Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam đã đi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những tài sản qúy gía mà Bác để lại vẫn được các thế hệ con cháu giữ gìn và phát huy ở tầm cao mới. Một trong những tài sản quý giá đó là sự quan tâm của Bác đối với môi trường xanh gắn liền với Tết trồng cây được tổ chức đều đặn vào dịp Tết Nguyên đán suốt trong gần 50 năm qua..
Đồng chí Vũ Kỳ , người có vinh dự được phục vụ Bác trong hơn 20 năm (từ 1945 đến 1969) kể lại rằng lúc sinh thời đã có lần Bác nói đến mong muốn tạo một nền nếp về trồng cây trong nhân dân khắp cả nước mỗi khi Tết đến, Xuân về thay dần tập quán ăn uống nặng nề và tốn kém như hiện nay. Có lẽ xuất phát từ mong muốn đó mà Bác đã khởi xướng ra Tết trồng cây và Bác đã chủ động tham gia trồng cây khi có điều kiện. Đi nghỉ hoặc đi thăm nước ngoài một trong những lĩnh vực được Bác quan tâm là môi trường sinh thái ở nước bạn; trong đó tiêu biểu là chuyến Bác đi nghỉ ở Liên Xô (cũ) mùa hè năm 1959. Bác đã dành thời gian tìm hiểu mô hình kiến trúc đô thị từ xây dựng các đường phố rộng, sạch, đẹp đến tạo môi trường xanh mát với nhiều loại, nhiều lớp cây xanh. Bác tìm hiểu rất kỹ lợi ích, cách tổ chức trồng và chăm sóc cây và rừng trong thành phố, bảo đảm yêu cầu về môi trường sinh thái và đời sống xã hội. Khi về nước Bác đã gặp các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp lúc đó nói lại những điều tai nghe mắt thấy và nhắc nên tổ chức đi tham quan, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của bạn.
Ngày 10/1/1969 mặc dù bận nhiều việc lớn, nhưng Bác vẫn tranh thủ gặp đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp để trao đổi về nội dung bài báo “Tết trồng cây” Bác vừa dự thảo để đăng báo Nhân dân vào đầu tháng 2. Buổi gặp không chỉ dừng lại ở bài báo, mà còn đề cập đến những nội dung rộng lớn hơn về trồng cây, trồng rừng và giữ rừng của nước ta lúc bấy giờ. Nội dung này đã làm cơ sở cho việc định hướng hoạt động lâm nghiệp của những năm từ thập kỷ 70 trở đi.
Không phải ngẫu nhiên mà Tết Kỷ Dậu năm 1969 Bác lại đến xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây - một địa phương có phong trào khá về trồng cây theo lời kêu gọi của Bác và trên đồi Đồng Vàng với một rừng cây bạch đàn được nhân dân trồng từ Tết trồng cây đầu tiên Bác đã trồng một cây đa lưu niệm. Đây là cây đa cuối cùng Bác trồng vào dịp Tết trồng cây hàng năm. Ở trong nuớc và cả ở nước ngoài (nếu có điều kiện) Bác đều trồng cây đa vì theo Bác thời gian rụng lá của cây đa ngắn, nảy lộc nhanh, cành xum xuê và rễ lại bám rất chắc vào đất nên gió bão ít bị đổ. Vì vậy, những cây đa Bác trồng ở công viên Thống Nhất, ở huyện Đông Anh (ngoại thành Hà Nội ) ở đồi Vật Lại... và cả các cây khác Bác trồng ở một số nước; trong đó có 4 cây đại ở công
viên Găng Đi (Ấn Độ) được trồng vào các năm 1958, 1960, 1961, 1962 trong các lần Bác đi thăm nuớc này đều phát triển tốt và tỏa hương thơm.
Từ năm 1959, Bác đã viết một số bài báo với bút danh T.L. và Trần Lực đăng trên báo Nhân dân biểu dương những địa phương, tập thể và cá nhân trồng cây giỏi, phê phán và uốn nắn những lệch lạc trong quá trình thực hiện Tết trồng cây; đồng thời nêu lên những kinh nghiệm, những bài học hay về chăm sóc cây bảo đảm hiệu quả kinh tế. Đặc biệt bài “Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 1/1/65, Bác tổng kết 5 năm Tết trồng cây với những con số có ý nghĩa: “Tết trồng cây phổ biến từ mùa xuân năm 1960, 5 năm miền Bắc trồng trên 375 triệu cây các loại và trên 200 triệu cây bảo vệ đê biển... “Bác kết luận bài viết bằng hai câu thơ mang ý nghĩa sâu sắc về trồng cây mà hầu như người dân nào cũng thuộc. Đó là:
Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân
Lại một Tết trồng cây nữa đến mà không có Bác tham gia trồng cây. Nhưng vườn cây do Bác ươm mầm vẫn tươi xanh và phát triển tốt, góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh.