IV. Những yếu tố bên ngoài tác động đến phát triển kinh tế-xã hội tỉnh quảng trị trong thời gian tớ
2. Yếu tố trong nước
2.1. Chiến lược phát triển đất nước đến năm 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 của cả nước. kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 của cả nước.
- Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước thời kỳ đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát: “Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được bước chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần của nhân dân. Tạo được nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.” Mục tiêu cụ thể của Đại hội X là sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển trước năm 2010.
Trong định hướng phát triển các vùng cũng xác định rõ: “Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung cần chú trọng tăng cường các biện pháp hữu hiệu để phòng, chống thiên tai; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, khai thác cảng biển, vận tải biển, phát triển công nghiệp lọc hoá dầu, sản xuất vật liệu xây dựng, thuỷ điện, du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, trồng cây công nghiệp; phát triển có hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển gắn với các cảng biển, các đô thị mới và tuyến hành lang Đông - Tây”.
Quảng Trị nằm ở vị trí trung điểm đất nước, chịu tác động trực tiếp của các dự án lớn mang ý nghĩa quốc gia như nâng cấp đường Hồ Chí Minh; xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam; xây dựng tuyến đường ven biển. Một số ngành, lĩnh vực trên địa bàn Quảng Trị mang ý nghĩa cả nước được định hướng phát triển mạnh như khai thác Hành lang kinh tế Đông-Tây, Khu KTTMĐB Lao Bảo; đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; mở rộng giao lưu và hợp tác với Lào và các nước trong Khu vực v.v.
Trên cơ sở những định hướng chiến lược phát triển chung của cả nước, tỉnh Quảng Trị cần đề ra những định hướng phát triển cho phù hợp với xu thế chung, thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong phát triển kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội để tiến kịp cùng các tỉnh trong cả nước.
2.2. Qui hoạch tổng thể KT-XH dải ven biển miền Trung đến năm 2020.
Trong Qui hoạch tổng thể kinh tế-xã hội dải ven biển miền Trung đến năm 2020, với cách tiếp cận theo mục tiêu đưa miền Trung đuổi kịp mức GDP/người bình quân cả nước trước 2020, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP toàn vùng giai đoạn 2006-2010 đạt khoảng 10,5%/năm; trong các thời kỳ 2011 - 2015, 2016 - 2020 sẽ tăng tương ứng 12%, 14%. Đến năm 2020, miền Trung cơ bản là vùng phát triển công nghiệp: trong cơ cấu kinh tế của vùng ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng ưu thế. GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 13,1 triệu đồng năm 2010, đạt 28,3 triệu đồng và tăng lên 67,2 triệu đồng vào năm 2020 (tương đương 3.205 USD).
Trong qui hoạch dự kiến đầu tư một số dự án trọng điểm có tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Trị như xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt, Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ; xây dựng nhà máy xi măng Cam Lộ; hình thành phát triển khu công nghiệp KCN Quán Ngang; nâng cấp các tuyến đường quan trọng như quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển. Khai thác hiệu quả hơn Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo; khai thác du lịch đường Hồ Chí Minh huyền thoại, phát huy tiềm năng lợi thế hành lang Đông-Tây v.v. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực trọng điểm Đông Hà. Tăng cường hợp tác, liên kết, đối ngoại với các nước bạn Lào, Thái Lan v.v.
Định hướng dầu tư dự án trọng điểm nêu trên là cơ sở để Quảng Trị xác định vai trò, vị trí của tỉnh trong vùng miền Trung, từ đó đề ra những phương hướng, mục tiêu cụ thể cần phấn đấu, tập trung các nguồn lực để đầu tư và hợp tác đẩy nhanh kinh tế-xã hội tỉnh phát triển, nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh và đóng góp xứng đáng cho nền kinh tế chung của vùng và cả nước.