Bảo hộ cũng có thể ảnh hưởng tới những sản phẩm có giá trị cao hơn như xe hơi - một ngành công nghiệp vốn đã từng nhiều lần được các nhóm lợi ích chính trị hùng mạnh ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ bảo hộ.
Vào thập niên 1970 và 1980, ngành sản xuất xe hơi ở Hoa Kỳ phải đối mặt với thách thức lớn đầu tiên từ cạnh tranh với nước ngoài khi các hãng sản xuất xe hơi của Nhật Bản ráo riết thâm nhập thị trường Hoa Kỳ. Khi thị phần của Nhật Bản trên thị trường Hoa Kỳ tăng lên, ba đại gia của làng sản xuất xe hơi Hoa Kỳ - Ford, Chrysler và General Motors - đã vận động chính quyền liên bang áp đặt hạn ngạch với số xe hơi Nhật Bản có thể xuất sang Hoa Kỳ. Năm 1981, Chính quyền Reagan đã nhất trí áp đặt các biện pháp bảo hộ như vậy bất chấp Tổng thống Reagan đi theo triết lý thị trường tự do, với lý do ngành sản xuất xe hơi và phụ tùng xe hơi tạo nhiều công ăn việc làm ở Hoa Kỳ. Hơn nữa, công ăn việc làm chủ yếu tập trung ở một số tiểu bang có vị trí cốt yếu về chính trị - Michigan, Ohio và Illinois - vốn có ảnh hưởng rất lớn trong các kỳ bầu cử Quốc hội và bầu cử tổng thống.
Biện pháp hạn chế nhập khẩu hàng năm như vậy đã lợi bất cập hại vì nó khuyến khích các hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản thay đổi chủng loại xe xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Họ xuất sang Hoa Kỳ nhiều mẫu xe hạng sang hơn vì thu được lợi nhuận cao nhất, đồng thời giảm lượng xuất khẩu xe cỡ nhỏ và rẻ tiền hơn. Người ta ước tính ở thời kỳ đỉnh cao đầu thập niên 1980, biện pháp hạn ngạch mỗi năm đã giúp cho các hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản kiếm thêm được 5 tỷ đô-la bởi lẽ người Nhật đã bán lượng xe nằm trong hạn ngạch với giá cao hơn. Mặc dù có biện pháp bảo hộ như vậy, ngành sản xuất xe hơi Hoa Kỳ tiếp tục mất thị phần trước các hãng xe Nhật Bản, chỉ đơn giản vì Toyota, Nissan và Honda đã lách được rào cản thương mại và bắt đầu sản xuất xe hơi ngay tại Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ không phải là nước duy nhất áp dụng chính sách bảo hộ do có sức ép về chính trị.
Ví dụ; năm 2005, ở Hàn Quốc, các hãng sản xuất xe hơi nước ngoài từ Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ chỉ bán được 30.000 xe hơi, chỉ chiếm 3,3% thị trường Hàn Quốc. Cũng trong năm đó, các hãng xe hơi Hàn Quốc bán hơn 1,5 triệu xe ở nước ngoài. Tổng mức thuế và thuế quan nhập khẩu 8% tính theo dung tích động
cơ đã khiến cho mỗi chiếc xe nhập khẩu trị giá 30.000 đô-la bị tăng thêm 9.000 đô-la nữa. Hơn nữa, thời gian gần đây, chính phủ Hàn Quốc lại kiểm toán lợi nhuận thuế của bất kỳ ai mua xe hơi nhập khẩu - rõ ràng đây là cách cản trở việc mua xe có thương hiệu của nước ngoài.