Chương trình kiểm toán là sự cụ thể các thủ tục kiểm toán cần thực hiện đối với từng khoản mục hay bộ phận được kiểm toán. Chương trình kiểm toán được thiết kế làm 3 phần: trắc nghiệm công việc, trắc nghiệm phân tích và trắc nghiệm số dư.
Trắc nghiệm công việc: là cách thức và trình tự rà soát các nghiệp vụ hay hoạt động cụ thể trong quan hệ với sự tồn tại và có hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ mà trước hết là hệ thống kế toán .
Trắc nghiệm phân tích là cách thức xem xét các mối quan hệ kinh tế và xu hướng biến động của các chỉ tiêu kinh tế thông qua việc đối chiếu trị số của các chỉ tiêu hoặc bộ phận cấu thành chỉ tiêu tùy theo đối tượng và yêu cầu kiểm toán, các hướng phân tích có thể áp dụng khác nhau hoặc kết hợp phân tích ngang, phân tích dọc, phân tích chéo.
Trắc nghiệm trực tiếp số dư: là cách thức kết hợp các phương pháp kiểm toán cân đối, đối chiếu trực tiếp, đối chiếu logic với kiểm kê và điều tra thực tế để xác định độ tin cậy của số dư cuối kỳ.
Chương trình kiểm toán được thiết kế bao gồm những nội dung:
• Xác định những số dư tài khoản nào cần kiểm tra trực tiếp dựa trên việc phân tích rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát.
• Xác định các mục tiêu kiểm toán được cụ thể hóa vào từng khoản mục, số dư. Ví dụ: chương trình kiểm toán phải thu khách hàng, mục tiêu quyền và nghĩa vụ: tất cả các khoản phải thu đều thuộc quyền sở hữu của công ty khách hàng.
• Xác định các tài liệu cần thu thập cho kiểm toán khoản mục đó.
• Xác định các thủ tục kiểm toán cần thực hiện, người đảm nhiệm thực hiện, thời gian thực hiện cho mỗi thủ tục.
• Xác định các thủ tục kiểm toán bổ sung như xem xét các khoản số dư ngoại tệ theo tỷ giá thực tế tại ngày kết thúc năm tài chính.
Trên cơ sở những thông tin nêu trên, kiểm toán viên thiết lập kế hoạch cho cuộc kiểm toán.
Kiểm toán tài chính đang đang trên con đường phát triển mạnh mẽ của nó và ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Phát triển kiểm toán là thể hiện sự phát triển của nền kinh tế. Nhu cầu đòi hỏi chất lượng thông tin tài chính ngày càng cao dẫn tới yêu cầu chất lượng và hiệu quả của các cuộc kiểm toán cũng phải được nâng cao lên. Quyết định đến chất lượng kết quả kiểm toán, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải kể đến một kế hoạch kiểm toán hợp lý và khoa học. Vì vậy lập kế hoạch có vai trò quan trọng, tiền đề cho sự thành công của cuộc kiểm toán, trở thành nội dung không thể thiếu được cho quá trình kiểm toán.
Qua thời gian tìm hiểu về đề tài “ lập kế hoạch trong kiểm toán báo cáo tài chính”, em đã đi sâu nghiên cứu các nội dung sau: các loại kế hoạch kiểm toán trong kiểm toán tài chính bao gồm: kế hoạch chiến lược, kế hoạch tổng thể, kế hoạch chi tiết; vai trò và các bước cần thiết để thiết lập các kế hoạch trên. Đây là cơ sở lý luận cần thiết cho việc lập kế hoạch kiểm toán trong thực tiễn.
Tuy nhiên, do trình độ hạn chế của sinh viên năm thứ tư và thời gian nghiên cứu có hạn nên không thể tránh được những sai sót. Vì vậy em mong được sự giúp đỡ của thầy cô, các bạn để bài viết được hoàn thiện hơn.
Một lần nữa em xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn tận tình của thầy ThS. CPA. Trần Mạnh Dũng.