4.3.1.1. Liên quan giữa khúc xạ cầu với cân nặng lúc sinh
- Tỷ lệ cận thị, cận thị cao và mức độ cận thị của nhóm trẻ có cân nặng khi sinh ≤ 1250 g tương ứng là 74,76%, 49,35% và -5,79 ± 3,98D cao hơn so với 2 nhóm cân nặng khi sinh từ 1251 - 1500g và ≥ 1500g là 71,22%, 32,32%, -4,86 ± 4,05D và 55,30%, 12,32%, -3,34± 2,86D. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05), điều này cho thấy cân nặng khi sinh càng thấp thì tỷ lệ cận thị, cận thị cao và mức độ cận thị càng cao. Nhận định này của chúng tôi phù hợp với Nissenkorn (1983). Phần lớn các trường hợp cận thị gặp ở nhóm trẻ có cân nặng khi sinh từ 750g - 1350g với mức độ cận thị trung bình là -4D, mức độ cận thị giảm khi cân nặng khi sinh tăng lên.
- Tỷ lệ viễn thị cao ở nhóm trẻ có cân nặng khi sinh ≤ 1250g và 1251 - 1500g gần tương đương nhau. Mức độ viễn thị của 3 nhóm cân nặng khi sinh không có sự khác biệt thống kê (p > 0,05). Nhận định này phù hợp với Holmström (1998).
4.3.1.2. Liên quan giữa loạn thị với cân nặng lúc sinh
Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ loạn thị ở nhóm cân nặng lúc sinh ≤ 1250g và 1251 - 1500g so với nhóm cân nặng lúc sinh ≥ 1501g. Điều này chứng tỏ cân nặng lúc sinh càng thấp thì tỷ lệ loạn thị càng cao, nhận xét này của chúng tôi phù hợp với tác giả Holmström (1998). Khi tìm hiểu mối liên quan giữa tỷ lệ loạn thị cao và mức độ loạn thị theo cân nặng lúc sinh thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
4.3.1.3. Liên quan giữa lệch khúc xạ với cân nặng lúc sinh
Hai nhóm cân nặng lúc sinh là ≤ 1250g và 1251 - 1500g có tỷ lệ lệch khúc xạ cao hơn nhóm có cân nặng lúc sinh ≥ 1501g, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Điều này chứng tỏ không có mối liên quan giữa cân nặng lúc sinh với tình trạng lệch khúc xạ. Nhận định này của chúng tôi tương tự Holmström (1998).