Khái quát về các di tích tiêu biểu thờ Nữ tướng LêChân trong cả nước

Một phần của tài liệu Tìm hiểu các công trình kiến trúc tưởng niệm nữ tướng lê chân ở hải phòng và tiềm năng phát triển du lịch (Trang 30 - 33)

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra những năm đầu công nguyên đã giáng một đòn nặng nề vào ách đô hộ mà các triều đại phong kiến phương Bắc áp đặt lên đất nước ta, là nguyên nhân trực tiếp đưa đến sự suy yếu và sụp đổ của nhà Đông Hán. Phạm vi cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Giao Châu (Bắc Bộ), đã thu hút nhiều nghĩa sĩ tham gia, hưởng ứng, đặc biệt có nhiều nữ tướng. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, nơi đây cũng là vùng xuất hiện số lượng nhiều những ngôi đền thờ các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng để tỏ lòng ngưỡng vọng, thành kính với tiền nhân. Một trong những nhân vật lịch sử được nhân dân thờ phụng nhiều nhất chính là nữ tướng Lê Chân. Hệ thống các di tích thờ nữ tướng Lê Chân tập trung chủ yếu ở vùng ven biển duyên hải đồng bằng Bắc Bộ gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Hà Nội. Quảng Ninh là quê hương của bà, nơi cha mẹ bà đã lên núi Yên Tử để cầu tự sinh ra bà, do đó tại làng Vẻn, xã Thuỷ An, huyện Đông Triều, tỉnh Quang Ninh hiện nay có đền thờ bà là đền An Biên. Vùng đất Hải Phòng là nơi bà đã cùng dân khai hoang, lập ấp, lấn biển, cải tạo đất mặn ven biển thành vùng trồng lúa cung cấp cho nhân dân. Khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng giành thắng lợi, bà được phong là Thánh Chân Công chúa, giao trấn giữ miền cửa biển nơi cửa ngõ của đất nước với chức: “Chưởng quản binh quyền”. Khi bà hy sinh, nhân dân Hải Phòng đã lập đền Nghè (An Biên cổ miếu - trên phố Mê Linh ngày nay) và Đình An Biên (phố Hai Bà Trưng), đình Vẻn (còn gọi là đền An Biên hay đình Vẻn ngoài, ở ngõ 2, đường Hồ Sen) để thờ bà. Ngoài ra, còn có Đền Lê Chân ở khu vực núi Voi, An Lão. Đây

31

là những công trình kiến trúc tâm linh tiêu biểu đối với nhân dân thành phố Hải Phòng. Một địa điểm thờ phụng khác là tại thủ đô Hà Nội ngày nay, nơi bà cho lập sới vật để huấn luyện quân sĩ tham gia chiến trận bảo vệ đất nước là đình làng Hoàng Mai (quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Sau trận kịch chiến tại Lãng Bạc (Tiên Sơn, Hà Bắc) thất bại, Hai Bà Trưng tuẫn tiết, để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài với quân xâm lược, Lê Chân cho rút quân về vùng núi Lạt Sơn thuộc huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam), và sau đó bà đã anh dũng hy sinh tại nơi này. Cảm phục gương người nữ anh hùng, dân làng Lạt Sơn đã lập đền thờ bà, quanh năm hương khói thờ phụng.

Đa số các di tích kể trên đã được các tỉnh, thành phố và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa, được nhân dân các địa phương chăm sóc, gìn giữ cẩn thận, được nhà nước cấp vốn trùng tu tôn tạo ngày một khang trang, đẹp đẽ để tri ân một vị nữ tướng của dân tộc buổi đầu thời kỳ dựng nước.

Phần viết sau đây xin giới thiệu sơ lược vài nét về các di tích thờ Nữ tướng Lê Chân tại các địa phương khác ngoài địa bàn Hải Phòng:

* Đền An Biên, quê hương phát tích:

Đền An Biên tọa lạc trên sườn núi Vẻn, thuộc làng Vẻn cổ, thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đền An Biên được khởi dựng từ lâu đời, song trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử và sự tàn phá của thực dân Pháp, đền bị hủy hoại. Năm 1993, với tấm lòng biết ơn các anh hùng dân tộc, Ủy ban nhân dân xã Thủy An và nhân dân trong vùng đã dựng lại ngôi đền trên nền xưa. Năm 2002, xây dựng tiếp tượng đài nữ tướng Lê Chân trong khuôn viên di tích.

Đền An Biên xưa có tên là đền Suối bởi bên trái đền có dòng suối nhỏ, nước trong vắt chảy quanh năm. Đền tựa lưng vào sườn núi Vẻn. Phía trước mặt,

32

cách đền 500m là dòng sông Đạm Thủy uốn lượn mềm mại, xa xa có hàng núi Công làm án, bên phải và bên trái đều có núi chầu về. Địa thế xây dựng nơi đây thật đắc địa, có tả thanh long, hữu bạch hổ, trước có chẩm, sau có án. Đền quay hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ đinh, bái đường ba gian, hậu cung một gian. Mái kết cấu kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Nền đền được tôn rất cao, tạo sự uy nghiêm, bề thế cho công trình [13].

* Đình làng Hoàng Mai (phường Mai Động, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) nơi huấn luyện quân sĩ:

Theo một số tài liệu dân gian, Lê Chân là tướng tiên phong của Bà Trưng, đem quân cự chiến với quân Mã Viện ở sông Bạch Đằng, sau đó rút lui về hồ Tây (Hà Nội). Ở đây, bà đã chiến đấu rất anh dũng với quân Hán, nhưng quân ít, thế địch mạnh, bà đã phải lui về làng Mai Động (Hà Nội). Trong thời gian ngắn ngủi trấn thủ ở đây, bà đã mở sới vật để huấn luyện quân sĩ. Do đó, tại làng Mai Động cũng lập đền thờ bà và tôn bà là Thành Hoàng làng. Hàng năm làng mở hội vào các ngày 4,5,6 tháng 1 âm lịch. Vào ngày hội, dân làng chuẩn bị lễ vật cúng thần và sau những lễ nghi truyền thống, là các cuộc đấu vật diễn ra ở Đồng Vật. Hội vật làng Mai Động đến nay vẫn được duy trì và tổ chức trong ngày hội làng [13].

* Đền Lê Chân ở Lạt Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), nơi ghi dấu chiến trận cuối cùng:

Năm 42, Hán Quang Vũ sai Mã Viện cùng bọn Lưu Long, Đoàn Chí sang xâm lược nước ta một lần nữa, Lê Chân cùng các tướng sĩ đã chiến đấu dũng cảm dưới lá cờ độc lập của Hai Bà Trưng. Song do lực lượng địch quá mạnh, quân ta tổn thất nặng nề, Hai Bà đã tuẫn tiết trên dòng sông Hát. Trước thế giặc mạnh, nữ tướng Lê Chân đã rút quân về vùng rừng núi Lạt Sơn để bảo toàn lực lượng, xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng. Theo truyền thuyết, Đại quân đóng ở Thung Dâu, Thung Hiên, Thung Bể, đội quân tiền phương đóng ở Mộc Bài, tổng chỉ huy

33

đóng ở hang Diêm, thuộc vùng núi Lạt Sơn - Kim Bảng, Nam Hà. Lực lượng của nghĩa quân mới bắt đầu phát triển thì Mã Viện đã kéo đến vây hãm, đánh phá điên cuồng. Nữ tướng Lê Chân cùng các tướng sĩ đã quyết chiến với quân thù, song do lực lượng quá chênh lệch, nữ tướng Lê Chân đã gieo mình xuống Giát Dâu để giữ trọn khí tiết.

Nhớ công ơn người liệt nữ, nhân dân vùng Lạt Sơn đã lập đền thờ. Đền nằm ở phía Tây Nam thôn Lạt Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng. Tương truyền đền có từ lâu đời, được dựng tại điểm đầu căn cứ trú quân của nữ tướng Lê Chân. Đền tọa lạc dưới chân đồi ông Tượng, mặt chính diện quay hướng Nam. Đền Lê Chân có quy mô kiến trúc vừa phải, bố cục mặt bằng hình chữ Đinh, tiền đường ba gian hai chái, hậu cung một gian. Thức kiến trúc tòa tiền đường theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, mái lợp ngói mũi hài, diềm mái tạo dải lá đề. Phần cổ diêm giữa hai tầng mái phía ngoài mặt chính đắp bốn chữ “Lê Anh nữ tướng” [13].

Một phần của tài liệu Tìm hiểu các công trình kiến trúc tưởng niệm nữ tướng lê chân ở hải phòng và tiềm năng phát triển du lịch (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)