Các dạng tai biến, rủi ro môi trường khác liên quan tới nước

Một phần của tài liệu Giáo trình Tài nguyên nước - Chương 1 (Trang 29 - 31)

Tai biến địa chất môi trường như trượt lở, sụt lún... có liên quan trực tiếp với hoạt động của nước ngầm tự nhiên, khai thác nước ngầm, thay đổi chế độ dòng chảy, thay đổi điều kiện địa hình, thực vật và các hoạt động nhân sinh khác.

Trượt đất là quá trình di chuyển chậm của những khối đất lớn, mà không làm đảo lộn tính nguyên khối của nó. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng trượt đất là do nước ngầm gây xói ngầm vùng đáy khối trượt, làm suy yếu lực liên kết giữa khối trượt và thân sườn dốc. Điều kiện cấu trúc thuận lợi sinh trượt đất là: các tầng đá nằm nghiêng theo chiều dốc của sườn, có sự xen kẽ các tầng thấm nước và chắn nước, nhất là khi có nhiều tầng hoặc thấu kính sét xen với các tầng cát kết, bột kết, có lượng nước ngầm tương đối phong phú và có hệ thống khe nứt phát triển trên mặt sườn. Trượt đất tăng cường khi có các công trình nặng, hoặc tưới nước quá mạnh ở mép sườn dốc.

Sụt lún đất có thể xảy ra tại những vùng nước dưới đất bị khai thác vượt quá khả năng tái tạo làm cho các tầng đất chứa nước bị rỗng và giảm khả năng chịu tải. Sụt lún cũng xảy ra tại những vùng caxtơ, vùng dễ bị rửa trôi, hòa tan ngầm tạo ra những vòm hang càng ngày càng mở rộng lên phía mặt đất, tới lúc vòm hang không đủ dày để chống đỡ với sức mạnh của chính nó thì nó có thể sẽ sụt xuống, hình thành các hồ tiềm thực.

Suy thoái tài nguyên đất trong một số trường hợp có liên quan trực tiếp với nước, như chua hoá, mặn hoá thứ sinh đất, sa mạc hoá...

Nước còn là nguyên nhân gián tiếp gây nên một số bệnh như: Bệnh do vi khuẩn:

Bệnh tả, thương hàn, phó thương hàn, lỵ thường liên quan với nước bị nhiễm phân người bệnh. Vi khuẩn thương hàn có thể sống trong giếng 4 tuần, trong nước hồ và sông 25 ngày; Vi khuẩn lỵ sống được 6 - 7 ngày trong nước.

Bệnh do brucella gây sốt làn sóng, thường gặp ở vùng nuôi dê, cừu. Bệnh do siêu vi khuẩn (vi rut):

Viêm gan siêu vi có thể truyền qua sò hến sống trong vùng nhận nước thải sinh hoạt bởi loại vi rut thuộc nhóm salmonella. Siêu vi khuẩn viêm gan sống được trong nước giếng 6 tuần.

Bệnh do adenovirut: nhiễm từ nguồn phân và nước thải sinh hoạt, gây nhiễm khuẩn cấp diễn. Một số loại gây viêm kết mạc thường gặp khi tắm ở các ao hồ, hồ chứa bị nhiễm adenovirut.

Bệnh do vật chủ trung gian truyền bệnh sống trong môi trường ẩm ướt như:

Sán lá phổi: vật chủ trung gian truyền bệnh là cua suối. Việt Nam đã từng phát hiện được ổ bệnh ở vùng Sìn Hồ (Lai Châu), liên quan trực tiếp với thói quen ăn cua nướng chưa chín của cư dân địa phương. Bệnh có biểu hiện giống như lao phổi, gây suy giảm sức khoẻ và tử vong.

Bệnh sán máng (chân voi): vật chủ trung gian là ốc sên thuỷ sinh hay lưỡng cư, phát triển tốt trong nước có nhiều cỏ và chất hữu cơ, đặc biệt dễ sống trong các hệ thống thuỷ lợi. Trên thế giới, bệnh này xảy ra ở 76 nước, với khoảng 200 triệu dân nhiễm kí sinh trùng. Bệnh làm cho chân phình to, sức khoẻ và sức lao động suy giảm.

Sốt do muỗi, đáng chú ý là sốt rét, sốt xuất huyết, sốt đăng gơ, sốt rét đe doạ khoảng 2 tỷ người trên Trái Đất, trong đó có khoảng 240 triệu người lúc nào cũng có ký sinh trùng sốt rét và hàng năm có khoảng 100 triệu người phải điều trị chứng bệnh này. Vec tơ truyền bệnh là

muỗi Anôphen, có ấu trùng đa phần phát triển trong nước ngọt sạch, giàu ôxy và một số ít ưa sống trong vùng nước giàu hữu cơ hoặc hơi mặn. Đặc điểm này dẫn đến nguy cơ bùng nổ dịch sốt rét theo mùa vụ, khi thì do khô hạn làm nồng độ muối cao thuận lợi cho sự phát triển của loài ưa mặn, lúc lại liên quan với sự dồi dào nguồn nước ngọt. Thành phần hoá học của nước còn có ảnh hưởng gián tiếp đến các tập đoàn muỗi thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật là thức ăn của ấu trùng muỗi phát triển, hay bằng cách ảnh hưởng đến các chất diệt muỗi có tính sinh học.

Theo Mather, chất lượng nước có thể trực tiếp tăng cường tác nhân truyền bệnh, hoặc tạo ra những điều kiện thuận lợi cho nó. Tác động của con người đến chất nước gây ảnh hưởng tới kích thước, thành phần tác nhân truyền bệnh và côn trùng có hại theo những cách sau: 1- Mở rộng mặt nước theo không gian và thời gian, làm tăng không gian sống cho sinh vật gây bệnh; 2- Làm biến đổi quần thể động thực vật thuỷ sinh, tạo điều kiện gia tăng đột biến các loài có hại; 3- Tác động trực tiếp đến tác nhân truyền bệnh.

Một phần của tài liệu Giáo trình Tài nguyên nước - Chương 1 (Trang 29 - 31)