Xã hội hóa giáo dục – nhà nước và nhân dân cùng làm

Một phần của tài liệu Vấn đề phát triển nguồn nhân lực việt nam (Trang 25 - 27)

Trước nhất, xã hội hoá giáo dục là phải huy động toàn dân tham gia vào sự nghiệp giáo dục toàn diện thế hệ trẻ đang theo học trong các nhà trường. Việc dậy và học trong nhà trường không đơn thuần là việc của các thầy cô giáo, mà đó còn là việc của cha mẹ và các tổ chức đoàn thể ngoài xã hội mà ở đây vai trò Đoàn thanh niên và Đội thiếu niên rất quan trọng. Cha mẹ, người lớn sống gương mẫu, tôn trọng pháp luật, giữ gìn kỷ cương phép nước, có đời sống lành mạnh chính là sự đóng góp tốt nhất cho việc xây dựng lý tưởng và giáo dục đạo đức cho học sinh. Bởi vậy điều đáng quan tâm số một trong việc thực hiện xã hội hoá giáo dục ở từng địa phương chính là việc phải xây dựng bằng được môi trường sống lành mạnh, có văn hoá. Không làm được việc này dù có xây trường học đẹp, dù có cố gắng vận động tất cả trẻ em đi học, dù có cải thiện đời sống giáo viên bao nhiêu chăng nữa việc giáo dục con em trong các trường học vẫn chỉ dừng ở kết quả phiến diện, bề ngoài mà thôi.

Xã hội hoá giáo dục còn được thể hiện ở phong trào toàn dân đi học, toàn dân tự học, tự nâng cao trình độ văn hoá của mình, tất cả nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí của toàn xã hội. Những năm qua nhiều địa phương, nhiều bộ ngành, nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhiều dòng họ đã khởi xướng, duy trì và mở rộng phong trào xã hội học tập. Hội khuyến học Việt Nam đi đầu trong việc tổ chức các trung tâm giáo dục cộng đồng, các hội trong Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và nhiều hội khác đã mở nhiều trung tâm đào tạo, mở nhiều khoá đào tạo, phổ biến, nâng cao kiến thức cho mọi tầng lớp nhân dân ở từng địa phương trong phạm vi toàn quốc. Phải khẳng định đây là một trong những thành công nổi trội của hoạt động xã hội hoá giáo dục trong thời gian qua.

Trong hoàn cảnh hiện nay của nước ta, việc huy động tiền của, vật chất, đất đai, sức lực của toàn dân, của toàn xã hội vào phát triển giáo dục là hết sức cần thiết, và đây có thể xem như là một trong những nhiệm vụ cụ thể của xã hội hoá giáo dục. Trên thực tế những năm qua nhiệm vụ này đã được triển khai rất hiệu quả, góp phần xây thêm nhiều trường học, bảo đảm có chỗ học cho con em chúng ta. Tuy nhiên việc mở thêm trường mới vẫn chưa đủ đáp ứng nhiệm vụ đào tạo chung của quốc gia, và ngay việc các trường đã mở vẫn chưa bảo đảm đúng quy cách của một cơ sở giáo dục đào tạo toàn diện. Đại đa số các trường học dân lập mở ra với mục tiêu cao cả là góp phần cùng nhà nước đào tạo giáo dục thế hệ trẻ, đây đó vẫn có trường mở ra với mục đích kinh doanh, kiếm lời, hoặc lợi dụng cơ chế, chính sách để chiếm dụng đất đai.

Xã hôi hoá giáo dục phải đặt trong sự quản lý của nhà nước, đây là một nguyên tắc bất di bất dịch. Nhà nước quản lý các hoạt động giáo dục thông qua hệ thống pháp luật, thông qua các cơ chế chính sách, tạo mọi điều kiện đẻ các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân có thể tham gia đóng góp vào phát triển giáo dục. Bởi vậy nêu cao trách nhiệm quản lý của chính quyền và của nghành giáo dục từ trung ương xuống địa phương, chính là tạo ra động lực tốt nhất cho xã hội hoá giáo dục. Chính quyền và ngành giáo dục các cấp nên thường xuyên hợp tác chặt chẽ và khuyến khích các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội, các cộng đồng dân cư, các dòng họ có nhiều sáng kiến và việc làm cụ thể đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục ở từng địa phương.

Để xã hội hoá giáo dục luôn luôn phát triển đúng hướng, cần có sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của các cấp uỷ Đảng. Các cấp uỷ Đảng bên cạnh việc chăm lo giáo dục cán bộ đảng viên gương mẫu chấp hành dường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cần chú trọng hướng dẫn cho chính quyền và các tổ chức đoàn thể, xã hội như: Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên, Hội khuyến học, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân… những định hướng cụ thể cho các hoạt động xã hội hoá giáo dục.

Một phần của tài liệu Vấn đề phát triển nguồn nhân lực việt nam (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(34 trang)
w