VIỆT NAM TRONG KHU VỰC CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
3.1. Hoàn thiện thể chế thị trường lao động
Nhằm tạo hành lang pháp lý, đảm bảo bình đẳng, hài hoà lợi ích giữa người lao động, người sử dụng lao động và lợi ích chung:
Hoàn thiện đồng bộ, kịp thời hệ thống pháp luật về thị trường lao động, các văn bản quy phạm pháp luật như sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, nghiên cứu xây dựng Luật việc làm, Luật tiền lương tối thiểu; hướng dẫn Luật dạy nghề, Luật bảo hiểm xã hội, Luật người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Phê chuẩn các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế liên quan đến thị trường lao động như Công ước số 122 về chính sách việc làm, Công ước số 131 về ấn định tiền lương tối thiểu đặc biệt đối với các nước đang phát triển, Công ước số 88 về tổ chức dịch vụ việc làm, Công ước số 142 về hướng nghiệp và đào tạo nghề trong phát triển nguồn nhân lực, Công ước của Tổ chức lao động Quốc tế liên quan tới an toàn vệ sinh lao động;
Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm của chính quyền điạ phương trong quản lý nhà nước về lao động, người sử dụng lao động; đơn giản các thủ tục hành chính trong cấp phép cho người lao động nước ngoài, cho dịch vụ cung ứng lao động; xây dựng quan hệ lao động lành mạnh trong doanh nghiệp;
Tiếp tục hoàn thiện các chính sách thị trường lao động, bao gồm cả những chính sách thị trường lao động chủ động và thụ động, đặc biệt là xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo đúng lộ trình bắt đầu thực hiện vào năm 2009.
3.2. Phát triển cung lao động
Huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho phát triển giáo dục và đào tạo. Tăng cường giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về trình độ học vấn
và trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng tay nghề; thực hiện liên thông giữa các cấp trình độ; gắn giáo dục, đào tạo với việc làm, với nhu cầu của thị trường.
Tạo thuận lợi cho việc di chuyển lao động, đặc biệt di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp, khu chế xuất; chuyển từ các biện pháp hạn chế di chuyển sang các biện pháp quản lý lao động di chuyển, tạo điều kiện sinh hoạt và cơ hội làm việc tốt hơn, công bằng hơn cho lao động (nhà ở, công trình phúc lợi…).
3.3. Phát triển cầu lao động
Để phát triển cầu lao động trong khu vực này thì trước hết cần có những giải pháp nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cụ thể là:
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư nước ngoài theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo tính minh bạch và dễ tiên đoán, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc vận động, xúc tiến đầu tư tại các địa bàn trọng điểm như Nhật Bản, Mỹ, EU dưới nhiều hình thức; xây dựng Quỹ xúc tiến đầu tư quốc gia; triển khai có hiệu quả Sáng kiến chung Việt - Nhật về nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam và thực hiện Thỏa thuận hợp tác Việt Nam - Singapore về thu hút đầu tư từ nước thứ ba…
3.4. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động
Phát triển hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm: chuyển từ hình thức đầu tư dàn trải sang đầu tư có trọng điểm; tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ và thường xuyên tại các trung tâm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kết nối cung cầu lao động.
Phát triển hệ thống thông tin, thống kê thị trường lao động thông qua điều tra, khảo sát, xử lý và lưu giữ thông tin về thị trường lao động, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia vè thị trường lao động.
Thành lập trung tâm quốc gia về dự báo và thông tin thị trường lao động đặt tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhằm hình thành một hệ thống đồng bộ từ thu nhập, xử lý thông tin tới phân tích, dự báo, quản lý và cung cấp thông tin thị
trường lao động theo các cấp trình độ, các ngành nghề lĩnh vực, góp phần đảm bảo đáp ứng nguồn lao động lành nghề cho các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp theo yêu cầu về số lượng, chất lượng.
KẾT LUẬN
Đánh giá nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp FDI cho thấy nhìn chung lao động làm việc trong khu vực FDI có yêu cầu về trình độ cao hơn nhiều trong khu vực nhà nước và ngoài quốc doanh. Điều này khiến các doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút lao động làm việc cho mình, bởi lẽ nguồn cung lao động dịch chuyển từ khu vực nhà nước và ngoài quốc doanh khó có thể thoả mãn nhu cầu trình độ của các doanh nghiệp FDI. Điều này là một trong những cản trở trong việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Với tốc độ cam kết vốn FDI hiện nay, nếu không có sự chuẩn bị về nguồn lực lao động và có chính sách kinh tế hợp lý khuyến khích dịch chuyển lao động có tay nghề thì việc mất vị thế của Việt Nam dưới con mắt các nhà đầu tư nước ngoài là rất đáng lo ngại. Vì vậy, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng cần có những giải pháp thiết thực cho thị trường lao động nhằm góp phần xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn.