Xuất giải pháp chính sách

Một phần của tài liệu Phân tích chính sách chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn Việt Nam (Trang 26)

► Cơ chế chính sách chung về đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đào tạo nghề cho các lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp dựa trên hình thức đào tạo tại chỗ là chủ yếu nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động trong sản xuất nông nghiệp nói chung. Đồng thời cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dạy nghề trên phạm vi cả nước trong đó số lượng và quy mô cụ thể cần dựa trên quy hoạch cụ thể. Tuy nhiên, về mặt không gian cần chú ý bố trí mạng lưới cơ sở đào tạo gắn chặt với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế để đảm bảo cung cấp một cách hiệu quả nhất lao động cho các ngành kinh tế trên từng vùng lãnh thổ. Các hình thức đào tạo cần được đa dạng hóa nhằm đáp ứng tối đa các yêu cầu của người học nhất là những lao động nông thôn nghèo, các nhóm người yếu thế... qua đó xây dựng các chương trình dạy nghề phù hợp với từng nhóm đối tượng. Một trong những chính sách cần đặc biệt quan tâm đổi mới là chính sách hỗ trợ dạy nghề cho nông dân cần giảm dần tính bình quân hoá kinh phí dạy nghề và thay đổi hình thức hỗ trợ nhằm sử dụng nguồn vốn hỗ trợ một cách hiệu quả.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn chuyển sang hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất phi nông nghiệp là một hoạt động cực kì quan trọng phục vụ cho mục tiêu chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Hình thức đào tạo nghề cho đối tượng này cũng cần được nhanh chóng cải tiến, lấy trọng tâm là các trường trung cấp nghề và cao đẳng nghề đồng thời khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổng công ty và các trường dạy nghề tư thục trong công tác dạy nghề. Đồng thời, cần cải tiến chính sách cho vay vốn bao gồm cả vấn đề về thủ tục và định mức cho vay để người dân tham gia học nghề chuyển đổi nghề nghiệp đồng thời xây dựng cơ chế kiểm soát nguồn vốn học nghề từ quá trình cho vay đến sử dụng vốn vay.

Ngoài ra, việc thúc đẩy đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức cho đội ngũ cán bộ địa phương cũng là hết sức cần thiết nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lí nhà nước ở cấp địa phương đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng hơn đến với các chương trình đào tạo nghề.

► Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống cơ sở đào tạo nghề

Trước hết cần quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề cho nông dân theo hướng đào tạo chuyên canh tại các vùng nguyên liệu, đào tạo ứng dụng công nghệ mới vào nông nghiệp với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Nông dân, các Tập đoàn, Tổng công ty... Tập trung các nguồn lực tăng cường năng lực đào tạo của hệ thống các cơ sở dạy nghề ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Đẩy mạnh đào tạo ở tất cả các cấp dạy nghề trong đó trước mắt vẫn chú trọng đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân và đẩy mạnh phát triển đào tạo dài hạn trong tương lai. Hình thành và phát triển các trung tâm đào tạo nghề theo vùng đảm bảo hỗ trợ đáp ứng tốt nhất các nhu cầu về đào tạo nghề ở các vùng gắn với thực tế sản xuất tại vùng đó. Hoàn thiện hệ thống khuyến nông, trước hết là khuyến nông cấp huyện và xã để chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, kiến thức quản lý và phát triển kinh tế cho lao động nông thôn.

Hỗ trợ về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cũng như kinh phí đào tạo nghề thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia trong đó tập trung ưu tiên cho các cơ sở dạy nghề có năng lực và kinh nghiệm trong hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn cũng như tập trung ưu tiên cho những cơ sở đào tạo nhân lực cho một số ngành kinh tế được xác định là trọng tâm ở nông thôn để xây dựng mô hình thí điểm về tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

Tập trung tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên dạy nghề, tạo các động lực làm việc, nghiên cứu và phát triển cho đội ngũ này để nâng cao chất lượng dạy nghề trong các cơ sở đào tạo nghề. Đồng thời, để góp phần cho việc nâng cao chất lượng dạy nghề cần xây dựng được giáo trình dạy nghề chuẩn với cơ chế cập nhật, bổ sung rõ ràng và hiệu quả.

Việc phát triển các chương trình đào tạo cần phải gắn với nhu cầu của thị trường và nhu cầu của người học được quy định tại các tiêu chuẩn kỹ năng nghề và được xác định qua phân tích nghề và thường xuyên được cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Do vậy, hình thức, nội dung của tất cả các nghề được đề xuất đào tạo cần được xây dựng sao cho hết sức linh hoạt, tạo điều kiện cho việc thực hiện trên thực tế đào tạo nghề ở Việt Nam đặc biệt là đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn. Do đó, việc nghiên cứu và lựa chọn các tài liệu, phương pháp giảng dạy của nước ngoài áp dụng vào công tác giảng dạy ở các cơ sở dạy nghề ở Việt Nam là rất cần thiết nhưng cũng cần hết sức cẩn thận trong quá trình điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi cho phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam. Ngoài ra, việc tạo ra các cơ chế hợp tác với các cơ sở dạy nghề nước ngoài để trao đổi và học hỏi các kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế dạy nghề ở nước ta một cách phù hợp cũng là một giải pháp chính sách tốt cần được khuyến khích vừa nhằm tăng năng lực dạy nghề trong nước, vừa đảm bảo mục tiêu xã hội hóa công tác dạy nghề. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thành lập cơ sở dạy nghề tư thục hoặc tham gia hoạt động dạy nghề.

Ngoài ra, cần có sự chỉ đạo đồng bộ của các cơ quan quản lí nhà nước tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để đảm bảo người lao động và kể cả một số cán bộ quản lí cấp cơ sở được nâng cao nhận thức về dạy và học nghề phục vụ xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế cũng như tạo ra sự hướng nghiệp tốt cho đại bộ phận người lao động.

► Cơ chế chính sách đối với người lao động đi học nghề

Thực tế cho thấy các chính sách hỗ trợ cho lao động đi học nghề hiện nay khá nhiều nhưng còn rất tản mạn, không tập trung, chủ yếu nhằm tới những mục tiêu khác nhau của từng chính sách nên quá trình triển khai chưa thực sự đem lại hiệu quả cao. Để đẩy mạnh việc thu hút lao động nông thôn trong thời gian tới đến với các chương trình dạy nghề cần phải có các chính sách mạnh và tập trung hơn để hỗ trợ cho lao động nông thôn đi học nghề. Chính sách hỗ trợ người học phải đề cập tới cả 3 giai đoạn là ở trước,

trong và sau quá trình đào tạo, đồng thời các chính sách cần tách biệt các nhóm đối tượng để đảm bảo tính hiệu quả và hợp lí của các hỗ trợ.

Giai đoạn trước khi tham gia học nghề người lao động cần được tư vấn, hỗ trợ cung cấp thông tin một cách đầy đủ và rõ ràng để có thể lựa chọn được ngành nghề cũng như cơ sở đào tạo để học nghề. Sẽ có ba hình thức chính tiếp tục được triển khai trong đào tạo nghề bao gồm học nghề trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề chủ yếu nhắm vào nhóm đối tượng lao động nông thôn có thể tham gia học nghề ở trình độ này là những lao động trẻ ở độ tuổi khoảng 15 - 30, có khả năng nhận thức và có điều kiện để theo học theo hình thức chính quy, tập trung; hình thức dạy nghề chính quy, tập trung trình độ sơ cấp nghề tập trung nhắm vào một phần là các thanh niên, học sinh tốt nghiệp phổ thông nhưng không có điều kiện theo học chính quy, dài hạn và một phần là các lao động trong độ tuổi từ 30-40 vẫn còn đủ khả năng tiếp thu kiến thức mới cũng như kĩ năng tay nghề tham gia nhằm chuyển đổi nghề nghiệp, cải thiện thu nhập; và hình thức dạy nghề thường xuyên tập trung vào nhóm đối tượng chủ yếu là lao động nông thôn thuộc các hộ thuần nông, hộ kiêm nghề; cán bộ HTX nông nghiệp, chủ cơ sở ngành nghề nông thôn, chủ trang trại, cán bộ khuyến nông, lâm, ngư…

Giai đoạn trong khi học nghề, hỗ trợ được quan tâm nhất chính là hỗ trợ về tài chính nhằm đảm bảo người học nghề có đủ khả năng trang trải chi phí cho học nghề cũng như chi phí sinh hoạt trong quá trình học nghề. Một vấn đề nữa liên quan đến kinh phí đi học nghề đó là người đi học nghề thường là những lao động chính trong gia đình nên các hỗ trợ (cho không hoặc cho vay) cũng cần được cung cấp để người đi học có thể yên tâm về thu nhập của gia đình trong quá trình đi học nghề. Phương thức hỗ trợ đề xuất nên chuyển trực tiếp cho các cơ sở đào tạo dựa trên số lượng người qua đào tạo với các định mức theo quy định để đảm bảo dạy được nghề cho lao động. Các cơ sở đào tạo có trách nhiệm đảm bảo về chất lượng đào tạo để có thể nhận tiền phí đào tạo từ Quỹ này. Người có nhu cầu học nghề tùy theo đối tượng sẽ được Quỹ cấp các thẻ tín dụng với định mức phù hợp, thẻ sẽ không có giá trị chuyển đổi thành tiền mặt mà chỉ có thể sử dụng để thanh toán học phí và các chi phí khác liên quan đến việc học nghề tại các cơ sở dạy nghề đã

xác định. Trong trường hợp có các hỗ trợ khác liên quan đến sinh hoạt phí thì người đi học được nhận tiền mặt trực tiếp hàng tháng từ Quỹ này để trang trải.

Giai đoạn sau đào tạo sẽ chủ yếu sẽ liên quan đến các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm hoặc tạo việc làm cho lao động sau quá trình học nghề. Tuy nhiên, ngoài việc tạo điều kiện hỗ trợ lao động tìm việc làm sau khi học nghề sẽ được nói chi tiết hơn trong phần tiếp theo thì việc hỗ trợ để người lao động sau họ nghề có thể tự tạo được việc làm cũng là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo người lao động sau khi học nghề có thể có tự tìm cơ hội chuyển nghề hoặc tự tạo việc làm mới để gia tăng thu nhập. Chính vì vậy, chính sách hỗ trợ này cần được xây dựng gắn chặt với các chính sách đầu tư (đất đai, vốn, tín

dụng…) như một yếu tố đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của quá trình thực hiện chính

sách - người dân học được nghề và có thể thực hành được trong cuộc sống để cải thiện sinh kế, cải thiện thu nhập.

► Cơ chế chính sách tạo cầu nối lao động - thị trường lao động

Đây là chính sách hết sức quan trọng để tạo sự gắn kết giữa hoạt động dạy nghề với thị trường lao động bao gồm cả thị trường lao động ở nông thôn cũng như ở các khu đô thị, nông nghiệp và phi nông nghiệp. Chính sách này sẽ là một trong những nền tảng chính đảm bảo tính hiệu quả của công tác dạy nghề - dạy được nghề và sử dụng được nghề đã học. Trong lĩnh vực này, các chính sách cần được xây dựng nhằm thúc đẩy các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh cùng hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường lao động vận hành. Rất có thể, sẽ cần có thêm những chính sách thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới trung gian làm cầu nối giữa đơn vị đào tạo nghề và nơi sử dụng lao động đảm bảo sự cân bằng cung cầu trên thị trường lao động nói chung.

Kết luận

Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thay đổi đáng kể nhận thức cũng như đời sống của người dân vùng nông thôn, mở ra nhiều cơ hội cho người nông dân được tiếp cận các chương trình đào tạo nghề. Hiệu quả đáng kể nhất là đã thu hút khá đông thành phần lao động chưa có việc làm ổn định hoặc chỉ phụ thuộc vào đồng ruộng tham gia các khóa học để đa dạng hóa ngành nghề, tăng thu nhập cho người dân.

Quy mô đào tạo, nội dung, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường lao động nông thôn ở từng vùng, miền, địa phương cụ thể. Nhu cầu của thị trường lao động đến đâu, đào tạo tới đó, thị trường có nhu cầu đào tạo ngành nghề gì, đào tạo ngành nghề đó. Làm được như vậy sẽ tránh được sự lãng phí. Song, cần phải xác định “trúng” nhu cầu đào tạo thông qua việc nghiên cứu nhu cầu đào tạo một cách khách quan, khoa học.

Đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn và điều kiện của địa phương đang là một hướng đi đúng cần được quan tâm hơn nữa trong lộ trình thực hiện các chính sách của Chính phủ hiện nay.

Để việc học nghề thu hút được nhiều nông dân hơn, Nhà nước cũng cần có nhiều chính sách thích hợp hỗ trợ nông dân học nghề xong được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để có điều kiện ứng dụng những gì mình đã học, đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chủ nhiệm TS. Phạm Bảo Dương. Báo cáo tóm tắt “Nghiên cứu, đề xuất chính

sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Nghiên cứu một số

trường hợp ở miền Bắc Việt Nam). Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. 2008.

2. Nguyễn Diệu Tú (dịch và biên tập). Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

chính phủ Trung Quốc. Viện nghiên cứu hành chính, Học viện chính trị-hành

chính quốc gia Hồ Chí Minh. 2008.

3. Quyết định số 1956/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ về Phê duyệt Đề án

“Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ngày 27 tháng 11 năm

2009.

4. TS. Nguyễn Tiến Dũng. Đào tạo nghề cho nông dân trong thời kỳ hội nhập

Một phần của tài liệu Phân tích chính sách chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn Việt Nam (Trang 26)