Để có được một giáo án hay dạy cho học sinh quả thật đòi hỏi lắm công phu, nhưng không phải là không thể thực hiện được. Với cá nhân tôi, vấn đề ở chỗ là ban đầu, mình còn ngại cái mới, cái khó và chưa thật sự có lòng say mê với phương pháp mới này, chưa tâm huyết nhiều, cũng như chưa có những chuyển biến về nhận thức nên việc triển khai còn cầm chừng và mang tính chất đối phó. Tuy nhiên, sau các chuyên đề, các tiết dạy mẫu, và đặc biệt là sau khi tham gia lớp học dạy tiếng Anh cho học sinh Tiểu học, tự bản thân tôi đã nhận thấy chất lượng giảng dạy theo phương pháp mới này thật sự đem lại rất nhiều hiệu quả. Vậy là tôi bắt tay vào nghiên cứu, học tập, và với khả năng sư phạm vốn có cộng thêm sự hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình của các chị trong tổ tiếng Anh, tôi đã làm được điều mà chính bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm được, thiết kế được những bài giảng hấp dẫn, gây hứng thú cho học sinh của tôi, đồng thời thể hiện tốt hơn phương pháp sư phạm, góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy thành công.
Qua việc nghiên cứu và vận dụng đề tài “Kinh nghiệm sử dụng trò chơi ngôn ngữ trong việc nâng cao chất lượng dạy Tiếng Anh ở Tiểu học”
tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm sau:
Để nâng cao chất lượng giảng dạy nói chung, môn Tiếng Anh nói riêng, mỗi người giáo viên cần phải có tâm huyết, say mê với nghề, có trách nhiệm với tiết dạy của mình. Phải quan tâm đến các đối tượng học sinh, nắm bắt và thấu hiểu đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của các em thì mới chọn được phương pháp linh hoạt theo hướng đổi mới phù hợp với học sinh của mình, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn.
Trước khi lên lớp, giáo viên nên chuẩn bị giáo án một cách chu đáo, chi tiết, tỉ mỉ để có được những tiết học với các hoạt động phong phú, thiết thực và hiệu quả dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin với giáo án điện tử trong các giờ Tiếng Anh.
Tổ chức nhiều trò chơi nhằm tăng cường vốn từ vựng và rèn luyện cấu trúc câu, thông qua việc “học mà chơi, chơi mà học” giúp các em thêm yêu thích môn học, từ đó có nhu cầu học và vận dụng những điều mình học được vào thực tế giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày, nhất là khi các em có cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài hoặc những người biết Tiếng Anh.
Khen thưởng, tuyên dương những em có năng khiếu, có tiến bộ và có tham gia phát biểu xây dựng bài. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần thường xuyên giúp đỡ động viên các em còn yếu kém với các hoạt động cũng như bài tập phù hợp trong từng tiết học, kịp thời sửa lỗi (phát âm, ngữ pháp) cho các em một cách nhẹ nhàng với thái độ tích cực để các em không bị mặc cảm, xấu hổ, sợ sai dẫn đến việc ngại nói hoặc lười học môn học này.
Trong điều kiện có thể của trường, giáo viên có thể kết hợp với các giáo viên dạy Tiếng Anh khác tổ chức Festival Tiếng Anh với các hoạt động như hát, đóng kịch, thơ, trò chơi…, tạo một môi trường nghe nói Tiếng Anh cho học sinh, giúp các em có điều kiện giao lưu và thể hiện những điều các em đã
học, khẳng định mình với các bạn khác, từ đó các em thêm yêu thích và say mê môn học.
Khi áp dụng trò chơi ngôn ngữ vào bài giảng tôi nhận thấy HS yêu tiết học hơn, không khí lớp sôi nổi hơn. HS có cơ hội luyện tập Tiếng Anh nhiều hơn. Song cũng phải nói thêm rằng bất kì một phương pháp nào, một cách thức nào cũng đều có mặt trái của nó, không có gì thực sự hoàn chỉnh. Với những trò chơi mà tôi đã trình bày thì phải cần có sự chuẩn bị, bố trí thời gian thích hợp, linh hoạt.
Với bộ môn Tiếng Anh đôi phút ồn ào trong lớp là không tránh khỏi song đó là phút ồn ào có ích. Nhưng ở đơn vị công tác của mình sự ồn ào này sẽ làm ảnh hưởng tới các lớp học khác vì đôi khi thực hiện trò chơi, tâm lý học sinh rất nhạy cảm và hiếu động đôi khi chúng không làm chủ được mình, có khi cười rất to, vỗ tay…Như vậy GV phải thực sự là người chủ trò năng động, giải quyết mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra thì mới mong thực hiện trò chơi một cách hiệu quả được.
Theo ý kiến chủ quan của mình tôi nghĩ những trò chơi ngôn ngữ nên được áp dụng và sáng tạo nhiều hơn nữa sao cho phù hợp với đối tượng HS mà mình giảng dạy. Những trò chơi ngôn ngữ mà tôi trình bày chắc chắn sẽ không tránh khỏi những điều chưa hợp lý. Rất mong sự tìm hiểu, đánh giá và góp ý của đồng nghiệp
PHẦN KẾT LUẬN
Xã hội phát triển, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá diễn ra mạnh mẽ trên khắp đất nước đã khiến nhu cầu học tập môn Tiếng Anh ở các cấp học nói chung, bậc Tiểu học nói riêng trở thành một nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây là những bước chân đầu tiên chập chững khai phá một ngôn ngữ hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm, đó vừa là thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn đòi hỏi mỗi giáo viên Tiếng Anh chúng tôi phải cố gắng nỗ lực hết sức mình. Có yêu nghề - mến trẻ, có trình độ và thái độ cầu thị tự học để nâng cao trình độ thì người giáo viên ấy mới thực hiện hết vai trò và sứ mạng của mình trong sự nghiệp trồng người cao quí của mình.
Không chỉ gói gọn ở phạm vi của trường, với lòng yêu nghề của mình tôi đã viết ra những kinh nghiệm nhỏ bé này mong rằng có thể chia sẻ với nhiều bạn bè đồng nghiệp khác; vì tôi biết rằng vẫn còn nhiều bạn đồng nghiệp đang bắt đầu hoặc còn gặp nhiều khó khăn bỡ ngỡ áp dụng những phương pháp giảng dạy mới cho bộ môn tiếng Anh ở Tiểu học mà không biết hỏi ai như tôi khi mới bước chân vào nghề. Cũng có thể kinh nghiệm của tôi là nhỏ bé và còn nhiều hạn chế nhưng hy vọng vẫn giúp được phần nào cho các bạn đồng nghiệp cũng như mong nhận được những lời động viên góp ý chân thành từ quí thầy cô có kinh nghiệm nhiều hơn để giúp tôi bổ sung những thiếu sót và tạo rao được những bài giảng hay hơn, bổ ích hơn nữa góp phần thành công trong công cuộc giáo dục thế hệ trẻ.
Do thời gian và năng lực có hạn nên những vấn đề đưa ra chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót. Và cùng với kinh nghiệm nhỏ bé của mình tôi mong các đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm hơn đưa ra những ý kiến đóng góp chân thành giúp tôi tiếp tục xây dựng hiệu quả hơn và áp dụng vào bài giảng của mình để giảng dạy ngày càng cao hơn. Một số kinh nghiệm thiết kế trò chơi ngôn ngữ nhằm củng cố kiến thức đề xuất trên đây mới chỉ là bước đầu để
tham khảo, rất mong nhận được sự quan tâm góp ý, bổ sung của các đồng chí lãnh đạo, các bạn đồng nghiệp để học sinh của chúng ta ngày càng yêu thích môn Tiếng Anh hơn, để có thể rút ngắn lộ trình đưa Tiếng Anh trở thành một môn học chính ở Tiểu học!
Xin trân trọng cảm ơn!
Thịnh Liệt, ngày 16 tháng 4 năm 2014.
Người thực hiện
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-Các nguồn thông tin trong sách chuyên ngành :
- Primary Grammar Box – Cambridge University Press - Macmillan Books for Teachers.
- A Methodology Course for English language Teachers. - Một số thông tin trên các diễn đàn tiếng Anh khác.