Tư duy về phát triển các KCN chậm đổi mới làm hạn chế sự phát triển các KCN. Nhận thức của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp về mối liên hệ chặt chẽ giữa lợi ích kinh tế với lợi ích xã hội trong phát triển của các KCN còn hạn
chế; các nhà quản lý ở một số địa phương chưa thực sự ý thức vấn đề bảo vệ môi trường, đảm bảo các vấn đề xã hội như đời sống, nhà ở của người lao động… nhằm mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững KCN dẫn tới việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, pháp luật về lao động của doanh nghiệp còn lỏng lẻo.
Một điểm quan trọng nữa cần phải thay đổi đó là tư duy phương thức hỗ trợ phát triển các KCN cùng với mong muốn quá mức của các địa phương dẫn đến các quyết định phát triển các KCN ở những nơi chưa có điều kiện nên các KCN đó đầu tư kéo dài, chậm phát huy hiệu quả.
Đổi mới tư duy, nhận thức trong phát triển các KCN cần được thống nhất từ các nhà hoạch định chính sách ở trung ương và địa phương để phù hợp với thực tiễn phát triển. Cần thống nhất nhận thức KCN là một dự án đầu tư quy mô lớn, dài hạn. Đó là việc phát triển có tính toán cho một quãng thời gian dài.Trong tổ chức thực hiện cần kiên trì và cùng hiệp lực thì mới bảo đảm phát huy hiệu quả của nó vì lợi ích của ngành, của địa phương và của nền kinh tế.Đề phòng nguy cơ phát triển kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực, hoặc thiên hướng ngược lại, chùn bước, nản chí trước một số khó khăn, trở ngại, thách thức tạm thời trước mắt.
Phát triển KCN cần theo hướng gia tăng hàm lượng kỹ thuật – công nghệ trong sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh khu vực và quốc tế, chuyển dần từ phát triển KCN theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, lựa chọn những ngành công nghệ cao, công nghệ cơ khí, công nghiệp phù trợ.