Hạn chế trong công tác thẩm định

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TẠI NHNo & PTNT CHI NHÁNH TRUNG YÊN (Trang 33 - 35)

3.1.2.1. Về tổ chức thẩm định

Có thể nói cho đến nay ngân hàng chưa có phòng thẩm định dự án riêng, công tác thẩm định dự án đầu tư chưa có sự tách biệt, nghiệp vụ thẩm định vẫn được lồng ghép với nghiệp vụ tín dụng. Một CBTD phải kiêm rất nhiều việc từ tiếp nhận hồ sơ vay vốn, tiếp xúc khách hàng, thẩm định phương án vay vốn, giải ngân và thu nợ, đây là trách nhiệm nặng nề đối với cán bộ tín dụng và cũn là nguy cơ phát sinh rủi ro tín dụng. Khối lượng công việc lớn như vậy cộng thêm số các dự án thẩm định ngày càng tăng khiến cho các cán bộ không có đủ thời gian để thu thập thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình thẩm định, từ đó làm giảm tính chính xác của các kết quả thẩm định.

3.1.2.2. Về phương pháp thẩm định

Trong quá trình thẩm định chưa có sự kết hợp các phương pháp thẩm định với nhau. Mặt khác, trong việc sử dụng từng phương pháp cũng có nhiều hạn chế:

Phương pháp so sánh các chỉ tiêu là phương pháp phổ biến mà cán bộ thẩm định sử dụng nhiều nhất, tuy nhiên việc so sánh đôi khi còn mang tính giản đơn. Các chỉ tiêu tổng hợp như cơ cấu vốn đầu tư, suất đầu tư hoặc các chỉ tiêu về sản xuất, tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu, nhân công,.. chưa có sự so sánh với các dự án tương tự, các định mức kinh tế-kĩ thuật của ngành. Các chỉ tiêu phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc so sánh giữa các năm với nhau chứ chưa đối chiếu với các doanh nghiệp trong cùng ngành. Các tiêu chuẩn về công nghệ thiết bị cũng chưa có hệ thống các chuẩn mực thích hợp để kiểm tra, đối chứng.

Phương pháp dự báo vẫn chưa được áp dụng một cách khoa học. các thông tin về cung cầu sản phẩm, giá cả, chất lượng công nghệ… mới chỉ được thu thập qua các phương tiện thông tin đại chúng, các nguồn thông tin này nhiều khi không thực sự đầy đủ và cập nhật. Mặt khác, ngân hàng cũng chưa áp dụng các phương pháp toán học hiện đại để phân tích và dự báo cung cầu thị trường. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công tác dự báo, làm giảm độ chính xác của các chỉ tiêu hiệu quả.

Các phương pháp phân tích rủi ro chưa được chú trọng một cách đúng mức. Một dự án đầu tư khi đi vào hoạt động có thể gặp rất nhiều các loại rủi ro khác nhau như: Rủi ro về cung cấp các đầu vào, đầu ra; rủi ro do chậm tiến độ thi công; rủi ro về cung cấp dịch vụ, công nghệ, kĩ thuật, rủi ro về tài chính, rủi ro bất khả kháng,…Tuy nhiên, cán bộ thẩm định ít khi dành nhiều thời gian và công sức đi sâu đánh giá từng loại rủi ro để từ đó có hướng tư vấn, cùng chủ đầu tư tìm các biên pháp phòng ngừa.

Cùng với phương pháp phân tích rủi ro, phân tích độ nhạy cũng được coi là một trong những phương pháp phân tích hiện đại. Tuy vậy, vẫn chưa được ngân hàng sử dụng nhiều, nếu có cũng chỉ dừng lại ở việc phân tích độ nhạy một chiều. Việc lựa chọn yếu tố dao động, khoảng dao động phụ thuộc nhiều vào sự đánh giá chủ quan của cán bộ thẩm định chứ không được quy định cụ thể trên cơ sở tổng kết các dự án đặc trưng ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác nhau.

3.1.2.3. Về nội dung và quy trình thẩm định.

Mặc dù công tác thẩm định dự án tại ngân hàng đã thực hiện đúng quy trình do NHNo&PTNT Việt Nam ban hành, tuy nhiên việc tuân thủ theo quy trình đó chỉ mang tính hình thức bên ngoài. Trên thực tế, các nội dung trong quy trình chỉ được thẩm định một cách sơ sài và chưa đầy đủ. Xuất phát từ đặc trưng của một ngân hàng thương mại giống như nhiều ngân hàng khác, chỉ quan tâm nhất khi xem xét một khoản vay đó là khả năng trả nợ, nguồn trả nợ và thời gian trả nợ. Do đó quá trình thẩm định dự án hầu như chỉ tập trung đánh giá khía cạnh tài chính cũng như khả năng trả nợ của chủ đầu tư, các nội dung khác mới chỉ được đánh giá một cách chung chung, sơ sài, không được quan tâm một cách đúng mức.

3.1.2.4. Về trang thiết bị phục vụ công tác thẩm định

Từ khi đi vào hoạt động ngân hàng đã luôn chú trọng áp dụng các thành tựu của khoa học công nghệ nói chung và công nghệ ngân hàng nói riêng. Hệ thống máy tính nối mạng được trang bị cho các phòng ban đã góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng cung cấp số liệu, nâng cao chất lượng thẩm định dự án. Tuy nhiên việc áp dụng còn nhiều hạn chế, một phần do dữ liệu của Ngân hàng Trung ương không được cập nhật thường xuyên, mặt khác do Agribank chưa thiết lập được ngân hàng dữ liệu riêng cho mình.

3.1.2.5. Về mạng lưới thông tin

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc thu thập mọi thông tin về khách hàng thông qua các biện pháp thu thập trực tiếp hay gián tiếp song cơ sở thông tin được dùng để phân tích thẩm định dự án chủ yếu vẫn dựa trên các tài liệu mà khách hàng gửi đến. Trong nhiều trường hợp các nguồn thông tin này không thực sự khách quan. Hơn thế nữa, để tăng tính thuyết phục cho dự án, doanh nghiệp trong quá trình lập báo cáo khả thi có xu hướng tìm mọi cách làm giảm chi phí hoạt động của dự án xuống mức thấp nhất. Các báo cáo tài chính được sử dụng để phân tích, thẩm định khách hàng vay vốn cũng không thực sự đủ độ tin cậy bởi có nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc. Thêm vào đó các báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh thường kỳ của doanh nghiệp nộp cho ngân hàng có nhiều loại khác nhau dẫn đến khó hệ thống chuẩn hoá thông tin.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TẠI NHNo & PTNT CHI NHÁNH TRUNG YÊN (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(42 trang)
w