Nhà nước cần ban hành các cơ chế, chính sách, các tiêu chuẩn cụ thể đối với hướng dẫn viên. Cần có các quy định chặt chẽ về thẻ hành nghề, cũng như các chế tài xử phạt nghiêm minh.
Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ lữ hành thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết cuối quý I này, Tổng cục đã ra thông tư hướng dẫn thi hành nghị định 92/2007/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Khi đó, vụ lữ hành sẽ bắt đầu thực hiện việc đổi thẻ cho hướng dẫn viên quốc tế. Trước đây, tổng cục không cấp thẻ cho hướng dẫn viên nội địa, những người này chỉ dùng thẻ do các doanh nghiệp lữ hành cấp thì nay họ cũng sẽ được cấp thẻ hành nghề.
Theo ông, thủ tục đổi thẻ cho hướng dẫn viên quốc tế và cấp thẻ cho hướng dẫn viên nội địa khá đơn giản. Hướng dẫn viên sẽ vào trang web của ngành để tải mẫu đơn về, điền các nội dung yêu cầu sau đó gởi đến Sở Du lịch sở tại. Vụ lữ hành sẽ chỉ nhận những đơn hợp lệ từ các sở và cấp thẻ trong vòng 15 ngày.
Thẻ mới sẽ là thẻ từ, có thời hạn ba năm. Hết hạn, chủ thẻ phải trải qua một cuộc bồi dưỡng, kiểm tra trình độ, nếu đạt yêu cầu mới được cấp thẻ. Hiện nay,
thẻ hướng dẫn viên không quy định mức thời hạn. "Điều kiện này sẽ giúp ngành du lịch đảm bảo được chất lượng của hướng dẫn viên", ông Bình khẳng định.
Hiện Vụ du lịch đang chuẩn bị hai trang web cho hướng dẫn viên. Ngoài ra, đây cũng sẽ là nơi cho du khách, doanh nghiệp có thể thấy danh sách của tất cả các hướng dẫn viên có thẻ, thông tin về hoạt động của những người này cũng như là địa chỉ để các hướng dẫn viên tìm việc.
KẾT LUẬN
Có thể nói, Chất lượng hướng dẫn viên hiện nay không đảm bảo là do một số nguyên nhân chủ yếu như: số lượng hướng dẫn viên không cân bằng với nhu cầu, đặc biệt là hướng dẫn viên có trình độ, chương trình đào tạo còn chưa sát với thực tế, quy mô đào tạo chưa đủ đáp ứng…
Trong khuôn khổ một bài nghiên cứu nhỏ, em chỉ xin nêu ra một số nhận định, đánh giá về chất lượng nguồn hướng dẫn viên trong các doanh nghiệp du lịch hiện nay, và một số ý kiến, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng nguồn hướng dẫn viên.
Với năng lực của một sinh viên, còn có nhiều hạn chế, bài nghiên cứu sử dụng và tổng hợp chủ yếu là các dữ liệu thứ cấp. Tuy nhiên, em cũng xin đóng góp một vài ý kiến nhỏ.
Hy vọng trong tương lai không xa, chất lượng nguồn hướng dẫn viên trong các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sẽ được cải thiện và nâng cao, ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới, để Việt Nam mãi là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa./.