Trong thời gian Đại hội Đảng 8, tôi có dịp theo dõi bài phát biểu của các đại biểu đủ mọi ngành nghề trên tivi, báo chí. Hầu hết, họ đều có nhắc đến nhóm từ "sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa" không chỉ một lần. Điều đó cũng đủ nói lên tầm quan trọng của sự nghiệp này trong những năm sắp tới của đất nước ta. Nhìn vào thực tế thì Việt Nam bị xếp vào những nước nghèo trên thế giới và nhất là nghèo về thông tin dẫu rằng những năm qua chúng ta đã đạt được một số thành tích nhất định về kinh tế. Chúng ta thành công nhờ cơ chế mở cửa với thế giới bên ngoài. Nhưng cũng có thất bại vì nhiều lý do trong đó có lý do thiếu thông tin: thiếu thông tin tại chỗ, thiếu thông tin về đối tác, thiếu phương pháp xử lý thông tin hiện đại dựa trên cơ sở hệ thống máy tính và mạng máy tính.
Khi gia nhập mạng Internet sẽ có một lợi thế rất lớn đó là quyền truy nhập vào tất cả các kho dữ liệu điện tử cài đặt trên máy chủ ở các quốc gia khác nhau. Tài liệu về chính trị, luật pháp, nghiên cứu khoa học, tin tức, hội họa, nghệ thuật, các loại sách mới xuất bản, tin tức về thị trường chứng khoán, giá cả thị trường, giới thiệu các mặt hàng... được cập nhật liên tục trên mạng. Các hãng thông tấn lớn trên thế giới đều dùng Internet để đưa tin. Ngồi tại Tokyo truy cập qua mạng có thể biết được giờ tàu ở Paris, chàng sinh viên ở New York có thể dự lớp tiếng Việt ở Hà Nội.
Trong một "cộng đồng ảo" (virtual communit), người ta có thể dùng thư tín điện tử để cùng bàn một vấn đề hết sức nhanh chóng và hiệu quả trong khi vẫn ở rất xa nhau trên trái đất. Nhiều công ty lớn đã bắt đầu giao dịch bán hàng trên Internet. Người Việt sống xa tổ quốc sẽ rất cảm động nếu được nhìn thấy tin tức nóng hổi từ báo chí Việt Nam xuất bản hàng ngày trên những trang WEB. Nhiều công ty đã lưu trữ các tài liệu kỹ thuật trên Internet nhằm giúp người sử dụng xa hàng ngàn dặm có thể truy nhập nhanh chóng và tìm ra giải đáp. Các hãng bán máy tính, ô tô, máy móc đều có công bố giá trên mạng nếu khách hàng quan tâm. Hãng Toyota có trang WEB giới thiệu những mẫu ô tô mới nhất cùng đơn đặt hàng đã viết sẵn, người dùng chỉ việc điền họ, tên và tất nhiên là số tiền gửi theo. Chỉ vài ngày, thậm chí trong ngày là có thể mua được chiếc ô tô họ muốn. Với một máy tính xách tay nếu được nối mạng, trên đường đi công tác, ta có thể tìm hiểu khá chi tiết về nơi sẽ đến, mặt mạnh hay yếu của công ty đối tác thậm chí cả lý lịch của người sẽ đối thoại.
Với các công ty đa quốc gia, cơ quan, chính phủ, các bộ, ngành thì việc có một hay nhiều trang WEB trên Internet là điều không thể thiếu trong thời đại thông tin. Các nguyên tắc bảo mật đang được phát triển để việc sao chép các giao dịch trên mạng được an toàn và bí mật. Ngày nay, trên danh thiếp của các doanh nhân, các nhà khoa học hay chuyên viên, ngoài địa chỉ, số phone, fax còn có cả địa chỉ trên Internet. Hòa mạng Internet sẽ giúp quốc gia tiến nhanh tới xã hội được tin học hóa. Theo Bill Gates - chủ tịch hãng Microsoft - nếu ai đặt cược cho Internet rất có thể là người chiến thắng, còn ai chống lại Internet chắc chắn sẽ thua cuộc.
Nhưng Internet cũng có mặt trái. Vì là hệ thống mở nên ai cũng có thể truy nhập và tạo ra những trang WEB riêng cho mình (tất nhiên là phải bỏ ra ít tiền để đăng ký tài khoản với một máy chủ nào đó). Những quốc gia đối địch thì dùng Internet như một phương tiện để tuyên truyền kích động. Những kẻ rời bỏ tổ quốc ra đi vì hận thù thì Internet là công cụ tuyệt vời để "chuyển lửa về quê". Nhiều thông tin về quốc gia, cơ quan nhà nước và các công ty bị lộ bí mật. Có những ngân hàng bị thất thoát hàng triệu đô la chỉ vì các dịch vụ chuyển tiền trên mạng không an toàn. Các sản phẩm trí tuệ bị đánh cắp một cách không thương tiếc. Tạp chí về tình dục, sách kích động tội ác thậm chí cả tình dục trẻ em cũng đầy rẫy trên Internet. Điều nguy hại là trẻ em, thanh thiếu niên mới lớn rất tò mò trên mạng và gặp phải những trò tiêu khiển độc hại trong khi Internet lại không phân biệt người dùng là ai miễn anh có đăng ký là có thể hòa mạng. Có chăng hệ thống cũng chỉ đưa ra câu nhắc nhở ngớ ngẩn đại loại:
"Nếu anh dưới 18 tuổi hãy ra khỏi trang WEB này" hay "Đây là vấn đề dành cho người lớn". Một đứa bé lớp ba hoàn toàn có thể trả lời "Vâng, tôi là người lớn đây!" và vào được trang WEB bậy bạ này để thỏa trí tò mò trong khi bố mẹ chúng đi vắng suốt ngày.
Có hai thái cực về cách nhìn nhận Internet. Một số cho rằng hoàn toàn mở và ai muốn làm gì thì làm, không cần có luật pháp, là cái ao làng ai rửa chân cũng được. Những vấn đề như sở hữu trí tuệ, bí mật quốc gia, tình dục rẻ tiền có thể tự do đưa lên Internet. Thái độ này hoàn toàn sai vì Internet cũng là một phần của cuộc sống và như thế, nó phải dựa trên nền tảng pháp luật và hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội chúng ta đang sống. Một số khác thì cho rằng phải kiểm tra thật gắt gao. Thái độ này lại làm cho Internet mất hết ý nghĩa quan trọng trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay và sẽ kìm hãm sự phát triển của công nghệ.
Giải pháp dung hòa là cần thiết với mỗi quốc gia. Chính phủ nào trên thế giới cũng đều đau đầu vì Internet. Quốc hội Mỹ có hẳn đạo luật cấm đưa hình ảnh khiêu dâm trẻ em lên Internet. Tại Anh, vấn đề nhạy cảm là đời tư và bí mật quốc gia được pháp luật luôn để mắt tới trên từng trang WEB. Người Trung Quốc thì lo về an ninh chính trị vì muốn có sự ổn định để đi lên nên người dùng Internet phải đăng ký với nhà nước. Họ đã cấm khoảng 100 địa chỉ trên mạng. Nếu người dùng cố truy nhập vào đó thì chỉ nhận được những trang trắng. Người Pháp luôn tự hào về tự do báo chí cũng đang ầm ĩ về vụ xuất bản cuốn sách đời tư của cố tổng thống Mitterand trên Internet. Người Đức lại sợ bọn tuyên truyền cho chủ nghĩa phát xít mà dùng những trang WEB thì sẽ rất nguy hại.
Mỗi quốc gia đều có biên giới của mình và họ muốn rằng những gì đi qua biên giới phải được kiểm soát. Họ có hàng rào biên phòng, hải quan để bảo vệ đất nước. Chỉ có điều, kiểm soát những gì đi qua cổng Interent phải có những phương pháp hiện đại, người lính biên phòng bấy giờ phải là điện tử, phần mềm máy tính, người quản lý các cổng đó phải là những chuyên gia tin học, truyền thông, mạng máy tính và tất nhiên có phẩm chất chính trị tốt. Mỗi trang WEB đều có một địa chỉ vật lý tại một máy chủ đặt ở đâu đó trên thế giới. Nhóm quản lý cổng Internet chỉ cần thấy nội dung trang WEB đó không phù hợp với yêu cầu thì có thể đưa địa chỉ đó vào hệ thống phần mềm gọi là "bức tường lửa" (firewall) ngăn không cho thông tin từ trang WEB đi qua cổng. Bức tường lửa thực chất là đội biên phòng điện tử. Có thể tạo ra một danh sách các địa chỉ "cấm" và cung cấp cho firewall. Đây là công việc rất khó vì có hàng triệu trang WEB cần phải duyệt và số lượng tăng lên hàng ngày. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không thể làm được.
Hiện nay, để đảm bảo bí mật cho công ty hay quốc gia, người ta tạo ra một kiểu mạng nội bộ diện rộng Intranet. Nguyên tắc kết nối giống như mạng Internet nhưng có một bức tường lửa canh gác sao cho người trong Intranet có thể truy nhập thoải mái nhưng người ngoài thì chỉ nhận được những gì mà bức tường lửa cho qua. Có rất nhiều công ty đang phát triển các phần mềm firewall. Giải pháp firewall không thể gọi là hoàn hảo, sẽ có một số thông tin không có lợi vượt tuyến nhưng ta cũng phải nhìn vào thực tế là biên giới nước nào chả có buôn lậu, người vượt biên trái phép nhưng vì lợi ích lớn hơn của đất nước, không chính phủ nào lại đi đóng cửa biên giới cả! Một thực tế nữa khó ngăn ngừa được là người ta có thể dùng một máy tính có gắn modem gọi tới một địa chỉ Internet ở nước ngoài giống như ta gọi điện thoại quốc tế để lấy tin. Với cách này thì không bức tường lửa nào có thể kiểm soát nổi, cũng may là cước phí đàm thoại quốc tế quá cao nên chắc ít người đủ tiền để dùng Internet kiểu này.
Hiện nay tại Việt Nam, chúng ta cũng đang nói rất nhiều về Internet. Sớm muộn gì thì chúng ta cũng sẽ hòa mạng Internet. ở Hà Nội có nhiều cơ quan, công ty có thể cung cấp dịch vụ Internet vì thực ra tạo ra một mạng để cung cấp các dịch vụ Internet không phải là vấn đề quá khó hiện nay. Tôi cũng để ý thấy là một vài cơ quan, công ty có dịch vụ trao đổi thư điện tử với Internet - một dịch vụ khá đơn giản và dễ thực hiện - nhờ tạm vào cổng ở nước ngoài mà lại luôn tuyên truyền là chính họ mới có quyền và đủ kỹ thuật để cung cấp dịch vụ
Internet. Thực chất, nhà nước chỉ cần cho phép mở hai cổng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và quản lý thật tốt hai cổng này. Các công ty và cơ quan khác có thể tự do khai thác dịch vụ do hai cổng này cung cấp. Tương lai không xa chúng ta sẽ bước vào "Xa lộ thông tin" của thế giới một cách thoải mái mà không phải lo sợ khi mở cửa thì "rác rưởi sẽ vào theo". Hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách thông tin đừng vì sợ một số "rác rưởi" mà đánh mất đi phần lớn rất tốt đẹp của Internet. Và tôi tin rằng sự nghiệp công nghệp hóa, hiện đại hóa chắc chắn sẽ thành công một phần nhờ có Internet - sự diệu kỳ của nhân loại vào cuối thế kỷ 20.