Bệnh viêm tuyến vú, viêm núm vú

Một phần của tài liệu Thông tin Khuyến nông Việt Nam 3 (2014) (Trang 26)

VII. ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

5. Bệnh viêm tuyến vú, viêm núm vú

- Nguyên nhân: Xảy ra trong điều kiện vệ sinh môi trường kém, vú bị sây sát sẽ nhiễm khuẩn gây viêm, hoặc do tắc tuyến sữa gây viêm.

- Triệu chứng: Thỏ bị viêm ở một hay nhiều núm vú hoặc cả tuyến vú, vùng viêm sẽ sưng to, nóng, đỏ và đau. Trong sữa lẫn các chất máu, mủ, đôi khi hình thành các ổ áp-xe trong tuyến vú (có thể sờ bằng tay thấy nổi lên những cục u cứng dọc tuyến vú). Thỏ mẹ bị viêm vú thường mệt, ít hoạt động, không chịu cho con bú và kém ăn.

- Điều trị: Sử dụng kháng sinh như Penicilin, Ceftifua, Lincospecto,… liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

- Phòng bệnh: Vệ sinh, sát trùng triệt để chuồng nuôi, môi trường xung quanh, cải thiện môi trường chăn nuôi tốt hơn. Thường xuyên bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho thỏ■

HẠ TRANG

Hỏi: Gừng tôi trồng khi củ đã khá lớn, vào những lúc mưa nhiều, cây bị héo, khi nhổ lên thấy củ bị thối và có mùi khó chịu. Đó là bệnh gì? Cách phòng trị?

Ngô Văn Sở, Chợ Mới, Tiền Giang

Đáp:

Đó là bệnh thối củ gừng do vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra, thường gây hại trong những ngày mưa dầm (kéo dài), đất thoát nước kém (đất sét nhiều), lên liếp thấp. Bệnh rất khó phát hiện sớm, chỉ phát hiện được khi cây bị héo, lúc đó củ bị thối mềm. Bệnh rất khó trị vì gây hại ở phần củ trong đất. Bệnh gây hại chủ yếu ở phần củ, ít gây hại đến thân gừng.

Cách phòng trị:

- Lên liếp (luống) cao, thoát nước tốt cho gừng trong những ngày mưa dầm.

- Bón thêm phân hữu cơ (rơm rác) hoai mục để tăng độ tơi xốp và thoát nước tốt cho đất.

- Nhổ và tiêu huỷ các bụi gừng bị bệnh, rải vôi bột, Copper zinc 85WP hoặc Coc 85 và trộn đều vào đất, nơi bụi gừng vừa nhổ đi.

- Tưới vào gốc của những bụi gừng xanh xung quanh bụi

bị bệnh bằng một trong các loại thuốc sau: Kasuran 50WP, New Kasuran 16,6WP, Kasumin 2L, Starner 20WP với liều lượng 50 - 100 cc (g)/10 lít nước, phun 2 - 3 lần cách nhau 7 - 10 ngày.

Hỏi: Cua nuôi trong ruộng xây bờ xi-măng bị chết, nổi chẩn, mình đen. Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?

Lê Văn Lạc, Chương Mỹ, Hà Nội

Đáp:

Để xác định nguyên nhân gây bệnh trên cua, cần làm như sau:

- Kiểm tra môi trường ao nuôi xem có bị ô nhiễm không, thường môi trường biến đổi xấu, khí độc nhiều cũng gây cho cua bị đen mình.

- Kiểm tra lại thức ăn có thể bị ôi thiu, cua ăn vào sẽ bị trúng độc do độc tố nấm.

- Kiểm tra lại tỷ lệ nhiễm bệnh nhiều hay ít.

Để khắc phục bệnh, cần làm như sau:

- Thay nước ruộng, giảm lượng thức ăn, thậm chí cho cua nhịn ăn 1 - 2 ngày.

- Dùng vôi khử trùng môi trường nước với liều lượng 1 - 3 kg vôi/100 m2 ruộng.

- Cho cua ăn thuốc Tiên Đắc với liều lượng 50 g/50 kg cua/ngày, ăn liên tục 7 - 10 ngày.

- Bổ sung vitamin C và men tiêu hoá.

Hỏi: Thỏ 2 tháng tuổi, mấy hôm nay ăn rau thì bị đi ngoài, sau đó dừng không cho ăn rau thì lại sốt. Bệnh lây lan sang các đàn khác, có con ăn bình thường, có con yếu bỏ ăn, đã tiêm thuốc Biodco mà không đỡ. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?

Nguyễn Hữu Luận, Chí Linh, Hải Dương

Đáp:

Với biểu hiện như trên, thỏ đã mắc bệnh viêm ruột tiêu chảy. Để khắc phục, anh cần thực hiện các bước sau:

- Loại bỏ thức ăn còn lại không cho thỏ ăn.

- Dọn chuồng nuôi sạch sẽ và tẩy uế chuồng nuôi, môi trường xung quanh bằng thuốc sát trùng. Giữ cho chuồng nuôi luôn sạch sẽ, khô ráo. Giữ ấm cho thỏ, đặc biệt không để thỏ dính nước và dính mưa.

- Dùng thuốc diệt vi khuẩn gây bệnh ở đường tiêu hoá. Anh dùng một trong các thuốc sau: Biseptol; Five-Enrocin; Flor 20%; NGH-Neotesol; Oxytrtrasul; Penstep; Spectin. Liều lượng và cách dùng theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm.

- Dùng nước chất chát cho thỏ uống ngày 1 lần (nước lá ổi, nước chè khô đặc,...).

- Dùng thuốc tăng cường tiêu hoá và hấp thu, anh dùng men tiêu hoá: Five-Enzym; hoặc Biosub; hoặc Lactyzym; hoặc Hangood-Way; hoặc Gluco-KC hoà với nước cho thỏ uống hàng ngày.

Với phác đồ trên, điều trị liên tục 3 - 5 ngày.

Một phần của tài liệu Thông tin Khuyến nông Việt Nam 3 (2014) (Trang 26)