7. Cấu trúc của luận văn
3.2.3. Giọng thơ nhẹ nhàng, hoài niệm
Giọng thơ nhẹ nhàng hoài niệm là một giọng thơ chủ đạo trong việc thể hiện phong cách nghệ thuật Vũ Quần Phương. Bởi không phải ở cái tuổi đã đứng bóng, ông mới nhớ về những ký ức ngày hôm qua mà với một tạng thơ luôn trầm buồn của con người ưa nghĩ ngợi. Ông nghĩ về tất cả những gì đã và đang xảy ra trong cuộc sống với một giọng thơ nhẹ nhàng như thủ thỉ tâm tình. Vốn xuất phát cùng thời với các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ, cùng “vào sinh ra tử” ở chiến trường ác liệt với cương vị một bác sĩ hoạt động ở tuyến hai. Thường xuyên phải tiếp xúc với những người bệnh bị thương do chiến tranh, đối diện với tử thần từng phút giây. Ông thấm thía những hi sinh mất mát của những con người đã trải qua thời chiến. Nên ông sao có thể quên cái thời khắc:
Hai mươi tuổi con đi - đất nước hóa con đường Hai mươi tuổi hát ca - Đất nước thành bài hát
(Viết cùng đồng đội)
Có ai mà quên được những năm tháng chiến tranh gian khổ mà hào hùng ấy. Tất cả họ đều in hằn những kỉ niệm mà suốt đời không bao giờ quên về đồng đội của mình. Vũ Quần Phương hẳn cũng như các nhà thơ thời chống Mỹ khác đều chân thành như vậy:
Có những điều tưởng đã trôi xa Bỗng trở lại giữa hồn ta chi chít
(Âm thanh im lặng)
Thế nên khi trở về cuộc sống hòa bình, ông vẫn còn đó nỗi đau đáu khôn nguôi cho những hình ảnh nơi chiến trường:
Mùa này rừng đã đổ mưa Anh em trạm ấy bây giờ ở đâu Võng đưa trên tám tầng lầu
Bâng khuâng nhớ góc hầm sâu giữa rừng
(Đêm đầu tiên vào Sài Gòn ngủ võng)
Khi nghe cô ca sĩ trẻ hát bài hát về Trường Sơn, những thiếu thốn, gian khổ, hi sinh của đồng đội lại hiện hữu trong tâm trí ông. Ông không muốn thế hệ hôm nay quên những gian khổ cha anh đã trải qua:
Đêm Sài Gòn đỏ rực cờ bay:
Trước sân khấu tôi ngồi nghe em hát Em tô đỏ môi son, em kẻ xanh mi mắt Cô gái ấy ở rừng không có gương soi
(Cô ca sĩ Sài Gòn hát bài hát Trường Sơn)
Bằng giọng thơ nhẹ nhàng hoài niệm, ông đưa độc giả trở về những năm tháng chiến tranh khi nhớ đến những thiếu thốn, hi sinh mà những cô thanh niên xung phong dũng cảm trên tuyến đường Trường Sơn năm nào đã hi sinh cả tuổi thanh xuân, thậm chí cả tính mạng của mình cho nền độc lập của dân tộc:
Những cô gái yêu đời cả thu đông xuân hạ Chưa một lần thong thả trước gương soi
(Bài hát)
Hay:
Sóng vỡ òa trên đỉnh đá lô xô chị Sáu hát khi quân thù ngắm bắn Mái tóc chị bay theo chiều gió mặn Mái tóc xanh xanh mãi đến bây giờ
(Nghĩa địa Hàng Dương)
Ông luôn hướng Về nguồn:
Núi ngàn Việt Bắc Trấn thủ mũ man
Thóc chảy sang đò Lô nhô bộ đội
Con gió thổi chín năm còn thổi Trên từng ngọn lá lối ta qua
(Về nguồn)
Giọng thơ nhẹ nhàng của ông không chỉ hoài niệm về chiến tranh, mà hướng về tất cả những gì đã diễn ra trong cuộc đời ông, thể hiện ở các chủ đề trong thơ ông viết. Ông hoài niệm về mẹ, về con cái, về trường xưa, về các nhà thơ, về cỏ cây muông thú,… Đó là khi đứng trước Căn nhà xưa, nơi có người mẹ hiền từ nay đã xa mà xót xa thương nhớ:
Chiếc dây phơi mẹ tôi phơi đứng kiễng
Hai mươi mốt năm rồi đâu còn nghe tiếng mẹ Chiếc dây còn thì cũng hóa xa xôi
(Căn nhà xưa)
Hay có khi, chỉ là một lần thất hứa với con mà ông nhớ mãi: Bố hứa bắt cho con con ve
Ve chưa kịp bắt đã qua hè Mùa sau con lớn chơi trò khác Bố một mình bên cây lắng nghe
(Lỡ)
Đằng sau những hoài niệm là cả một tấm lòng của người cha với con. Đồng thời ẩn trong đó là những chiêm nghiệm, những triết lí mà nhà thơ đúc rút được. Những cái gì trong cuộc đời đã lỡ rồi thì không thể làm lại được. Những lỗi lầm trong quá khứ vẫn biết nó sẽ là những bài học cho ta nhưng nó cũng là những nỗi đau có khi âm thầm, có khi mãnh liệt mà con người sẽ phải đối mặt và tìm cách vượt qua.