Có nhiều bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã phản ứng tích cực trước những thuận lợi mà quá trình gia nhập WTO đem lại. Phản ứng của các doanh nghiệp đối với các cam kết gia nhập WTO phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất, mức độ tự do hóa các rào cản đối với thương mại và các nhà xuất khẩu của Việt Nam cũng như các nhà doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu sang Việt Nam gặp phải. Thứ hai, mức độ nhận thức và khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội tăng cường khả năng tiếp cận các thị trường nước ngoài và khả năng điều chỉnh trong môi trường cạnh tranh cao hơn tại thị trường trong nước. Nói cách khác, việc gia nhập WTO có thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam hay không không chỉ phụ thuộc vào những thay đổi tích cực trong việc tiếp cận thị trường do quá trình gia nhập WTO đem lại mà còn phụ thuộc vào các hành động cụ thể của Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp. Đặc biệt, thành công xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào thông tin kinh doanh, cơ sở hạ tầng cho các nhà xuất khẩu và tinh thần doanh nghiệp của họ. Cả Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ đều nhận thức
đầy đủ về các vấn đề này, như được thể hiện trong Nghị quyết và Chương trình hành động năm 2007 liên quan tới việc Việt Nam gia nhập WTO (Chính phủ Việt Nam năm 2007). Nghị quyết này kêu gọi tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng cơ hội và điểu chỉnh trước những thay đổi về thể chế do việc gia nhập WTO đem lại.
Phản ứng chiến lược. Tuy nhiên, gia nhập WTO không phải là một “thần dược” đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Trên thực tế, trong một số khía cạnh quan trọng, gia nhập có thể làm tăng thách thức mà các doanh nghiệp trong nước gặp phải. Loại bỏ trợ cấp và giảm thuế nhập khẩu được coi là sẽ khiến một số ngành trong nước gặp nhiều khó khăn hơn và sẽ phải điều chỉnh. Rất nhiều cam kết cắt giảm thuế quan đã được thực thi và các cam kết khác sẽ được thực hiện trong tương lai gần. Quá trình này đòi hỏi các doanh nghiệp phải giám sát những sự thay đổi và đề ra phản ứng chiến lược hợp lý (ở mức độ công ty, phản ứng chiến lược đề cập tới phản ứng trước những điều chỉnh cơ cấu ở cấp kinh tế vĩ mô). Rõ ràng, các mức thuế suất bình quân không có ý nghĩa nhiều đối với các doanh nghiệp, từng doanh nghiệp phải tự mình xem xét các dòng thuế cụ thể và phân tích khả năng cạnh tranh của mình tại từng thị trường xuất khẩu cụ thể. Trong quá trình này, cần phải xem xét kỹ các cam kết trong các thỏa thuận hội nhập khu vực mà Việt Nam đã tham gia trước khi có thể phân tích đầy đủ quá trình tự do hóa mà WTO đem lại xét về khía cạnh thị trường. Ví dụ, trong khuôn khổ Hiệp định ASEAN – Trung Quốc, Việt Nam đã cam kết từ năm 2008 sẽ áp dụng thuế suất 0% đối với thịt lợn nhập khẩu và trong bối cảnh này, bất kỳ cam kết cắt giảm nào đối với thịt bò trong WTO trong thời điểm hiện nay sẽ không có ý nghĩa quan trọng trên thực tế vì rất ít Thành viên WTO có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc đối với mặt hàng này. Do đó, các công ty cần bổ sung các thông tin liên quan tới WTO vào dữ liệu thông tin thị trường của mình và cân nhắc những diễn biến trong hệ thống WTO khi xem xét các lựa chọn chiến lược dài hạn (ITC, 2001). Ví dụ, quá trình tự do hóa thương mại đa biên có thể làm xói mòn những ưu đãi thuế quan mà Việt Nam được hưởng tại một số nước phát triển nhất định nhờ quy chế đối xử đặc biệt và khác biệt. Sự xói mòn này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh do tác động phân hóa thương mại của các thỏa thuận hội nhập khu vực. Ví dụ, trường hợp một số nhà sản xuất hàng dệt may của Việt Nam đang gặp phải cạnh tranh ngày càng tăng trên
thị trường EU sau khi một số nước Đông Âu có ngành sản xuất hàng dệt may lớn gia nhập EU.
Các cuộc đàm phán dịch vụ cũng tạo ra nhiều thách thức cho Việt Nam, tuy nhiên trong lĩnh vực dịch vụ thì một số cam kết WTO trong một số ngành/phân ngành, ví dụ như ngân hàng và bảo hiểm, đã được tự do hóa ở một số Hiệp định khác như Hiệp định Thương mại song phương (BTA) giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tương tự như đối với hàng hóa, các nhà quản lý khi phân tích các cam kết WTO phải so sánh chúng với các cam kết khu vực. Liên quan tới vấn đề sở hữu, một yếu tố quan trọng là cần phân tích chính xác những lĩnh vực cho phép nước ngoài chiếm sở hữu đa số ngay tại thời điểm gia nhập hoặc sau một giai đoạn chuyển tiếp nhất định. Có thể tham khảo rất nhiều thông tin liên quan trên các trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính tại Hà Nội.
Hộp 3
Chiến lược kinh doanh trước những diễn biến mới trong hệ thống Thương mại: Một số vấn đề cho các doanh nghiệp Việt Nam
1. Có những cơ hội tiếp cận thị trường mới nào ở nước ngoài mà các cuộc đàm phán WTO cũng như các thỏa thuận thương mại khu vực hoặc song phương đem lại, doanh nghiệp cần có chiến lược gì để tận dụng các cơ hội này? Có cần điều chỉnh chiến lược sản phẩm, giá và đa dạng hóa tại các thị trường xuất khẩu hay không?
2. Những thay đổi trong môi trường pháp lý ở nước ngoài ảnh hưởng như thế nào tới vị thế của doanh nghiệp? Cụ thể, (i) tác động của quá trình hội nhập khu vực đối với vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp (ii) tác động của việc giảm ưu đãi đối với doanh nghiệp do Chính phủ các nước đưa ra các cam kết trong WTO là như thế nào (iii) Có những thay đổi nào trong các quy định pháp lý về TBT, SPS hoặc sở hữu trí tuệ mà doanh nghiệp cần phản ứng?
3. Doanh nghiệp cần phản ứng như thế nào trước việc các doanh nghiệp nước ngoài tăng cường cạnh tranh trên thị trường nội địa? Cần có quy trình quản lý nào? Doanh nghiệp có thể tiếp cận các đầu vào nào với giá rẻ hơn nhờ quá trình tự do hóa thương mại?
4. Doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược như thế nào để phù hợp với môi trường pháp lý mới tại Việt Nam đối với quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ? 5. Những nguy cơ nào từ việc bị coi là bán phá giá cũng như các biện pháp đối kháng đối với doanh nghiệp và có thể giảm thiểu các nguy cơ này như thế nào? Trong những tình huống nào thì doanh nghiệp hoặc hiệp hội ngành có thể bắt đầu chống bán phá giá hoặc chống đối khác chống lại các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam?
6. Các doanh nghiệp cần quan tâm tới các đề xuất cụ thể nào về tự do hóa thương mại hoặc bảo hộ nào? Các doanh nghiệp khác có thể quan tâm tới các vấn để nào để ủng hộ quan điểm của doanh nghiệp? Có thể áp dụng chiến lược phổ biến nào để kêu gọi các hành động phù hợp với WTO nhằm hỗ trợ một ngành cụ thể trong nước hoặc doanh nghiệp?
7. Hiệp hội doanh nghiệp có thể đóng vai trò mới nào trong quá trình hoạch định chính sách? Cụ thể, các hiệp hội doanh nghiệp có thể đóng vai trò hữu ích như thế nào trong việc thu thập thông tin kinh tế, đào tạo, phát triển chiến lược xuất khẩu của một ngành cụ thể, tìm kiếm đối tác quốc tế, phổ biến thông tin, v.v…? Doanh nghiệp có thể yêu cầu những hỗ trợ nào từ Chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế nhằm tài trợ cho các dự án, quá trình điều chỉnh cơ cấu hoặc phát triển xuất khẩu của mình?
Yêu cầu hỗ trợ. Các Hiệp hội doanh nghiệp cần được tư vấn để điều chỉnh cách tiếp cận của họ trong việc yêu cầu trợ cấp. Các công ty sẽ không thể yêu cầu Chính phủ trợ cấp xuất khẩu cho hàng hóa sản xuất trong nước do Việt Nam đã cam kết loại bỏ các khoản trợ cấp này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xin được hỗ trợ đối với một số dự án nghiên cứu và phát triển (R&D), xúc tiến xuất khẩu của một số cơ quan chính phủ chuyên trách, v.v… Các doanh nghiệp cũng nên biết rằng có những loại trợ cấp phù hợp với quy định của WTO. Tuy nhiên, những người chuẩn bị yêu cầu trợ cấp cần nắm vững các quy định của WTO để có cơ sở phù hợp. Các công ty luật của Việt Nam sẽ có nhiều
thị trường cho dịch vụ tư vấn các vấn đề liên quan tới WTO trong lĩnh vực này cũng như các lĩnh vực khác như thủ tục chống bán phá giá, định giá hải quan và tiêu chuẩn kỹ thuật, v.v…
Các vấn đề sở hữu trí tuệ. Giám đốc các doanh nghiệp sản xuất hàng nhái hoặc vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ sẽ có nhiều khả năng bị truy tố hình sự và dân sự tại Việt Nam. Nguy cơ này đang tăng lên do các công ty nước ngoài ngày càng có cách tiếp cận chủ động hơn đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của họ tại Việt Nam và các cơ quan quản lý của Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc thực thi các sáng kiến pháp luật khác nhau để thực thi các cam kết TRIPs của Việt Nam. Các quy tắc pháp lý chặt chẽ hơn về sở hữu trí tuệ đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam bảo hộ các sáng chế và tài sản marketing của họ hoặc tìm đối tác với các chủ sở hữu tài sản trí tuệ nước ngoài. Do các công ty Việt Nam đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới việc bảo vệ các bằng sáng chế, thương hiệu và các quyền sở hữu trí tuệ của họ cũng như việc đảm bảo hàng xuất khẩu của mình tuân thủ các quy tắc về sở hữu trí tuệ của nước ngoài, do đó cũng có nhu cầu sử dụng các nhà tư vấn trong lĩnh vực kinh doanh và các chuyên gia pháp lý. Rõ ràng, việc tăng cường cải thiện bảo vệ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã có tác động tích cực tới đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDIs) của nhiều công ty công nghệ cao đồng thời cũng là những doanh nghiệp sử dụng nhiều tài sản trí tuệ. Các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ có nhận thức cao hơn về thương hiệu và học được các kỹ năng xây dựng thương hiệu, hình ảnh và các kỹ năng tiếp thị khác nhằm để nâng giá sản phẩm của mình trên các thị trường toàn cầu. Giáo dục, đào tạo thực hành và nghiên cứu tiếp thị là các ưu tiên khẩn thiết đối với nhiều ngành trong nước. (Xem thêm Chương V).
Các tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ. Việc mở rộng xuất khẩu của các nhà sản xuất Việt Nam thường bị cản trở bởi các tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ, các tiêu chuẩn này được các Hiệp định của WTO điều chỉnh. Có thể cần tổ chức các chương trình thâm nhập thị trường thông qua các quy định kỹ thuật cho các ngành cụ thể của Việt Nam theo từng vấn đề nhằm thúc đẩy các cơ hội xuất khẩu thông qua việc xác định các lĩnh vực có thể tuân thủ được các tiêu chuẩn trong ngắn hạn hoặc xác định các vấn đề cần phải đàm phán với các Thành viên liên quan nhằm đưa ra các quy tắc và thủ tục khác nhau (nhưng tương đương), tạo điều kiện cho xuất khẩu của Việt Nam (ITC, 2001).
Hỗ trợ doanh nghiệp. Việc Việt Nam gia nhập WTO tạo ra nhu cầu cần hỗ trợ doanh nghiệp. Một mặt, nhiều hiệp hội ngành, phòng Thương mại và Công nghiệp và các tổ chức chuyên môn cần thực thi các chính sách tích cực nhằm bảo vệ quyền lợi của các thành viên trong quá trình đưa ra chính sách. Các công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam cũng có thể trở thành thành viên của các hiệp hội doanh nghiệp trong nước. Điều này sẽ thay đổi xu hướng xây dựng liên minh trong chính sách thương mại và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận các nhà hoạch định chính sách. Một minh họa về các cơ hội cho doanh nghiệp là hiện nay các bên quan tâm đã có một khoảng thời gian “hợp lý” (60 ngày) để bình luận các dự thảo văn bản pháp luật của Việt Nam.
Rất nhiều cải cách khác từ quá trình gia nhập WTO đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ được thực thi tại Việt Nam trong những năm tới (Ngo Van Diem và các tác giả khác, 2007). Ví dụ, Luật Doanh nghiệp thống nhất và Luật Đầu tư chung có hiệu lực vào năm 2007 đã đưa ra một khuôn khổ quy tắc chung cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo cơ sở cho việc khuyến khích và bảo hộ tất cả các hình thức đầu tư. Việc Nam cũng đã đạt được tiến bộ trong việc hài hòa hóa các quy tắc về quyền kinh doanh, qua đó thủ tục đăng ký sẽ giống nhau cho các doanh nghiệp kinh doanh trong và ngoài nước – một sự thay đổi chính sách sẽ khuyến khích các nhà đầu tư mới vào Việt Nam.
9. Kết luận
WTO có lẽ là tổ chức kinh tế quốc tế duy nhất yêu cầu các quốc gia phải tuân thủ chương trình cải cách và tự do hóa kinh tế với quy mô lớn như thế. Trở thành Thành viên WTO không phải là một sự bước đi dễ dàng cho cả Chính phủ nước gia nhập và cộng đồng doanh nghiệp của nước này. Các cuộc đàm phán gia nhập đã rất khó khăn cho cả Việt Nam cũng như các thành viên WTO, thể hiện ở quá trình đàm phán kéo dài tới 12 năm. Quá trình đàm phán gia nhập phức tạp và kéo dài đã kết thúc thành công nhờ vào sự quan tâm liên tục của Chính phủ và nhân dân Việt Nam tới tiến trình này cũng như thiện chí của các nước Thành viên WTO trong việc chào đón Việt Nam trở thành một Thành viên mới. Nói một cách đơn giản: các bên đều khó có lựa chọn nào khác ngoài việc kết thúc tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam.
Trong tiến trình đàm phán gia nhập, các nhà hoạch định chính sách có quan điểm về cải cách thương mại rộng hơn là chỉ quan tâm tới những thay đổi về mức thuế quan, các hạn chế định lượng và sự biến đổi về giá so sánh do những thay đổi đó tạo nên. Mối quan tâm lới nhất là những sự thay đổi sâu sắc hơn về xu hướng hành xử trong khu vực nhà nước tại Việt Nam và trong mối quan hệ giữa Chính phủ với khu vực tư nhân và nền kinh tế thế giới. Trong giai đoạn 5 năm trước khi gia nhập WTO, Việt Nam đã đưa ra những thay đổi cơ bản trong khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động thương mại cũng như các thủ tục hành chính và tư pháp. Việt Nam đã sửa đổi đáng kể các văn bản pháp luật điều chỉnh các hoạt động kinh tế và điều chỉnh rất nhiều khía cạnh của hệ thống pháp luật nói chung. Đôi khi có lập luận rằng đóng góp chính của tiến trình gia nhập WTO đối với một nền kinh tế mới gia nhập không phải là tự do hóa thương mại hay tuân thủ với các quy định của WTO mà là mức độ đóng góp của quá trình cải cách đối với việc tạo ra môi trường thể chế có chất lượng cao (Rodrik, 2002). Trường hợp của Việt Nam phù hợp với quan điểm trên do quá trình gia nhập đã đóng góp vào việc tạo ra các điều kiện thể chế tiên quyết cho một nền kinh tế thị trường và cơ chế khắc phục cho việc ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam cũng đã thực hiện tự do hóa đáng kể đối với thuế nhập khẩu và thương mại