Hệ thống đông cầm máu

Một phần của tài liệu nghiên cứu sự thay đổi xét nghiệm tế bào và đông máu ở phụ nữ có thai 3 tháng cuối (Trang 41 - 43)

ở nghiên cứu này của chúng tôi, chúng tôi có sử dụng một số xét nhiệm đông máu , tế bào thường quy đang được thực hiện ở bệnh viện. cụ thể như , xét nghiệm PT để đánh giá con đường đông máu ngoại sinh, xét nghiệm APTT để đánh giá con đường đông máu nội sinh…

4.2.2.1. Đường đông máu ngoại sinh

Trong nghiên cứu này, chúng tôi đánh giá đường đông máu ngoại sinh thông qua xét nghiệm PT.

PT (Prothrombin time : Thời gian prothrombin) có thể được biểu thị kết quả bằng phần trăm (PT%) so với bình thường hoặc thể hiện bằng INR.

PT thể hiện kết quả bằng phần trăm (PT%) còn được gọi là tỷ lệ prothrombin. Tỷ lệ này tăng nói lên tăng hoạt hóa con đường đông máu ngoại sinh [14], [17], [25].

Qua kết quả ở bảng 3.9 cho thấy ở thai phụ, tỷ lệ PT% tăng cao có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng (p<0,05). Bảng 3.10 cho thấy có 8,7% thai phụ PT% tăng trên 140%. Kết quả này là phù hợp với nghiên cứu gần đây của Hoàng Hương Huyền (2010) trên 571 thai phụ, có 5,4% thai phụ PT% tăng trên 140%.

Như vậy, qua kết quả PT% cho thấy ở thai phụ có tình trạng tăng hoạt hóa con đường đông máu ngoại sinh.

4.2.2.2. Đường đông máu nội sinh

Để khảo sát con đường đông máu nội sinh, trong nghiên cứu chúng tôi xét nghiệm thời gian thromboplastin từng phần hoạt hóa (APTT: Activated partial thromboplastin time).

APTT rút ngắn phản ánh tình trạng tăng hoạt hóa con đường đông máu nội sinh [10], [19].

Kết quả xét nghiệm APTT trong nghiên cứu của chúng tôi được thể hiện trong bảng 3.9 cho thấy: rAPTT ở nhóm thai phụ rút ngắn không có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng (P>0,05).

4.2.2.3. Đường đông máu chung

Thuật ngữ đường đông máu chung là chỉ giai đoạn chuyển fibrinogen thành fibrin dưới tác dụng của thrombin.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng xét nghiệm định lượng nồng độ fibrinogen để đánh giá giai đoạn chuyển fibrinogen thành fibrin.

Kết quả bảng 3.9 cho thấy nồng độ fibrinogen tăng cao có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng (p<0,01), trong đó có 89,2% thai phụ có nồng độ fibrinogen tăng trên 4g/l. Không có trường hợp nào nồng độ fibrinogen dưới 2g/l.

Vai trò của fibrinogen là vô cùng quan trọng trong đông máu. Mục đích cuối cùng của dòng thác đông máu cũng chính là để chuyển fibrinogen thành fibrin để tạo mạng lưới giam giữ hồng cầu và tiểu cầu, hình thành nút cầm máu vững chắc. Sự tăng fibrinogen trong huyết tương cho thấy có hiện tượng tăng hoạt hóa đông máu nội sinh và ngoại sinh [2].

Như vậy, kết quả nghiên cứu hệ thống đông máu trên 195 phụ nữ có thai 3 tháng cuối của chúng tôi cho thấy có tình trạng tăng hoạt hóa đông máu theo hướng tăng đông ở những thai phụ này.

Tăng đông máu ở phụ nữ có thai 3 tháng cuối do tăng hoạt hóa con đường đông máu ngoại sinh, đường chung, tăng nồng độ fibrinogen. Tăng hoạt hóa con đường đông máu ngoại sinh được thể hiện ở sự tăng tỷ lệ PT% ở các thai phụ. Tăng hoạt hóa giai đoạn chuyển fibrinogen thành fibrin được phản ánh qua tăng nồng độ fibrinogen.

Kết quả nghiên cứu sự thay đổi hệ thống đông máu trên phụ nữ có thai 3 tháng cuối của chúng tôi là phù hợp với một số nghiên cứu của các tác giả khác.

Tác giả Liu XH, Jiang YM, Shi H, Yue XA năm 2009 nghiên cứu sự thay đổi một số chỉ số xét nghiệm đông máu ở 232 phụ nữ có thai 3 tháng cuối tại Trung Quốc cho thấy ở những thai phụ này có tình trạng tăng đông máu. Cụ thể: PT%, fibrinogen và các sản phẩm thoái giáng fibrin tăng cao có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng [36].

FI Buseri, ZA Jeremiah và FG Kalio năm 2008 nghiên cứu ảnh hưởng của thời kỳ mang thai đến một số chỉ số đông máu: PT%, APTT, fibrinogen và yếu tố VII trên 126 thai phụ Nigieria cho thấy có sự tăng hoạt hóa đông máu nội sinh và ngoại sinh, con đường chung. Kết quả nghiên cứu của các tác giả này cũng cho thấy tuổi thai phụ ảnh hưởng đến tình trạng tăng đông: Tăng tuổi mẹ (>40 tuổi) có thể là một yếu tố nguy cơ gây tăng đông.[33]

Nghiên cứu của Ekateria H. Uchikova năm 2004 trên 35 thai phụ mang thai tuần 35 đến 40 và nhóm chứng gồm 35 phụ nữ khỏe mạnh trong lứa tuổi sinh đẻ. Kết quả cho thấy hoạt tính yếu tố VII, X, nồng độ fibrin tăng cao có ý nghĩa thống kê ở nhóm thai phụ so với nhóm chứng. nghiên cứu cũng đi đến kết luận: Trong thời kỳ có thai hoạt tính tăng đông cân bằng với hoạt tính tiêu fibrin làm cho hệ thống đông máu được cân bằng [30].

Gần đây, nghiên cứu của Hoàng Hương Huyền trên 571 phụ nữ mang thai 3 tháng cuối tại khoa sản bệnh viện Bạch mai năm 2010 cho thấy có sự tăng hoạt hóa đông máu con đường nội sinh, ngoại sinh, con đường chung và tăng sản phẩm giáng hóa của fibrin có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng[2].

Một phần của tài liệu nghiên cứu sự thay đổi xét nghiệm tế bào và đông máu ở phụ nữ có thai 3 tháng cuối (Trang 41 - 43)