III. Quy luật về các hiện tượng nhịp điệu:
a. Phân loại
(i) Phân loại theo thời hạn: nhịp điệu ngày đêm, nhịp điệu mùa, nhịp điệu nội thế kỉ, nhịp điệu siệu thế kỉ, nhịp điệu địa chất.
(ii) Phân loại theo nguồn gốc phát sinh: căn cứ vào nguyên nhân làm cơ sở cho tính nhịp điệu các quá trình trong LLE, Snitnikov (1968) phân biệt 4 loại hình nhịp điệu cơ bản sau đây:
1. Các nhịp điệu nguồn gốc địa vật lí do Mặt Trời nghĩa là gây nên bởi những thay đổi trong khí quyển của Mặt Trời (Sự hình thành những vết đen, những tai lửa...). Những thay đổi này dẫn đến sự làm nhiễu loạn từ trường của Trái Đất, hoàn lưu của khí quyển và tác động vào nhiều quá trình khác. Những nhịp điệu quen thuộc là nhịp điệu 11 - 23 năm. Chúng thể hiện trong những dao động của khí hậu, các quá trình thủy văn, đóng băng biển và các quá trình sinh vật (đặc biệt được ghi lại trong các vòng năm của cây) và ngay cả trong hoạt động địa chấn.
2. Các nhịp điệu có bản chất thiên văn và gây nên những thay đổi trong sự chuyển động của Trái Đất theo quỹ đạo dưới ảnh hưởng của các hành tinh khác (những dao động tâm sai của quỹđạo, độ lệch của trục Trái Đất đối với mặt phẳng
của quỹ đạo...). Những nhiễu loạn này ảnh hưởng đến sự chiếu sáng Trái Đất bởi Mặt Trời và dĩ nhiên đến khí hậu.
3. Các nhịp điệu cũng có nguồn gốc thiên văn, nhưng gắn liền với sự chuyển vị của các vật thể trong hệ thống Trái Đất - Mặt Trời - Mặt trăng, do đó xuất hiện sự không đồng đều của lực hấp dẫn và sự thay đổi của lực sinh thủy triều.
4. Các nhịp điệu địa chất lâu dài nhất mà bản chất vẫn còn chưa biết rõ, nhưng chắc có lẽ cũng có liên quan với các nhân tố thiên văn, song biểu hiện trước hết trong các quá trình địa chất. Chu kì địa chất lớn nhất với thời hạn 165 - 180 triệu năm chắc hẳn trùng với năm thiên hà, nghĩa là thời gian quay trọn một vòng của hệ Mặt Trời xung quanh trục thiên hà của nó.