b. Nguyên tắc xử lý tài sản đảm bảo tại ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu – ch
3.2.3.2. Nâng cao hiệu quả của công tác kiểm soát nội bộ ngân hàng:
Công tác kiểm soát nội bộ trong hoạt động tín dụng là một công cụ vô cùng quan trọng, thông qua hoạt động kiểm soát có thể phát hiện, ngăn ngừa và chấn chỉnh những sai sót trong quá trình thực hiện nghiệp vụ tín dụng. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm soát cũng phát hiện, ngăn chặn những rủi ro đạo đức do CBTD gây ra. Để nâng cao vai trò của công tác kiểm soát nhằm hạn chế rủi ro tín dụng, GPBank Đà Nẵng cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Tăng cường những cán bộ có trình độ, đã qua nghiệp vụ tín dụng để bổ sung cho phòng kiểm soát. Và tiêu chuẩn đối với người làm công tác kiểm toán nội bộ cần phải có là: có phẩm chất trung thực, ý thức chấp hành pháp luật và sự nhìn nhận khách quan; có kiến thức, hiểu biết chung về pháp luật, về quản trị kinh doanh và các nghiệp vụ ngân hàng; có
khả năng thu thập, phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin; có kiến thức, kỹ năng về kiểm toán nội bộ; và có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng tối thiểu là 02 năm.
- Trong quá trình kiểm tra hoạt động tín dụng, có thể tăng cường cán bộ làm trực tiếp từ bộ phận tín dụng hoặc thẩm định và quản lý tín dụng cùng phối hợp kiểm tra.
- Thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ, luật pháp cho cán bộ phòng kiểm soát. Vì hiện nay, có những cán bộ thực hiện kiểm tra mà chưa hề được đào tạo hoặc chưa có kinh nghiệm làm tín dụng. Trong đó, phải đào tạo đạo đức nghề nghiệp để cán bộ kiểm toán nội bộ trong quá trình tác nghiệp phải thực hiện vô tư, tránh tình trạng cả nể và chưa thực sự góp ý thẳng.
- Cần quy định trách nhiệm đối với cán bộ kiểm soát, có chế độ khuyến khích thưởng phạt để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động kiểm soát.
- Không ngừng hoàn thiện và đổi mới phương pháp kiểm tra, áp dụng linh hoạt các biện pháp kiểm tra tùy thuộc vào từng thời điểm, từng đối tượng và mục đích của kiểm tra.
- Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát nội bộ cần được thường xuyên tự đánh giá bởi vì việc này sẽ có tác dụng phòng ngừa rủi ro và hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý rủi ro của ngân hàng.
3.2.3.3.Xây dựng và thực hiện chính sách cho vay phù hợp đối với DNXL:
Các DNXL là nhóm khách hàng quan trọng, dư nợ đối với nhóm khách hàng này luôn chiếm một tỉ trọng cao trong tổng dư nợ của chi nhánh. Chính vì vậy xây dựng một chính sách cho vay riêng, phù hợp với loại hình doanh nghiệp này là một hướng đi đúng đắn mà chi nhánh nên cân nhắc. Để xây dựng và thực thi một chính sách cho vay phù hợp với DNXL thì chi nhánh cần thực hiện kết hợp các biện pháp:
Xây dựng chính sách quan hệ khách hàng, trong đó lấy mục tiêu tạo dựng một mối quan hệ bền chặt, lâu dài với các doanh nghiệp này làm trọng tâm. Để từ đó có thể hiểu rõ hơn về nhóm khách hàng này cũng như từng khách hàng trong nhóm để có thể phục vụ tốt hơn, đồng thời nắm bắt kịp thời những thay đổi, biến động của các doanh nghiệp này nhằm phục vụ công tác quản trị rủi ro một cách hiệu quả.
Thực hiện tốt công tác kiểm tra sử dụng vốn sau khi cho vay đối với các DNXL bằng các biện pháp:
- Nắm vững và theo dõi sát sao tình hình sử dụng vốn vay của khách hàng xem việc sử dụng vốn vay có đúng mục đích hay không? Nêu rõ nguyên nhân gây ra sai lệch.
- Mô tả thực tế sử dụng vốn vay so với các chứng từ đã xuất trình hoặc dự kiến ban đầu. - Ngân hàng phải quản lý được nguồn doanh thu của khách hàng. Trong hợp đồng tín dụng phải thỏa thuận được với khách hàng việc chuyển doanh thu và sử dụng các dịch vụ tại GPBank, qua đó vừa kiểm soát được nguồn trả nợ, vừa tăng thêm phí dịch vụ thu được. - So sánh thực tế dự án so với dự kiến ban đầu: tình hình các yếu tố đầu vào, thị trường tiêu thụ, tình hình cơ sở vật chất, sự hiện hữu và tình trạng của tài sản thế chấp/cầm cố tại thời điểm kiểm tra.
Tăng cường hoạt động tư vấn đối với DNXL:
- Ngân hàng có thể mở rộng các hoạt động tư vấn cho DNXL, tư vấn không chỉ dừng lại ở mức độ giải thích các quy định và thể lệ cho khách hàng mà là cùng với họ xem xét tính hiệu quả của dự án trên cơ sở đó giúp họ lập phương án sử dụng vốn để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay từ ngân hàng.
- Ngoài ra, ngân hàng nên tổ chức một mạng lưới thông tin để giúp đỡ các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp do thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác mà ký những hợp đồng bất lợi cho mình. Ngân hàng do có mối quan hệ với nhiều khách hàng với mọi ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, có những chuyên gia thu thập và phân tích thông tin nên có thể đáp ứng nhu cầu thông tin còn thiếu cho DNXL giúp các DNXL giảm được chi phí, tránh được những những rủi ro do không được thông tin chính xác.
3.2.3.4.Sử dụng các công cụ bảo hiểm và bảo đảm tiền vay.
Rủi ro tín dụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân rất đa dạng mà đôi khi những rủi ro đó ngân hàng không thể lường trước được. Vì vậy sử dụng các công cụ bảo hiểm và áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay để hạn chế tổn thất khi rủi ro xảy ra là cực kỳ quan trọng. Một số giải pháp cần thực hiện:
- Yêu cầu khách hàng vay phải mua bảo hiểm trong quá trình xây dựng và bảo hiểm công trình (đối với các dự án đầu tư). Trên thực tế thời gian qua, nhờ sử dụng yêu cầu này mà những tổn thất vốn vay do thiên tai gây ra đã được cơ quan bảo hiểm thanh toán, giảm thiểu đáng kể những tổn thất.
- Hoàn thiện về mặt pháp lý của các tài sản bảo đảm tiền vay để thuận lợi trong xử lý tài sản bảo đảm, nguồn thu nợ thứ hai khi rủi ro tín dụng xảy ra. Qua xử lý một số tài sản bảo đảm tiền vay cho thấy sở hữu về tài sản không rõ ràng, không có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nên việc bán tài sản rất khó khăn (cơ quan công chứng không chịu công chứng hợp đồng, người mua e ngại…). Nguyên nhân của tình trạng này là do khách hàng ngại tốn chi phí nên không đăng ký sở hữu tài sản (đặc biệt là đối với nhà xưởng, công trình trên đất), ngân hàng không đôn đốc khách hàng hoàn thiện các thủ tục về tài sản bảo đảm, việc đăng ký sở hữu tài sản trên đất gặp nhiều khó khăn về thủ tục…nên khá nhiều tài sản trên đất, đặc biệt là nhà xưởng, công trình xây dựng trên đất thế chấp tại chi nhánh chưa có giấy tờ về sở hữu tài sản. Do đó hồ sơ bảo đảm tiền vay không đầy đủ, gây khó khăn cho quá trình xử lý tài sản thu hồi
nợ. Để giảm những rủi ro về mặt pháp lý, cần thỏa thuận việc hoàn thiện về thủ tục đăng ký sở hữu tài sản sau khi dự án hoàn thành là một điều kiện tín dụng, đồng thời thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, liên tục rà soát hồ sơ pháp lý và thực trạng của TSĐB.
3.2.4. Về công tác tài trợ rủi ro:
Ta có thể thấy nguồn tài trợ rủi ro của chi nhánh hiện nay rất hạn chế, chỉ từ hai nguồn là TSĐB của khách hàng và từ trích lập dự phòng. Do đó hiệu quả của công tác tài trợ rủi ro
tín dụng đối với các DNXL nói riêng và tất cả các khoản vay nói chung phụ thuộc rất lớn vào công tác định giá TSĐB, trong khi công tác định giá TSĐB của các DNXL là tương đối khó khăn. Chính vì vậy đa dạng hóa nguồn tài trợ là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác tài trợ rủi ro. Chi nhánh có thể đa dạng hóa nguồn tài trợ rủi ro của mình bằng việc sử dụng thêm các công cụ, biện pháp khác như: mua bảo hiểm tín dụng, bán nợ, chuyển nợ thành vốn …