LÀ GƯƠNG, THÌ PHẢI SÁNG

Một phần của tài liệu Bác Hồ với thế hệ trẻ (Trang 38 - 40)

Bất kỳ người nào cũng cần có phẩm chất đạo đức. Với người lãnh đạo, đạo đức lại càng cần thiết, cần được rèn giũa, coi trọng tu dưỡng và chăm chút từng ngày từng giờ.

Mỗi hành động, việc làm, lời nói của người lãnh đạo, của cấp trên, luôn được trăm nghìn con mắt nhìn vào. Người dân nhìn vào để thấy việc người lãnh đạo làm đến đâu, làm có đúng không, làm vì cái gì, làm cho ai. Dân trí càng cao, kiến thức của người dân ngày càng nhiều thì những đòi hỏi với người lãnh đạo nhiều hơn, không chỉ ở năng lực mà còn ở nhân cách trong sáng, tính công tâm, quang minh, chính đại.

Người ta rất dễ thấy và dễ bàn tán khi thấy một ông chủ tịch xã đi vào nhà hàng, khách sạn, nhưng lại không mấy để ý khi đó là một chủ doanh nghiệp. Người ta xì xào ngay vì con ông cán bộ nhà nước nghiện ngập, chơi bời, sắm xe này nọ đắt tiền và đặt luôn dấu hỏi về nguồn gốc của hiện tượng, nhưng dư luận lại không quan tâm đối với gia đình của một tiểu thương.

Dân có quyền giám sát, có quyền đòi hỏi phẩm giá đạo đức của người làm lãnh đạo. Sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhà nước ta là sự nghiệp vĩ đại của toàn dân. Ai ai, trong thời đại của hội nhập và phát triển này đều đang làm “cách mạng”. Mỗi người mỗi việc, mỗi người một nhiệm vụ chung tay xây dựng đất nước.

Xã hội được nhà nước quản lý bằng pháp luật. Hành động, việc làm, cử chỉ thường nhật của người dân trái pháp luật phải chịu chế tài, vì thế pháp luật muốn đi vào dân, đến với dân thì cần trước hết những sự nghiêm túc chấp hành ở những người thực thi pháp luật của cơ quan hành pháp.

Làm sao dân tin khi gặp phải sự rối rắm, rườm rà, thái độ hành dân, bức dân của người lãnh đạo. Làm sao dân tin khi thấy người lãnh đạo nhưng lại không tuân thủ luật pháp, sống bê tha, vô lối trái ngược với luật pháp và đạo đức xã hội...

Ở khía cạnh này, có thể ví người làm lãnh đạo như các “ngôi sao” trên các sân khấu ca nhạc, thời trang, thể thao… Một kiểu người của công chúng, của số đông. Họ rất dễ được để ý, được nhìn ngắm, được “quan tâm”. Làm lãnh đạo vì thế là vinh dự lớn lao, nhưng vừa là trách nhiệm vô cùng nặng nề. Cái gốc đạo đức cách mạng là gốc rễ của mọi niềm tin. Chỉ khi dân tin, dân đồng lòng chia sẽ với mọi công việc, mọi vất vả của sự nghiệp cách mạng thì người lãnh đạo mới hoàn thành nhiệm vụ của mình trước nhân dân và trước dân tộc.

Bác Hồ nói “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Trong sự nghiệp đổi mới, trước sự giao thoa của các giá trị văn hóa đến từ nhiều nơi khác nhau, người lãnh đạo càng phải đứng vững, để trước tiên đảm bảo được chính mình không bị cuốn theo những giá trị xấu chưa được sàng lọc.

Đứng vững và làm cho dân tin không dễ đối với những người được giao giữ quyền lực kèm theo những giá trị vật chất tương ứng và tất yếu mà họ nhận được. Thực trạng về sự hủ hóa, biến chất của nhiều quan chức, lãnh đạo, một số phải đưa tay vào còng sau những vụ việc tiêu cực, tham nhũng thời gian qua ở nước ta là sự xúc phạm giá trị người cách mạng. Bác Hồ kính yêu của chúng ta sẽ vô cùng đau đớn vì những điều như thế.

Bài học về đạo đức cách mạng luôn mới mẻ và nóng hổi tính thời sự. Sao nhãng việc rèn giũa đạo đức cách mạng trong sự nghiệp đổi mới đất nước hôm nay sẽ buộc chúng ta trả giá đắt cho tương lai. Nguyện vọng và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "dân cường, nước mạnh, nhân dân ấm no hạnh phúc" cần phải được cụ thể hóa bằng những hành động thấm đẫm những giá trị về đạo đức cách mạng theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Người.

Khi ấy, mỗi người, mỗi nhà, mỗi khu phố, xóm thôn, làng xã… đều sống với tinh thần của một người làm “cách mạng”...

Một phần của tài liệu Bác Hồ với thế hệ trẻ (Trang 38 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(45 trang)
w