Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam

Một phần của tài liệu LUANVANTHACSIKINHTE (Trang 28 - 32)

c. Định hướng phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng đến năm

1.3.2.Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam

Cùng với đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, việc thu hút, sử dụng FDI được coi là công cụ, đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc CNH, HĐH đất nước. Khởi đầu từ năm 1987 với việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hoạt động FDI ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế, tăng cường thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế. Thời kỳ 2001 – 2005, vốn FDI có chuyển biến tích cực, tổng mức vốn đăng ký đạt 20,9 tỷ USD, vượt trên 39% so với kế hoạch; tổng vốn thực hiện 14,3 tỷ USD, vượt 30% so với kế hoạch và tăng 13,6% so với 5 năm trước. Năm 2005, các doanh nghiệp FDI đóng góp 15,9% GDP, chiếm 31,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (chiếm khoảng 50% nếu tính cả dầu khí), đóng góp gần 10% tổng thu ngân sách nhà nước (tính cả dầu khí thì trên 36%), tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp [18, tr.152-153].

Tuy nhiên, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn dưới mức khả năng. Vốn đầu tư thực hiện tuy tăng qua các năm nhưng tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội không tăng do tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức tăng vốn đầu tư trong nước. Tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm từ 24% trong thời kỳ 1996 – 2000 xuống còn 16,6% trong thời kỳ 2001 – 2005 [4, tr.33]. Năm 2006, vị thế Việt Nam được nâng lên rõ rệt và các nhà đầu tư đánh giá rất cao địa bàn đầu tư Việt Nam. Vốn FDI vào Việt Nam năm 2006 lại tăng lên nhanh chóng, chiếm trên 30% tổng vốn đầu tư xã hội, đánh dấu thời kỳ phát triển mới của vốn FDI ở Việt Nam.

Tính đến ngày 20 tháng 11 năm 2006, cả nước có 6.764 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 59,06 tỷ USD, bình quân mỗi năm thu

hút được 375 dự án với tổng số vốn đăng ký 3,28 tỷ USD (mỗi dự án bình quân 9 triệu USD) [6]. Đây là những con số đáng kể đối với một quốc gia vừa mới chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường so với một số nước trong khu vực.

Thu hút FDI ở Việt Nam được chia thành một số thời kỳ. Những năm 1988 - 1990 là thời kỳ đầu tiên FDI chính thức xuất hiện trong nền kinh tế nước ta với việc thực hiện các chính sách ưu đãi được công bố trong Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI. Năm đầu tiên thu hút được 37 dự án với 371 triệu USD, hai năm sau số dự án được cấp phép lên tới 213 dự án với tổng vốn đăng ký 1,793 tỷ USD. Thời kỳ này, tốc độ tăng số dự án và lượng vốn thu hút vào loại cao, quy mô vốn đạt trung bình 8,4 triệu USD/dự án [2, tr.22].

Thời kỳ 1991 - 1995: thời kỳ này Luật Đầu tư nước ngoài được sửa đổi hai lần vào các năm 1990 và 1992. Qua 5 năm thực hiện, số dự án được cấp phép đã tăng nhanh gấp 6,2 lần thời kỳ 1988 - 1990 với tổng vốn đầu tư đăng ký gấp 9,3 lần. Riêng năm 1995 là năm có số dự án và vốn được cấp phép cao nhất. Quy mô vốn trung bình 12,5 triệu/dự án [2, tr.22].

Thời kỳ 1996 - 2000: Năm 1996 là năm có số vốn đăng ký FDI được cấp phép đạt cao nhất. Từ năm 1997 trở đi, cả số dự án lẫn lượng vốn đã suy giảm, thấp nhất vào năm 1999, giảm 60% vốn đăng ký so với năm trước. Tình hình suy giảm FDI chủ yếu là do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính – tiền tệ khu vực cũng như do môi trường đầu tư của nước ta thời kỳ này kém hấp dẫn. Tuy vậy, thời kỳ này tổng số vốn và dự án vẫn cao, đạt 1.627 dự án với 20,6 tỷ USD vốn đăng ký; tăng 1,2 lần về số dự án và 1,23 lần về vốn so với thời kỳ 1991 - 1995 [2, tr.23].

Thời kỳ 2001 đến nay: năm 2001 bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, sang năm 2002, tình hình thu hút FDI lại kém đi. Năm 2005 và 11 tháng đầu năm 2006 đánh giá sự chuyển biến tích cực trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tính chung, trong 11 tháng đầu năm 2006 đã có 736 dự án được cấp giấy phép với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 6,15 tỷ USD, tăng 60,7% về vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2005, các dự án mới tập trung chủ

yếu vào ngành công nghiệp và xây dựng, chiếm 67,1% về số dự án và 72,1% tổng vốn đăng ký; nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 6,5% về số dự án và 1,7% tổng vốn đăng ký; ngành dịch vụ chiếm 26,4% về số dự án và 26,2% tổng vốn đăng ký. Có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam với các đối tác chính vẫn là các nhà đầu tư Châu Á. Hàn Quốc đã vượt qua Hồng Kông để dẫn đầu trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, chiếm 31,4% tổng vốn cấp mới; tiếp theo là Hồng Kông chiếm 13,6% tổng vốn cấp mới; Hoa Kỳ đứng thứ 3 chiếm 10,3% tổng vốn cấp mới; Nhật Bản đứng thứ 4 chiếm 9,5% tổng vốn cấp mới. Nếu tính cả một số dự án của Hoa Kỳ đầu tư thông qua nước thứ ba thì Hoa Kỳ đứng thứ hai. Quy mô vốn đầu tư trung bình cho một dự án trong 11 tháng đầu năm 2006 đạt 8,4 triệu USD/dự án. Trong 11 tháng đầu năm 2006, tổng số dự án tăng vốn đầu tư là 439 dự án với tổng vốn tăng là 2,1 tỷ USD; tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2005. Tính chung cả dự án cấp mới và tăng vốn, trong 11 tháng đầu năm 2006, tổng vốn đăng ký đạt 8,2 tỷ USD; tăng 47,4% cùng kỳ năm 2005 và vượt 31,7% kế hoạch ban đầu cả năm (6,5 tỷ USD). Nhờ việc tăng cường quản lý, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án và việc đầu tư mở rộng sản xuất của các dự án nên vốn đầu tư thực hiện tiếp tục tăng. Trong 11 tháng năm 2006, vốn đầu tư thực hiện đạt 3,6 tỷ USD; tăng 18,7% so với cùng kỳ; bằng 87,8% kế hoạch đã hiệu chỉnh của năm 2006 (4,1 tỷ USD) [6].

Xét về phân bố FDI theo các ngành và lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế: nhìn chung cơ cấu sử dụng vốn FDI từ năm 1991 trở lại đây luôn có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH đất nước. Tính từ 1988 đến ngày 20/11/2006, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất; chiếm 67,5% về số dự án (4.572 dự án) và 63,06% về số vốn đầu tư đăng ký (37,2 tỷ USD). Tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ; chiếm 20,1% về số dự án (1.364 dự án) và 30,3% về số vốn đầu tư đăng ký (17,9 tỷ USD); số còn lại thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp [6].

Về hình thức đầu tư: hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài chiếm 76,05% về số dự án và 57,7% về tổng vốn đầu tư đăng ký; hình thức liên

doanh chiếm 20,8% về số dự án và 33,5% vốn đầu tư đăng ký; số vốn đầu tư còn lại thuộc hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, BOT, công ty cổ phần và công ty quản lý vốn [6].

Về cơ cấu nguồn vốn FDI theo đối tác đầu tư: trong 76 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam, các nước Châu Á có vốn đầu tư lớn nhất, chiếm 67% tổng vốn đăng ký, các nước Châu Âu chiếm 29% tổng vốn đăng ký, các nước Châu Mỹ chiếm 4% vốn đăng ký. Riêng 5 nền kinh tế đứng đầu trong đầu tư vào Việt Nam là Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông đều là các thành viên nền kinh tế APEC, đã chiếm tới 66,8% tổng số vốn đầu tư đăng ký. Bước sang năm 2006, một xu hướng đáng lưu ý là sự tăng mạnh về số lượng và quy mô đầu tư của các công ty Hoa Kỳ và Nhật Bản. Các công ty lớn, có công nghệ cao đã chính thức đầu tư với quy mô dự án lớn (từ 500 triệu đến 1 tỷ USD).

Về cơ cấu FDI theo địa phương và các vùng kinh tế: đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi thuộc các vùng kinh tế trọng điểm. Riêng 4 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu) chiếm 62,5% tổng số dự án ; 57,1% tổng số vốn đầu tư đăng ký; 47,8% tổng vốn thực hiện của cả nước.

Đánh giá chung, thu hút FDI của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng kể, kịp thời bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, nâng cao năng lực xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. FDI góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, tăng khả năng cạnh tranh trong nội bộ nền kinh tế và khả năng cạnh tranh quốc gia. FDI còn góp phần tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, doanh nghiệp Việt Nam được khuyến khích từng bước đầu tư ra nước ngoài để mở rộng thị trường. FDI đã góp phần mở rộng hợp tác đầu tư với nước ngoài, nâng cao quan hệ quốc tế, tăng cường thế và lực của Việt Nam, đẩy nhanh tiến trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế

thế giới và khu vực [8, tr.19]. Tuy nhiên, FDI của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng. Lý do chủ yếu là do chính sách đầu tư cũng còn nhiều tồn tại; cơ chế điều hành còn chưa nhất quán; thủ tục hành chính còn có những bất cập; chưa quan tâm đúng mức đến người lao động; chưa có chiến lược và kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư, thông tin chưa được cập nhật, cung cấp chưa có hệ thống.

Một phần của tài liệu LUANVANTHACSIKINHTE (Trang 28 - 32)