- Sự xuất hiện của dòng vốn FDI tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với doanh nghiệp trong nước. Sức ép cạnh tranh có tác động hai mặt, thứ nhất làm đối thủ cạnh tranh yếu hơn có nguy cơ bị thu hẹp thị phần, giảm sản xuất, thậm chí phải rút lui khỏi thị trường. Đây là mặt tiêu cực của cạnh tranh.
- Tuy nhiên, cạnh tranh lại kích thích các đối thủ tự đầu tư đổi mới để vươn lên đứng vững trên thị trường, từ đó năng lực sản xuất được cải thiện. Nhưng chúng ta cũng cần có cái nhìn khách quan là hạn chế này có nguồn gốc xâu xa là do năng lực quản lý, điều hành kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa quá yếu kém, các nhà quản lý chưa vươn được đến tầm quốc tế để có cái nhìn xa hơn mà chỉ thấy được lợi ích trước mắt nên việc bị các doanh nghiệp FDI lợi dụng rồi ”hất cẳng” là chuyện tất yếu. Điển hình như trường hợp Cocacola liên kết với Chương Dương rồi dìm chết Chương Dương cách đây nhiều năm là một ví dụ rõ nét.
2.2.2.6 Rửa tiền
- Xuất hiện nguy cơ rửa tiền. Theo cảnh báo của WB thì Việt Nam sẽ bị các tổ chức rửa tiền quốc tế chọn làm mục tiêu vì hệ thống thanh tra, giám sát, hệ thống kế toán và tìm hiểu khách hàng ở nước ta còn kém phát triển, mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng chuyển tiền không chính thức còn cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trên con đường mở cửa kinh tế và được đánh giá là nền kinh tế có tính chất mở hàng đầu thế giới. Việc kiểm soát lỏng lẻo các dòng tiền vào ra đã tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm thực hiện hoạt động rửa tiền. Nguồn vốn FDI có thể là một kênh thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động rửa tiền. Các tổ chức phi pháp có thể tiến hành đầu tư vào nước ta với hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nhưng thực chất không phải để hoạt động mà nhằm hợp pháp hóa các khoản tiền bất hợp pháp. Điển hình như vụ Nguyễn Đức Chi đầu tư vào các dự án tại Khánh Hòa thông qua Công ty Russaka -
Invest để rửa tiền từ hoạt động phạm tội tại Nga, lợi dụng danh nghĩa công ty để lừa đảo, đưa hối lộ; vụ Lê Thị Mai đầu tư tiền từ hoạt động ma túy vào các dự án của Công ty Viet Can Resorts & Plannation; Vụ Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam đã nhận được email từ một số doanh nhân Nigeria yêu cầu mở tài khoản 28 triệu USD, hứa hẹn sẽ chi lại 15% tổng số tiền…
- Tuy nhiên, cho đến nay tại Việt Nam chưa có vụ án rửa tiền nào bị khởi tố điều tra mà hành vi rửa tiền chỉ bị phanh phui, xử lý như một trong tổng thể các hành vi phạm tội của một vụ án. Bởi hoạt động rửa tiền diễn ra hết sức tinh vi, đa dạng, bọn tội phạm sử dụng các hoạt động nghiệp vụ kinh tế như tài chính, kế toán, ngân hàng nên rất khó bị phát hiện. Thêm vào đó là những doanh nghiệp Việt Nam quá ham mê chạy theo mức lợi nhuận “khủng” hứa hẹn sẽ có được mà không biết tỉnh táo suy xét cẩn thận trong quá trình hợp tác, đầu tư.