Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu quản trị rủi ro tín dụng tại sacombank đà nẵng (Trang 103 - 112)

- Tổ chức tốt hệ thống thông tin tín dụng sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác thẩm định khách hàng vay,

3.2.5 Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đối với bất kỳ hoạt động kinh doanh nào thì con người luôn là nhân tố then chốt quyết định đến thành bại của hoạt động bởi lẽ tất cả các hoạt động chung quy lại vẫn phải được thực hiện dưới bàn tay và trí óc con người. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với kinh doanh ngân hàng bởi lẽ rủi ro cao mà theo thống kê thì rủi ro xuất phát từ đạo đức là vấn đề nổi cộm nhất. Hiểu rõ vấn đề này nên Sacombank Đà Nẵng luôn chú trọng đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực làm mối quan tâm hàng đầu. Tại chi nhánh Sacombank Đà Nẵng đội ngũ cán bộ được đánh giá là trẻ. Với đội ngũ cán bộ trẻ như vậy thì ưu điểm là năng động và sáng tạo, tiếp thu nhanh những kiến thức mới và có khả năng thích ứng tốt với môi trường mới. Điều này rất có ý nghĩa vì quản trị rủi ro hiện còn khá mới mẻ với các ngân hàng nói chung nên việc đào tạo cán bộ những kiến thức về quản trị rủi ro đang rất được quan tâm. Tuy nhiên trong hoạt động tín dụng thì cán bộ trẻ tuổi cũng gây thách thức không nhỏ do còn thiếu kinh nghiệm, năng lực làm việc hạn chế. Do đó ngân hàng cần có những chính sách đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ tín dụng không phải chỉ về chuyên môn mà còn rèn luyện cả về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công việc. Làm được điều này thì ngân hàng có thể nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tín dụng cũng như ngăn ngừa các vi phạm đạo đức của cán bộ.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì ngân hàng cần làm tốt ngay từ khâu tuyển dụng cán bộ. Trong công tác này ngân hàng cần đặt ra những tiêu chuẩn phù hợp và chặt chẽ. Ngân hàng nên có các chính sách tạo điều kiện cho đội ngũ nhân sự trẻ này có cơ hội học tập, nâng cao khả năng phân tích, khả năng điều tra và đàm phán với khách hàng. Ngoài ra cũng cần thiết phải sắp xếp vị trí công việc và phân công rõ trách nhiệm phù hợp năng lực của họ. Ngân hàng cũng nên phân loại cán bộ tín dụng để giao cho họ phụ trách những đối tượng khách hàng phù hợp trình độ quản trị của họ nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Do hoạt động tín dụng gồm nhiều loại nên những cán bộ được chuyên môn hóa

với các nhóm đối tượng khách hàng riêng sẽ làm chất lượng công việc tăng lên rõ rệt. Ví dụ cán bộ nào đã có kinh nghiệm xử lý các hồ sơ vay vốn để xây dựng công trình thì để họ chuyên môn chỉ phụ trách các dự án vay vốn với mục đích xây dựng. Tương tự sẽ có cán bộ chuyên phụ trách cho vay kinh doanh bất động sản, cho vay tiêu dùng…

Một công việc cũng cần quan tâm nữa là chính sách đãi ngộ đối với cán bộ. Các chính sách lương, thưởng, phạt phải được xây dựng thống nhất, hợp lý tạo được động lực cho cán bộ phấn đấu làm việc, kích thích sự sáng tạo và trách nhiệm công việc bên cạnh đó cũng phải ngăn ngừa được các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của cán bộ.

3.2.6 Xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật tín dụng phù hợp

Thực hiện chính sách “ tăng trưởng tín dụng an toàn”, tăng trưởng phải đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng cần phải chấp nhận một mức độ rủi ro tín dụng thấp nhất.

Xây dựng chính sách tín dụng là việc cụ thể hoá các quy định về cho vay, bảo lãnh, chiết khấu,…nhằm thực hiện mục tiêu kinh doanh của ngân hàng, đồng thời hình thành cơ chế để đảm bảo nâng cao lợi nhuận và hạn chế rủi ro.

Chính sách tín dụng phải xây dựng thống nhất từ Hội sở cho đến chi nhánh, lấy mục tiêu phát triển tín dụng bền vững từng chi nhánh làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách tín dụng tổng thể của Sacombank, làm thế nào để chính sách tín dụng không chỉ là chính sách mà trở thành cẩm nang tác nghiệp của tất cả CVQHKH và cán bộ có liên quan tại Sacombank.

3.2.7 Đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá công nghệ ngân hàng trong hoạt động kinh doanh tín dụng

Thực tiễn đã chứng minh, công nghệ hiện đại và phù hợp với tốc độ phát triển của ngân hàng là một yếu tố hết sức cần thiết cho hoạt động ngân hàng. Đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh tín dụng, là hoạt động rất cần đến sự hỗ trợ của công nghệ thông tin hiện đại và nhanh chóng trong quá trình thu thập và xử

lý thông tin. Mặc dù thời gian qua, toàn hệ thống Sacombank đã đầu tư nâng cấp phần mềm hiện đại hoá ngân hàng, nhưng thực tế cho thấy, để đáp ứng hơn nữa và phù hợp với tốc độ phát triển cũng như có thể cạnh tranh được tốc độ xử lý các giao dịch phát sinh thì Sacombank Đà Nẵng cần có những đầu tư hơn nữa đối với hệ thống công nghệ ngân hàng trong thời gian tới. Để làm được điều này Sacombank Đà Nẵng cần phải:

+ Tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị, trang bị thêm các thiết bị hiện đại, đủ công suất, thích hợp với chương trình phần mềm giao dịch, đảm bảo xử lý thông tin thông suốt ngay cả trong những tình huống phức tạp và giờ cao điểm. Đầu tư mới, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin đúng hướng, đồng bộ, hiệu quả, có tính thống nhất - tích hợp - ổn định cao.

+ Tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, cố gắng phấn đấu xây dựng Sacombank Đà Nẵng trở thành một NHTM hàng đầu trong công tác áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại vào hoạt động kinh doanh trên địa bàn Đà Nẵng. Hỗ trợ và phát triển các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng hiện đại; hỗ trợ kịp thời và chính xác trong chỉ đạo, quản trị - điều hành, quản trị rủi ro trong kinh doanh tín dụng từ Hội sở đến các chi nhánh. Hình thành đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin của Sacombank Đà Nẵng đảm bảo đủ về lượng mạnh về chất.

+ Thực hiện nối mạng giao dịch với khách hàng, trước mắt là các khách hàng lớn nhằm đáp ứng một cách nhanh chóng các nhu cầu của khách hàng, thông tin về tài chính.

3.3. Một số kiến nghị

3.3.1. Kiến nghị đối với NHNN và Chính Phủ

- Chính phủ cần hoàn thiện quy trình xử lý tài sản đảm bảo, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ để ngân hàng nhanh chóng thu hồi nợ:

Mặc dù luật và các văn bản có liên quan của Việt Nam quy định Ngân hàng có quyền xử lý tài sản đảm bảo nợ vay khi khách hàng không trả được nợ,

tuy nhiên cơ chế pháp lý chưa rõ ràng, đặc biệt là quyền sử dụng đất. Theo Nghị định 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 của Chính phủ tại điểm 4, điều 34 cho phép tổ chức tín dụng có quyền xử lý tài sản bảo đảm nói chung và tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất nói riêng nếu không đạt được sự thoả thuận giữa các bên. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT-NHNN-BTP-BCA-BTC- TCĐC giữa Liên bộ Ngân hàng Nhà nước, Bộ tư pháp, Bộ công an, Bộ tài chính, Tổng cục địa chính ngày 29.4.2001 (sau đây gọi tắt là Thông tư 03) quy định tổ chức tín dụng không được trực tiếp bán hay được trực tiếp nhận quyền sử dụng đất để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm. Và theo Khoản 2 – Mục III của thông tư này, nếu không đạt được sự thoả thuận của các bên thì tổ chức tín dụng phải đưa ra bán đấu giá hay khởi kiện ra Toà: “Trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không xử lý được theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng thì tổ chức tín dụng đưa tài sản ra bán đấu giá để thu hồi nợ hoặc khởi kiện ra toà án”. Việc này gây cản trở cho các ngân hàng thương mại khi xử lý tài sản thế chấp trong thực tế, việc xử lý thu hồi nợ còn mất nhiều thời gian và qua nhiều khâu đoạn, do:

+ Ngân hàng chuyển hồ sơ của tài sản đảm bảo sang Trung tâm bán đấu giá chuyên trách thuộc Sở tư pháp để xử lý, tuy nhiên tiến độ xử lý quá chậm, mất nhiều thời gian, thậm chí có nhiều trường hợp tồn đọng không xử lý được. Việc này do nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân không thể không nhắc đến là hoạt động của Trung tâm bán đấu giá kém hiệu quả. Khi đó, không ít trường hợp ngân hàng có thể phối hợp với người có tài sản đảm bảo để xử lý hoặc tự xử lý được, nhưng khi tiến hành chuyển quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất cho người mua, thì các cơ quan chức năng từ chối việc thực hiện công chứng, đăng bộ,… với lý do quyền sử dụng đất trong trường hợp này phải thông qua Trung tâm bán đấu giá chuyên trách theo quy định.

+ Khi xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, theo Khoản 3 – Mục III, phần B của Thông tư Liên tịch 03, thì tổ chức tín dụng phải xin phép Uỷ ban

nhân dân cấp có thẩm quyền cho phép bán đấu giá, làm cho quy trình bán đấu giá càng mất nhiều thời gian và thủ tục:

* 15 ngày xin cơ quan có thẩm quyền cho phép bán đấu giá tài sản. * 15 ngày thực hiện việc đăng ký bán đấu giá tài sản.

* 30 ngày niêm yết tài sản bán đấu giá.

* 60 ngày cho thời gian cấp giấy chứng nhận cho người mua tài sản. + Công tác thi hành án còn chậm. Trong thực tế có nhiều bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực thi hành và đã có đơn yêu cầu thi hành án của ngân hàng. Nhưng cơ quan thi hành án vẫn chưa thi hành án với nhiều lý do như bản án chưa rõ ràng, hoặc lý do khác. Những trường hợp đó, ngân hàng phải chờ cơ quan thi hành án làm việc lại với Toà án. Thời gian chờ đợi này thường kéo dài hàng tháng thậm chí nửa năm ngân hàng mới nhận được văn bản trả lời của cơ quan thi hành án.

Trong nền kinh tế thị trường, đi đôi với sự sinh sôi phát triển các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả là sự phá sản của các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động yếu kém, đào thải trong cạnh tranh là quy luật khách quan, không phụ thuộc vào ý chí của nhà doanh nghiệp. Ngân hàng thương mại với chức năng trung gian tài chính, luôn phải gánh chịu những khoản nợ tồn đọng là tất nhiên. Việc áp dụng các giải pháp khai thác và thanh lý đối với các khoản nợ chuyển quá hạn đều là giải pháp tác động của ngân hàng lên khách hàng khi mọi việc đã rồi, vì thế ngân hàng luôn ở trạng thái bị động.

Để việc xử lý thu hồi nợ được nhanh hơn và giảm thiểu chi phí, Chính phủ cần hoàn thiện quy trình xử lý tài sản đảm bảo từ khâu đấu giá đến khâu thi hành án, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cũng như khuyến khích giao dịch thoả thuận đúng luật nhằm giúp các ngân hàng nhanh chóng thu hồi được nợ từ các tài sản đảm bảo.

- Quản trị thanh tra chế độ báo cáo:

Hệ thống quản trị thanh tra giám sát của các ngân hàng hiện nay vẫn còn coi trọng công tác thanh tra tại chỗ, xem nhẹ công tác thanh tra giám sát từ xa và

kiểm toán nội bộ. Việc giám sát từ xa, kiểm toán nội bộ mục đích là cung cấp những thông tin cần thiết, tín hiệu cảnh báo nhằm ngăn chặn sớm, phát hiện kịp thời những sự cố để có hướng khắc phục, phòng ngừa hiệu quả.

Muốn thực hiện được tốt vấn đề này, các ngân hàng cần phải xây dựng, thiết lập đội ngũ kiểm tra giám sát có trình độ, chuyên môn cao, luôn được đào tạo nghiệp vụ vững chắc và cập nhật mới để nắm bắt kịp thời những sự cố và kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó phải định kỳ kiểm tra giám sát các hoạt động của ngân hàng để giảm thiểu được những sai sót có thể xảy ra. Đồng thời phải thực hiện nghiêm ngặt các chế độ báo cáo, báo cáo hàng tháng, hàng quý đều đặn, đảm bảo tính chính xác khách quan và minh bạch

3.3.2. Kiến nghị đối với Sacombank

- Để quản trị rủi ro tín dụng nói riêng và quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh của một NHTM nói chung đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, từ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến hiện đại hoá công nghệ, tăng cường khâu kiểm tra và kiểm soát, xây dựng ý thức đạo đức nghề nghiệp

- Trong tình hình hoạt động hiện nay tôi đề xuất một số nội dung quản ly và kiểm soát rủi ro tín dụng, nợ quá hạn phát sinh do nguyên nhân khách quan, đào tạo và sử dụng chương trình T24-R8 như sau:

+ Để đưa công tác thu hồi nợ xấu thông qua các hoạt động tố tụng trong hệ thống các ngân hàng thương mại được quản ly thống nhất và đảm bảo các bước quy trình theo quy định pháp luật, các phòng hỗ trợ kinh doanh tại các chi nhánh trong hệ thống ngân hàng cần thực hiện những nội dung sau đây:

* Tập trung và rà soát lại tất cả những món nợ quá hạn từ nhóm 3 đến nhóm 5, tiến hành lên danh sách những khách hàng không có thiện y trả nợ, căn cứ vào thời gian quá hạn nợ cụ thể của từng khách hàng mà đưa vào khởi kiện trong 3 tháng cuối năm 2009 và năm 2010 (theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự ngân hàng chỉ có quyền khởi kiện trong vòng 2 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp hợp đồng tín dụng)

* Chỉ đạo đôn đốc trả nợ bằng văn bản đối với những khách hàng nằm trong diện sẽ khởi kiện, ít nhất là hai lần cho mỗi khách hàng(kể cả người thế chấp, bảo lãnh cho món vay) trước khi tiến hành làm hồ sơ khởi kiện bằng hai hình thức: biên bản đôn đốc trả nợ và thông báo yêu cầu trả nợ.

* Tiến hành lập hồ sơ khởi kiện gồm có những giấy tờ, tài liệu sau đây: bản sao CMND, hộ khẩu khách hàng; bản sao giấy chứng nhận đăng ky kinh doanh (nếu có); bản sao hợp đồng tín dụng; bản sao giấy nhận nợ; bản sao hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản; bản sao biên bản thẩm định giá trị tài sản đảm bảo tiền vay; bản sao quyền sở hữu tài sản đảm bảo tiền vay; bản sao các biên bản đôn đốc nợ, thông báo yêu cầu trả nợ, các giấy tờ cam kết trả nợ của khách hàng; bản tính gốc và lãi của khách hàng tại thời điểm khởi kiện(có xác nhận của kế toán theo dõi món nợ trên); giấy đề nghị khởi kiện khách hàng của CVQHKH (có ý kiến của Trưởng Phòng và lãnh đạo chi nhánh ngân hàng)

* Khi đề nghị khởi kiện khách hàng có nợ xấu, chi nhánh cần lưu y chỉ đạo CVQHKH kiểm tra xác minh chính xác địa chỉ của khách hàng kể cả nơi tạm trú trường xuyên (nếu có), địa chỉ tài sản và cả địa chỉ của người có tài sản đảm bảo cho món vay. Nếu cung cấp địa chỉ không đúng với thực tế khiến toà không triệu tập được đương sự thì toà án sẽ trả lại hồ sơ cho ngân hàng hoặc tạm đình chỉ vụ án theo đúng quy định của pháp luật về tố tụng.

* Sau khi tập hợp đầy đủ các tài liệu trên đây thì nhân viên ngân hàng tiến hành soạn thảo văn bản khởi kiện đồng thời tham mưu cho lãnh đạo chi nhánh ngân hàng thông báo cho khách hàng lần cuối cùng (gởi kèm theo đơn kiện của ngân hàng) trong đó ghi rõ thời hạn cuối cùng phải trả hết nợ nếu không muốn bị khởi kiện ra trước toà án, phải chịu án phí và bị xử ký tài sản đảm bảo nợ vay.

Một phần của tài liệu quản trị rủi ro tín dụng tại sacombank đà nẵng (Trang 103 - 112)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w