Trong khu vực nghiên cứu tồn tại lớp đất yếu là lớp đất sét ở trạng thái dẻo chảy, dẻo mềm có hệ số rỗng e≥1, độ sệt B>1. Các lớp này phân bố ở các độ sâu khác nhau từ 0-47 m. Do đó có thể xảy ra một số trường hợp sau:
a) Nguy cơ sụt hang ngầm
Khi khoan qua các lớp đất sẽ làm phá vỡ kết cấu của đất. Nếu chúng ta không dùng các biện pháp bảo vệ thành hố khoan thì khi nước chảy xuống sẽ kéo theo vật liệu từ hai bên thành hố khoan xuống và làm đất rỗng dần ra tạo ra các hang ngầm trong các lớp đất đó. Do đó khả năng xảy ra sụt hang ngầm là rất lớn nhất là khi có tác dụng thêm của tải trọng (hình 4.4).
b) Các sự cố khi thi công hố đào
Trong thiết kế nhà cao tầng hiện nay ở Hà Nội, hầu hết đều có tầng hầm để giải quyết vấn đề đỗ xe và các hệ thống kỹ thuật của toàn nhà. Phổ biến là các công trình được thiết kế từ một đến hai tầng. Khi thi công tầng hầm cho các công trình nhà cao tầng, do một số nguyên nhân nên thường gây ra các sự cố khi thi công hố đào:
- Mất ổn định thành (mái) hố đào: sạt lở, trượt thành (mái) hố đào; - Lún mặt đất xung quanh hố đào;
- Đẩy trồi đáy hố đào; - Hư hỏng kết cấu móng và phần ngầm bên trong hố đào: phần đầu cọc của móng công trình bị chuyển dịch khỏi vị trí đã thi công trước khi đào; các kết cấu hoặc bộ phận kết cấu như lớp bê tông lót, bản móng thi công trong hố đào bị nứt, vênh làm giảm hoặc mất khả năng làm việc theo yêu cầu của thiết kế;
- Hư hỏng công trình lân cận hố đào như lún, dịch chuyển, nứt và biến dạng của kết cấu và công trình ở lân cận xung quanh.
Các sự cố đó xảy ra là do một số nguyên nhân chủ yếu:
- Khi thi công hố đào làm thay đổi trạng thái ứng suất, biến dạng trong đất nền xung quanh khu vực hố đào gây dịch chuyển của các lớp đất yếu từ bên ngoài vào phía trong hố đào;
- Hạ mực nước ngầm, tăng áp lực nước dưới đáy hố đào.