MỘT SỐ NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ CỦA BẢN THÂN:

Một phần của tài liệu Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2000 - 2010 (Trang 27 - 29)

“Chương trình hành động quốc gia về du lịch năm 2000” được thông qua và triển khai đã đem đến những chuyển biến tích cực cho ngành du lịch Việt Nam. Số khách du lịch đạt vượt mức kế hoạch 2 triệu lượt khách trong năm 2000. Hoạt động du lịch đã thu hút được sự chú ý của toàn dân và xã hội. Trên trường quốc tế, hình ảnh về du lịch Việt Nam đã trở nên rõ nét hơn. Song bên cạnh những thành tựu du lịch Việt Nam đã đạt được, còn có những tồn tại cần khắc phục để có thể thực hiện tốt chiến lược phát triển của ngành, giai đoạn 2000 –2010:

+ Trong công tác quản lý về du lịch ở các cấp còn có những bất cập, tình trạng chồng chéo về quản lý, sự không thống nhất giữa những văn bản quản lý về du lịch ở các địa phương với Tổng cục Du lịch, đã gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp du lịch.

+ Ngành du lịch còn thiếu nhiều nhân viên giỏi về chuyên môn, thạo ngoại ngữ, hiểu biết lịch sử, văn hoá dân tộc, biết cách quản lý kinh doanh, đặc biệt là đội ngũ kinh doanh lữ hành giỏi.

+ Các sản phẩm du lịch tuy được cải tiến về chất lượng, đa dạng hóa về loại hình song so với các nước khác trong khu vực vẫn còn thua kém. Mặt khác, khách du lịch đến Việt Nam thường phải chịu mức giá cả đắt hơn so với tiêu dùng các dịch vụ du lịch ở các nước lân cận như: Lào, Campuchia, Thái lan...Thêm vào đó, việc kết nối tour với các nước trong khu vực chưa được phát triển.

+ Môi trường du lịch ở các điểm du lịch chưa thực sự lành mạnh, tình trạng chèo kéo khách, bán đắt cho khách quốc tế đã gây những ảnh hưởng xấu trong tâm lý của khách.

+ Kinh doanh lữ hành là một mảng quan trọng trong phát triển du lịch, do nó thực hiện chức năng kết nối giữa cung và cầu trong du lịch song kinh doanh lữ hành Việt Nam những năm qua còn nhiều tồn tại. Một thực tế là hiện nay còn thiếu môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp lữ hành, các doanh nghiệp cạnh tranh thiếu lành mạnh dẫn đến sự giảm giá các tour du lịch, bị đối tác nước ngoài ép giá. Kinh doanh lữ hành quốc tế hầu như chưa có các đại diện của Việt Nam tại các thị trường trọng điểm.

+ Nguồn vốn đầu tư cho công tác marketing du lịch còn hạn hẹp. Hoạt động marketinh chỉ mới có kết quả ở các thị trường du lịch lận cận, chưa vươn tới được các thị trường tiềm năng khách du lịch tiêu dùng lớn.

Trong tương lai, để đạt tới các mục tiêu phát triển của ngành, du lịch Việt Nam cần thực hiện những vấn đề sau:

+ Kiện toàn hệ thống văn bản pháp lý về kinh doanh du lịch, kinh doanh lữ hành nhằm tạo sự thống nhất trong chỉ đạo phát triển du lịch ở các cấp, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp du lịch.

+ Ngành cần có kế hoạch cụ thể để đào tạo đội ngũ du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển của ngành ở mỗi giai đoạn. Nên có sự hợp tác với nước ngoài trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch.

+ Nên có các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành quốc tế hoạt động kinh doanh. Tổng cục Du lịch nên tổ chức quảng bá ở các thị trường trọng điểm, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước thu hút khách. Bản thân các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải nỗ lực trong công tác hợp tác quốc tế về nhận, gửi khách, nhằm tạo ra các mối quan hệ song phương với các đối tác, tạo những ưu tiên cho khách du lịch 2 nước, để có thể giảm giá các tour du lịch, khuyến khích khách tới Việt Nam.

+ Cần nhanh chóng giải quyết các nạn chèo kéo, khách ở các điểm du lịch, thực hiện các quy định về an ninh, an toàn tại các điểm du lịch nhằm tạo môi trường lành mạnh tại các điểm du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường cần giữ gìn, tôn tạo tài nguyên du lịch nhằm duy trì giá trị điểm đến, tạo ấn tượng tốt cho khách du lịch về du lịch Việt Nam nói riêng, đất nước, con người Việt Nam nói chung.

+Trong những năm tới, công tác marketing cần được chú trọng hơn, đội ngũ lao động trong lĩnh vực này cần am hiểu chuyên môn và nhạy bén với những thay đổi của thị trường, đưa ra các giải pháp marketinh phù hợp để tận dụng có hiệu quả các cơ hội marketing của ngành. Mặt khác, Tổng cục Du lịch cần có kế hoạch để thống nhất các chiến lược marketing lớn nhằm đạt hiệu quả khi triển khai ở các doanh nghiệp.

Bên cạnh những giải pháp trên, ngành du lịch cần chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch. Ngày nay, công nghệ thông tin đang trở thành một yếu tố không thể thiếu ở các quốc gia phát triển du lịch. Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của các nước này và áp dụng vào thực tiễn hoạt động kinh doanh du lịch ở Việt Nam.

Mặt khác, hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch cũng là một biện pháp để du lịch Việt Nam nhanh chóng hội nhập với các nước trong khu vực. Việt Nam có thể thu hút vốn nước ngoài đầu tư về đào tạo nhân lực, đầu tư các dự án xây dựng các khu du lịch trọng điểm. Tổng cục có thể mời các chuyên gia về du lịch ở các nước du lịch phát triển như Pháp, Mỹ...đóng góp ý kiến cho quá trình khảo sát, xây dựng chiến lược, cũng như triển khai thực tế nhằm đạt hiệu quả cao trong việc khai thác các tour, du lịch cụ thể, việc triển khai các chương trình marketing, tổ chức các hội chợ du lịch...

Như vậy, phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2000 – 2010 cần giữ vững định hướng cơ bản của ngành trong thế kỷ mới là: phát triển du lịch theo hướng văn hoá - lịch sử, sinh thái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Những định hướng cơ bản này cần được cụ thể hoá trong từng dự án, từng mục tiêu cụ thể của kế hoạch hoạt động, tạo ra sự riêng biệt hấp dẫn cho sản phẩm du lịch Việt Nam, đưa du lịch Việt Nam vững bước tiến vào thế kỷ mới, tự tin hội nhập cùng thế giới, với vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Một phần của tài liệu Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2000 - 2010 (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(29 trang)
w