trở lại với văn chương nhà nho. Ông viết thơ xướng họa (Họa Mộng Nhi nữ sĩ thi), thơ tiễn biệt (Biệt Siêu Tùng cảm tặng)… bằng chữ Hán. Khi lớp công chúng đọc và hiểu văn chương chữ Hán mai một dần thì thơ ca chữ Hán của Ông già Bến Ngự ngày càng khó nhận được sự đồng cảm của bạn đọc.

Từ Hán Việt: có tỷ lệ sử dụng thấp hơn so với từ Thuần Việt. Từ Hán Việt được sử dụng trong các trường hợp như có nội dung xưng tụng, thi vị hóa hiện thực, tư duy mang tính khái niệm triết học. Ý nghĩa nổi bật của từ Hán Việt làm cho thơ Ông già Bến Ngự giữ được tính chất trang trọng, tính cô đọng, hàm súc, giữ được vẻ đẹp cổ thi. Nhìn chung, từ Hán Việt xuất hiện trong thơ Ông già Bến Ngự phần đa được Việt hóa trở thành những nhóm từ quen thuộc trong đời sống của dân tộc. Chẳng hạn như Bài ca chúc tết thanh niên là tác phẩm tiêu biểu. Bài thơ có tính đại chúng cao, ngôn ngữ dễ hiểu. Lời chúc tết nhưng thực chất là lời

kêu gọi, thức tỉnh thanh niên cứu nước. Hầu như toàn bộ bài thơ là ngôn ngữ bình dân, nhưng kết thúc bài thơ là một dòng thơ Hán Việt ngắn gọn, cô đúc làm cho ý bài thơ tăng lên:

Chữ rằng: Nhật nhật tân, hựu nhật tân

Câu thơ là khẩu hiệu, mệnh lệnh thời đại thôi thúc thanh niên cần vươn lên, đổi mới, đấu tranh.

Điển cố, thi liệu Hán: Sử dụng điển cố, điển tích, thi liệu Hán là việc làm thường thấy trong các sáng tác của nhà Nho. Điển cố đóng vai trò khá quan trọng trong văn học Việt Nam thời kỳ trung đại. Dùng điển cố, người sáng tác xưa không chỉ vận dụng nó như một phương tiện diễn đạt mà còn thể hiện vốn kiến thức dồi dào về lịch sử, văn học, xã hội, văn hóa, kinh nghiệm sống của người xưa. Tuy không còn đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tác như xưa, nhưng nhìn lại nền văn học quá khứ, điển cố thực sự chiếm lĩnh một vai trò và thể hiện một chức năng mạnh mẽ trong sáng tác.

Trong giai đoạn này, Phan Bội Châu ít dùng điển cố, thi liệu Hán so với giai đoạn trước. Tuy mức độ không nhiều, nhưng đã chứng tỏ ông là người uyên tâm Hán học, am hiểu lịch sử văn hóa Trung Hoa. Điển cố, thi liệu Hán thường được dùng khi tác giả muốn bộc lộ nội dung, phẩm chất kẻ sĩ, lý tưởng xã hội.

Điển cố, thi liệu Hán là một hình thái ngôn ngữ gián tiếp nên khi sử dụng vào trong sáng tác văn học cần được giải mã cho người đọc tiếp nhận dễ dàng. Ông già Bến Ngự thơ sử dụng điển tích, điển cố, thi liệu Hán với hai mức độ: Sử dụng kèm theo nội dung giải thích hoặc dùng điển cố, thi liệu Hán đã được Việt hóa làm cho người đọc dễ tiếp nhận. Khảo sát cho thấy có 17 bài thơ với số lượng điển tích, thi liệu Hán là 20 với nội dung khá phong phú, đa phần đều được giải thích hoặc gần gũi với người đọc nên mang đậm chất thơ, tránh được sự cầu kì, khó hiểu.

Khi bày tỏ nỗi niềm nhớ bạn, nhà thơ lấy Tô Đông Pha đi thuyền trên sông Xích Bích và cùng với hình ảnh Lam Đình - đình nghỉ mát trên bờ sông Lam, nơi nhà thơ có nhiều kỷ niệm thời trai trẻ với bạn bè đồng chí:

Xích bích chơi trăng đà lắm thuở Lam đình cuộc rượu biết bao giờ

(Nhớ bạn)

Có khi cảm tấm lòng của người bạn thân cho chiếc áo trong những ngày rét đến, nhà thơ đã mượn câu thơ của Bạch Cư Dị: “Mã đắc đại tường thiên vạn trượng. Dữ quân phục tận Lạc Dương nhân” để nói lên tình cảm của mình:

Cầu dài muôn trượng e rồi có Phủ khắp Trung Nam Bắc mấy kỳ

(Tạ ơn người cho áo ngự hàn)

Khi bày tỏ tình lòng tôn kính, nhớ thương cha mẹ, Phan Bội Châu mượn điển “mây bạc”:

Năm năm tháng Chín tối ngày mười Đau đớn cha ơi, hỡi hời trời

Mây bạc những là ngây ngất bóng Suối vàng không biết hỡi than ôi

(Ngày giỗ cha)

Hình ảnh mây bạc trong bài thơ này, tác giả lấy từ tích Địch Nhân Kiệt đời Đường đi tuần thú thiên hạ đứng xa trông đám mây trắng cuối núi Hành Sơn rồi chỉ cho những người cùng đi với mình và nói rằng: “nhà cha mẹ tôi ở dưới những đám mây trắng kia”, ý nói nhớ cha mẹ.

Ngôn ngữ Pháp: ngôn ngữ này có mặt trong thơ Ông già Bến Ngự với mật độ khá nhiều, hầu hết đều được phiên âm ra tiếng Việt. Mục đích mà Phan Bội Châu sử dụng ngôn ngữ Pháp là trào lộng, châm biếm những thói rởm đời trong xã hội thực dân phong kiến đầu thế kỷ XX. Có tất cả 14 bài thơ ông đưa tiếng Pháp và với số lượng là 45 từ. Khác với lúc Phan Bội Châu xuất dương, lúc ông về nước số học sinh học các trường Pháp Việt đã rất đông đảo, trong hoạt động cứu nước và cách mạng họ đang dần dần có một vai trò quan trọng; thay thế cho vị trí nhà nho

trước đây. Thế nhưng Phan Bội Châu không nhìn ra trong họ vai trò mới đó. Ông chỉ coi họ là những người học chữ Pháp:

Lưỡi đưa lắt léo dê ăn lộc Miệng nói bi bô cóc táp ruồi.

(Học chữ Tây)

Tất nhiên trong đám học sinh đông đảo lúc đó có nhiều người đáng cười vì đua đòi ăn chơi, chịu ảnh hưởng xấu của văn hoá thực dân, của đời sống đô thị, nhiều người đi học chỉ cốt để kiếm ăn, hoặc để khoe mẽ:

Trả lời “nông úy” pha “không có” Hỏi giá “oong đơ” liệu “một hai”.

(Diễu cô nữ sinh Đồng Khánh)

Khi nền văn minh Pháp tràn vào, việc nói pha tiếng Pháp vào gần như thành thói quen thời đại. Điều này đã trở thành đối tượng để nhà thơ trào lộng:

Kề nhà ga Huế còi vang óc

Cạnh phố Đông Ba trống điếc tai “Nông úy” cụ già luôn cụ bé “Moa vu” cô cả lẫn cô hai.

(Sau lúc đau ngớt hát chơi) hay:

Cửa Phật buồng tu vẫn trót ngày. Hứng lên thời lại đảo điên say,

“Boa lan côn” cũng “xan bui nhẩm” Xoay xáo mình như cỡi máy bay

Trong bài Mừng xuân Đinh Tửu, Ông già Bến Ngự phê phá thói rởm đời, ăn chơi trác táng của những hạng nhà giàu trong những ngày tết đến:

Cái tết năm nay tết những gì? Pháo đời Tự Đức, đốt đời ni!

“Đít cua” choáng váng trời nghe điếc “Cốt nhắc” li bì đất phải say.

Cũng có khi ông dùng tiếng Pháp để chế giễu chính bản thân mình:

Nông, úy, vu, moa rành dốt đặc Chi, hồ, giả, dã lại buồn ghê

(Tự trào)

Tính tỉ lệ bài thơ có tiếng Pháp thì không nhiều nhưng đặc biệt tập trung ở một số bài như Sau lúc đau ngớt hát chơi, Vô đề tuyệt cú, 10 bài. Trong Vô đề tuyệt cú, 10 bài, bài nào cũng có chêm một vài từ tiếng Pháp, cho thấy thói đời nhiễu nhương, các giá trị thay đổi. Đằng sau đó là tấm lòng đau đáu, xót xa của bậc vĩ nhân mang tâm trạng bất lực.

Mặc dù tiếng Pháp được Phan Bội Châu dùng nhiều nhưng xét tới cùng, ông không có một thành tựu thơ ca Pháp ngữ thực sự. Những tiếng Pháp chêm vào trong những câu thơ chỉ mang tính đả kích, tự trào, không phải là ngôn ngữ văn chương thực sự. Điều này có nguyên nhân từ những hạn chế về mặt ngoại ngữ cũng như sự tiếp xúc văn hóa với thế giới phương Tây. Phan Bội Châu khác xa với những nhà văn sáng tác bằng tiếng Pháp như ngôn ngữ văn học Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Hãn hay Nguyễn Ái Quốc… Ông không sành, tuy có biết một ít tiếng Pháp. Ngay bản thân ông cũng khẳng định, không thể dùng tiếng Pháp như ngôn ngữ chính thống: “…Vì những cớ ấy, mà muốn bỏ hết Hán văn, toàn dùng Pháp văn, thì chắc Quốc dân ta không khỏi mang cái họa chết vì đói” (Vấn đề Hán học ở nước ta ngày nay).

3.2.3. Tiểu kết

Quy luật phát triển ngôn ngữ văn học là quá trình biến ngôn ngữ văn học gần gũi với cuộc sống, hình thành ngôn ngữ văn học dân tộc mang tính toàn dân, thống nhất và chuẩn hóa. Sáng tác của Phan Bội Châu kéo dài từ trong giai đoạn hình thành và phát triển của nền văn học quốc ngữ cho đến khi văn học quốc ngữ chiếm ưu thế. Tuy nhiên vì nhiều điều kiện nên Phan Bội Châu có sự xa cách với môi trường văn học quốc ngữ miền Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX – nơi văn học viết bằng tiếng Việt hình thành và phát triển đầu tiên. Khi có điều kiện hoạt động văn nghệ hợp pháp thì Phan Bội Châu không thể nào theo kịp sự vận động và phát triển mau lẹ của ngôn ngữ văn chương quốc ngữ đương thời trên tất cả các thể loại nói chung và thơ ca nói riêng. Có những lúc, ngôn ngữ văn học của Phan Bội Châu rất dân tộc, rất hợp với công chúng. Nhưng thị hiếu thẩm mỹ của công chúng ngày càng cao, đặc biệt là khi công chúng văn học đã mở rộng từ nông thôn sang thành thị, họ đòi hỏi một thứ văn chương trau chuốt, có tính nghệ thuật cao. Không theo kịp và lạc hậu trên phương diện ngôn ngữ văn học cũng là điểm tất yếu đối với những nhà nho từng là đội quân tiên phong trên lĩnh vực văn chương như Phan Bội Châu.

Khảo sát ngôn ngữ thơ ca Ông già Bến Ngự cho ta cái nhìn bao quát về những nỗ lực “Việt hóa”, thử nghiệm đưa phương ngữ vào văn học, đưa ngôn ngữ đời sống vào thơ, sử dụng tiếng Pháp diễu nhại… Tất nhiên, có những điểm khả dĩ nhưng cũng không ít thất bại.

KẾT LUẬN

Để có được những đánh giá khách quan, khoa học về một vấn đề lịch sử văn học, phải đặt vấn đề đó trong hoàn cảnh tồn tại của nó. Sẽ là sai lầm khi lấy thị hiếu và khuynh hướng thẩm mỹ, tiêu chuẩn lí luận văn học hiện đại để đánh giá thơ ca Phan Bội Châu thời kì Ông già Bến Ngự. Phải nhìn thơ ca Ông già Bến Ngự trong tính chất giao thời, những hình thức trung gian giữa cái cũ và cái mới mới thấy rõ được những thành công và nhược điểm của bộ phận sáng tác này. Bộ phận thơ ca này là sản phẩm nghệ thuật của một hồn thơ cao cả muốn cứu nước cứu nòi nhưng không thành dẫn đến tâm trạng chua xót, bất lực, cay đắng và cô đơn. Bi kịch đó sẽ chi phối đến thơ ca Phan Bội Châu từ hình thức đến nội dung.

Khoảng 700 bài thơ các loại cho thấy khả năng sáng tác rất lớn trong khoảng thời gian mười lăm năm gian khổ và cô đơn nhất của người viết. Con số này nhiều hơn rất nhiều so với thơ ca sáng tác trước năm 1925 và cũng là khá lớn so với nhiều nhà thơ trước đó trong lịch sử văn học dân tộc. Thơ Ông già Bến Ngự là sự hội tụ, cuộc tổng duyệt và thử lại cuối cùng hầu hết các thể loại truyền thống: thất ngôn bát cú, thất ngôn trường thiên, hát nói, lục bát, song thất lục bát… Tính chất trung đại không chỉ thế hiện ở thi pháp thể loại mà còn ở quan niệm nghệ thuật, tư duy nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ… Ở phương diện này, có thể xem xét thơ Phan Bội Châu với tất cả chỗ được và chưa được là một thành tựu cuối cùng của thơ Nôm thuộc phạm trù thi pháp trung đại. Trong hoàn cảnh của Phan Bội Châu lúc bấy giờ, đây là hiện tượng mang tính năng động: không còn làm cách mạng được thì làm văn nghệ. Lần thứ hai (lần thứ nhất là sau khi từ nhà tù Long Tế Quang ra năm 1917, Phan Bội Châu kiếm kế sinh nhai bằng nghề “bán chữ”, viết bài gửi đăng các báo Trung Quốc: Đông Á tân văn ở Bắc Kinh, Binh sự tạp chí ở Hàng Châu), Phan Bội Châu ý thức được chuyện viết văn nghệ. Lúc này con người thi sĩ tách biệt với nhà chính khách.

Nói thơ Ông già Bến Ngự thuộc phạm trù thơ trung đại là đúng nhưng sẽ là phiến diện nếu không nhận thấy những nỗ lực trong chừng mực nhất định của Phan

Bội Châu trong việc vươn lên để ăn nhập với một nền thơ đương thời đang nhanh chóng đi theo con đường hiện đại hóa. Những cố gắng của Phan Bội Châu trong việc đưa thơ trở nên gần gũi với ngôn ngữ thuần Việt, thể thơ linh hoạt, đề tài mang tính đời sống, thế sự… cho thấy một hướng hiện đại hóa thơ ca dân tộc. Tuy nhiên, cả Phan Bội Châu hay những nhà Nho chí sĩ đương thời không có bất cứ tác giả nào thuộc dòng văn học này coi sáng tạo văn học là mục đích tự của cuộc đời. Đối với những nhà Nho yêu nước này, văn chương chỉ là một công cụ phục vụ cho sự nghiệp chính trị. Chính vì vậy, biên độ đổi mới văn chương bị quy định bởi sự nghiệp hoạt động chính trị của các tác giả. Những đổi mới của dòng văn học này trước những năm 20 của thế kỉ XX sở dĩ có được là do những yêu cầu mới của phong trào yêu nước. Từ đó dẫn đến tình trạng: chừng nào văn học còn gắn với những hoạt động chính trị, yêu nước, chừng đó, những nỗ lực cách tân văn học còn diễn ra một cách mãnh liệt. Nhưng khi văn chương bị cách ly khỏi phong trào yêu nước thì sáng tác của các nhà nho chí sĩ lại vận động trở vè với những khuôn mẫu sáng tạo truyền thống. Phan Bội Châu là trường hợp tiêu biểu cho khuynh hướng này. Phan Bội Châu có vinh dự là người khởi xướng, đi đầu và đi đến cuối cùng của một thế hệ. Rời xa hoạt động chính trị, thơ ca Ông già Bến Ngự lại trở về với thơ đề vịnh, thơ tỏ ý, tỏ chí với hình thức thất ngôn là chủ yếu… Nhân vật trữ tình trong thơ là cái Ta đạo đức, khác hẳn về bản chất so với cái Tôi cảm xúc trong thơ Mới. Ở những bài thơ của Phan Bội Châu mà ông coi là thơ Mới, không hiện diện một yếu tố không thể thiếu của thơ Mới: cái tôi trữ tình cá nhân của con người cá nhân. Mặt khác, thị hiếu và nhu cầu của công chúng trong thời đại mới cũng đã khác. Công chúng ban đầu có thể có sức ỳ lớn, là người bị hướng đạo bởi các nhà văn, nhưng đến một thời điểm thích hợp, họ sẽ bật dậy nhanh hơn, hiện đại hơn và cập nhật hơn chính các tác giả từng hướng đạo họ khi trước. Dần dần, Phan Bội Châu không đáp ứng được thị hiếu của bạn đọc đang thay đổi nhanh chóng và trở nên lạc hậu trên lĩnh vực thơ ca nói riêng và hoạt động văn học nghệ thuật nói chung. Đây là chung cục tất yếu của một thế hệ người sáng tác nhà Nho đã không

Một phần của tài liệu Khảo sát thơ ca Phan Bội Châu 15 năm cuối đời qua ba phương diện Chủ đề, đề tài, thể loại và ngôn ngữ (Trang 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)