Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trước thế kỉ XV

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NHẰM BẢO TỒN PHÁT HUY TÍN NGƯỠNG THỜ HÙNG VƯƠNG (ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG) (Trang 30)

Trước khi tín ngưỡng Hùng Vương và Đền Hùng xuất hiện ở khu vực mà ngày sau và bây giờ là khu di tích Đền Hùng, thì nơi này cách đây hàng nghìn năm, đã có một vị trí đặc biệt ở giữa – cả về các mặt địa bàn, lịch sử, xã hội – vùng tụ cư và khởi nghiệp của cộng đồng cư dân và văn hoá trung tâm đất nước. Đây không chỉ là cơ sở, mà còn có những điều kiện môi trường và lịch sử quan trọng, chủ yếu, để đến độ, đến tầm của sự xuất hiện, tồn tại và phát triển, thì Đền Hùng sẽ và phải xuất hiện, tồn tại và phát triển ở đây, chứ không phải ở một nơi nào khác kể cả khi xảy ra đại họa của “Đêm trường Bắc thuộc” – những dấu ấn lịch sử của thời đại các Vua Hùng và những người đứng đầu đất nước Văn Lang thuở ấy, vẫn không thể nào bị xoá nhoà ở đây. Để cho đến thời đại khôi phục, bảo vệ nền độc lập tự chủ dân tộc, phục hưng, bảo tồn và phát triển nền văn hoá dân tộc, thì một phương diện quan trọng của sự phục hưng và phát triển ấy, đã tìm thấy và tập trung nguồn lực, thành tựu, cũng lại chính vào Đền Hùng và tín ngưỡng Hùng Vương.

* Nghi thức và tín ngưỡng Thần Núi – thờ Thần Tự nhiên

Núi Hùng, với thực chất là ngọn chủ sơn trong hệ thống ba ngọn Tổ Sơn – “Tam vị nhất thể” ở khu vực Đền Hùng và khu di thích Đền Hùng, ngoài giá trị là địa điểm (địa bàn) lí tưởng để hành lễ, tiến hành các nghi thức tín ngưỡng nói chung, còn rất thuận để tự mình trở thành một chủ đề tín ngưỡng cụ thể: thờ Thần Núi. Núi non – với giá trị của một vật thể tự nhiên hùng vĩ đầy uy lực và đẹp đẽ, vừa giàu có sản vật, vừa chứa đựng nhiều tai ương bí ẩn – vốn đã luôn là sự vật, sự thể linh thiêng, được thần thánh hoá, kể cả việc thần thánh hoá thành hình tượng người, trong thế giới tâm linh của xã hội loài người từ thời nguyên thuỷ và cổ đại, thậm chí cho đến cả thời trung cổ, và cận hiện đại.

Ở Việt Nam, tục thờ thần Núi, xuất hiện từ lâu đời, và phổ biến khắp nơi, với rất nhiều dạng vẻ. Riêng từ thời cổ đại, gần ngay khu vực Đền Hùng – không xa ngã ba Hồng, Đà, Lô – một tiêu điểm và trường hợp điển hình cho tục

thờ Thần Núi của người Việt cổ ở đây,chính là ngọn núi (sơn Khối) Ba Vì, và tín ngưỡng Thần Núi (“Sơn Tinh”) về sau trở thành – “Đức Thánh Tản” (Viên), rồi được mang lai lịch người (trong truyện cổ tích) với cả họ tên người (“Nguyễn Tuấn”), kể cả sự việc được tích hợp vào hệ thống truyền thuyết Hùng Vương , trở thành con rể của Vua Hùng thứ 18 (chồng của “công chúa Ngọc Hoa”). Ở Khu di tích Đền Hùng, và trong cả khu vực Đền Hùng, với tư cách là “Vùng văn hoá Văn Lang”. Như vậy, Núi Hùng chính là một tiêu điểm và trường hợp điển hình nhất.

Sau đấy, trong thời trung cổ kế tiếp, khi xuất hiện chủ đề tín ngưỡng thờ Tổ Tiên – Vua Hùng, thì ngọn núi này mới được nối theo sau mà sử dụng làm nơi thờ Các Vua Hùng. Thần Núi trở thành Vua Hùng, hoặc cộng sinh cùng Vua Hùng ở ngọn Núi Cả mà từ lúc này, có tên gọi ngày càng phổ biến hơn: Núi Hùng, bên cạnh sự lưu danh tên gọi cũ: Núi Cả.

Thần Núi và tục thờ Thần Núi, ở lớp văn hoá tín ngưỡng thuở ban đấu tại Núi Cả, vốn là một trong nhiều mặt của loại hình tín ngưỡng (“tôn giáo”) thờ thần tự nhiên. Trong loại hình tín ngưỡng này, cùng với các hiện tượng tự nhiên được thờ phụng cầu cúng, với “tế khí” phổ biến là trống đồng, và “lễ thức” thường dùng, là đánh trống đồng, các hiện tượng được thần linh hoá: mây, mưa, sấm, chớp mà về sau, tích hợp vào sự du nhập Phật giáo, sẽ trở thành “Tứ pháp” (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) – còn phổ biến việc thờ trời, cầu trời. Trong hệ thống Đền Hùng, cho đến nay, ngôi Đền Thượng trên đỉnh Núi Hùng vẫn còn có “tên chữ” là: “Kính Thiên Lĩnh Điện” (Điện thờ Trời trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh). Truyền thuyết cũng nói rằng: đấy là nơi các Vua Hùng xưa đã lên tới, để cầu trời giúp cho mưa thuận gió hoà mùa màng tươi tốt.

Như vậy trước khi xuất hiện hình thành tín ngưỡng Tổ Tiên vua Hùng và các ngôi Đền Hùng – chính là nơi đã hội tụ những hình thức tín ngưỡng thờ Tự Nhiên của cư dân cổ trong vùng.

Trước năm 1917 – tức là trước khi đại trùng tu ngôi Đền Thượng vào đời vua Khải Định nhà Nguyễn – thì tại chỗ cao nhất của ngọn núi Hùng – vẫn còn dấu tích vật chứng của một phong tục và tín ngưỡng cổ truyền độc đáo và đặc sắc: thờ hạt lúa thần. Đó là một vật bằng đá, kích thước rất lớn, tạc hình một hạt thóc khổng lồ (theo lời kể của của dân địa phương: đó là một phiến đá lớn hình hạt thóc có chất liệu giống như đá núi Hùng).

Nếu đời sống kinh tế nông nghiệp trồng lúa – nói chung, qua các thời – là môi trường và điều kiện hết sức phong phú để sản sinh và phát triển những hình thức sinh hoạt văn hoá nông nghiệp, đặc biệt là những dạng thức tín ngưỡng nông nghiệp, thì ở thời đại Hùng Vương, ở những thế kỉ cuối cùng trước công nguyên tình hình văn hoá và tín ngưỡng nông nghiệp – qua những dấu ấn để lại – càng có những biểu hiện phồn thịnh và đặc sắc. Thờ phụng để tôn sùng, thần thánh hoá những bông và hạt lúa, vừa là sự biểu dương việc lao động và những sản phẩm nông nghiệp trồng lúa vừa là sự hưởng thụ và nhất là sự cầu mong cho những điều kiện để có được sự hưởng thụ ngày càng dồi dào, tốt đẹp.

Ở khu di tích Đền Hùng và vùng phụ cận, tục thờ thần lúa từ thời xa xưa vẫn còn để lại ảnh xạ trong rất nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng của xã hội và cư dân thời trung cổ và cận đại cho đến tận bây giờ. Những mảnh vụn hoặc biến dạng của tín ngưỡng và lễ thức thờ lúa thuở xa xưa ở trong vùng đã được ghi nhận qua sự phân tích hệ thống lễ hội mùa xuân của chính ngay các làng: Cổ Tích, Trẹo (Triệu Phú còn có tên gọi mới là Phú Thịnh) và làng Vi Cương thuộc xã Hy Cương, Chu Hoá, ở ngay chân Núi Cả (Núi Hùng ngày nay).

Cùng loại hình lễ hội tín ngưỡng nông nghiệp thờ lúa như thế này – và còn nhiều lễ thức phong phú hơn - ở xã Thanh Đình – cạnh Đền Hùng, còn có tục lệ “rước ông Khiu bà Khiu”. Những nghi thức lễ tiết như thế này, phong phú và đặc sắc, ở chỗ đã liên kết - kết hợp vào đây, cả chủ đề tín ngưỡng nông nghiệp thờ lúa, lẫn dạng thức tín ngưỡng phồn thực – thờ “Vật giống” nam nữ, và thực hiện động tác tượng trưng cho tính giao (bánh “tày” và cái “oa”, dùng bánh tày “đâm oa”) để biểu dương và cầu mong sự sinh sôi nảy nở, thịnh vượng.

Dạng hình tín ngưỡng phồn thực cổ xưa này xưa kia cũng từng đã được tiến hành – thực hiện ở Núi Cả (Núi Hùng). Nó “tung hứng” cùng lễ thức thờ Thần Lúa ở đây, để làm cho việc thờ cúng lễ lạt nguyên thuỷ tại Khu di tích Đền Hùng thuở chưa có Đền Hùng – thêm giàu ý nghĩa và tầm quan trọng, để mở đầu và mở ra truyền thống sử dụng nơi này, thành một địa điểm thực hành tín ngướng đặc sắc và thiêng liêng qua các thời.

Một điều đáng chú ý là: ở tất cả các lễ hội và nghi thức của tín ngưỡng nông nghiệp cổ truyền như thế, bao giờ cũng có vai trò của “Chủ Tế” hoặc “đầu trò”, là những người có vai vế trong cộng đồng, vừa điều hành lễ tiết, vừa sắm vai những thủ lĩnh hoặc thần linh ngày xưa. Nhiều trường hợp, đó chính lại là Các Vua Hùng. Chẳng hạn như, nếu trong “lễ hạ điền” ở làng Cổ Tích (Hy Cương) có “chúa đồng” là một bô lão lắm con nhiều cháu trong làng, vừa thực hành nghi thức cấy lúa mở màn lễ hội, vừa trở thành cái đích để dân làng thi nhau ném bùn, té nước mà cầu may, thì ở lễ hội “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” tại làng Lú (Ló = Lúa) thuộc xã Minh Nông (Việt Trì), người cầm trịch việc nhắc lại hành động và sự thích Vua Hùng – ngày xưa đã thân đến nơi này, dạy dân trồng lúa, cho dân chúng noi theo – lại hoá thân và được coi (ít nhất cũng là trong lúc đang làm động tác lễ tiết “lội ruộng cấy lúa”) – thành như chính vị quân trưởng nước Văn Lang tái sinh.

Đến lượt mình, những dấu ấn của những “thủ lĩnh”, “Hùng Vương” như thế, để lại cùng thời gian và không gian, lại trở thành nguyên cớ, để sự hồi cớ văn hoá và tín ngưỡng ở thời gian về sau, sẽ dựa vào đây mà bảo lưu, phục hiện lớp văn hoá – tín ngưỡng thuở ban đầu, vừa tạo ra chủ đề của lớp văn hoá – tín ngưỡng tiếp theo: Tổ Tiên - các Vua Hùng.

Những hình thức nghi lễ - tín ngưỡng cổ sơ của những thế kỷ cuối cùng trước công nguyên - thời đại Hùng Vương - được thực hành, thi triển ở núi Hùng và khu di tích Đền Hùng,đã không để lại dấu tích kiến trúc đích thực nào ở đây. Có nghĩa là: người thời Hùng Vương, khi đến nơi đây làm lễ Thần Núi, thờ Trời, tiến hành các nghi thức tín ngưỡng nông nghiệp và phần thực…, trong buổi đầu

khai sáng, sử dụng chốn này như một địa điểm thiêng liêng của mình, có thể đã không xây dựng, không cần đến những công trình kiến trúc – đúng hơn là nhưng công trình kiến trúc có quy mô, bền vững – như người đời sau để lại trong lịch sử. Cũng có nghĩa là: trong lịch sử của mình, Đền Hùng và khu di tích Đền Hùng, tuy đã từng có lớp văn hoá – tín ngưỡng cổ sơ của mình ở thời đại Hùng Vương (nhưng khi ấy lại không thờ Vua Hùng), mà dấu ấn vật chất (vật thể) của nó để lại thì cho đến nay chúng ta chưa tìm thấy một dạng kiến trúc nào của thời kì đó. Có lẽ thời đại Hùng Vương, lúc đó những người đứng đầu chưa có làm đền đài để chuẩn bị cho mình một chỗ ở mới hay nơi thờ tự sang thế giới bên kia, giống như các Pharaông với những Kim Tự tháp của Ai Cập; hay các lăng tẩm, đền đài như các vị vua nhà Nguyễn của nước ta sau này lúc đó là người thực hành tín ngưỡng chứ chưa phải là người đã được tín ngưỡng.

Vậy thì Tín ngưỡng Hùng Vương cùng với những công trình kiến trúc buổi đầu ở Đền Hùng là gì? Bắt đầu xuất hiện vào thời gian nào? Những yếu tố lịch sử nào góp phần tạo nên Tín ngưỡng Hùng Vương và Đền Hùng buổi ban đầu?

Một điều rõ ràng là thời đại Hùng Vương thực sự là buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Chính thời đại đó đã đặt nền móng cho việc hình thành quốc gia, dân tộc và văn hoá tinh thần của người Việt Nam. Trong tư duy về cõi sống, cõi chết, người Việt cổ cho rằng chết là sống ở thế giới bên kia, thường thì người Việt chia của cho người thân mang sang sống ở thế giới đó. Trong nhiều ngôi mộ của văn hoá Đông Sơn đã thấy nhiều dụng cụ sinh hoạt và công cụ sản xuất chôn theo người đã mất. Điều đó thể hiện lòng tiếc thương tôn kính với ông bà, cha mẹ.

2.2. Tín ngưỡng Hùng Vương từ thế kỉ XV đến nay

2.2.1. Tín ngưỡng Hùng Vương từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVIII

Khu vực Đền Hùng từ sau thế kỉ XV, với sự phát triển của cư dân khu vực, từ làng Cả thành làng Cổ Tích (thế kỉ XV), và tách thêm một số bộ phận dân cư ra khu vực làng mới là làng Vi, làng Trẹo (thế kỉ XVI – thế kỉ XVII); một số nữa

lại ra khu vực Tiên Kiên, Phù Ninh. Vốn cùng một gốc cư dân khu vực, khi tách làng, các làng mới tiếp tục làm đình tại làng và làm đền (miếu) trên núi Hùng.

Như vậy tín ngưỡng Hùng Vương ngay tại Đền Hùng chính vốn lúc đầu từ một làng, thành ba làng và lan rộng ra các khu vực lân cận ở các thế kỉ XVI – XVII. Tín ngưỡng Hùng Vương đã dịch chuyển, liên kết hai loại hình kiến trúc tín ngưỡng: đình, đền, cùng có chung một chủ đề tưởng niệm và thờ phụng Các Vua Hùng – theo chiều vận động liên tục “lên núi – xuống làng” trong một không gian liền khoảnh, cận kề, nhưng rất quan trọng là ở hai bình độ (tức: vị trí cao thấp) khác nhau – cao: là núi Cả (núi Hùng), thấp: là làng Cả (làng Cổ Tích), và rồi các làng sau đấy được lập thêm ở quanh chân núi Hùng, đây chính là cuộc vận hành làm nên nội dung lịch sử trong các thế kỉ XVI – XVIII của khu vực Đền Hùng.

Ba ngôi đền trên tầng núi Nghĩa Lĩnh (núi Hùng), một ngôi chùa ở tầng thấp của núi (chùa Thiên Quang); hai ngôi đình của ba làng (thôn) thuộc hai xã nằm dưới chân núi: thôn Cổ Tích (làng Cả) thuộc xã Hy Cương với ngôi đình Hy Cương (đình Cổ Tích); và thôn Triệu Phú (làng Trẹo) và cũng thuộc xã Hy Cương, cùng thôn Vy Cương (làng Vy) thuộc xã Chu Hoá chung nhau ngôi đình Chung (đình Cả mới). Giữa một nền cảnh tự nhiên đã vận hành những sinh hoạt tín ngưỡng và xã hội của cộng đồng dân cư của những chủ thể con người nơi đây.

Đặc biệt là đời sống tín ngưỡng ở khu di tích Đền Hùng trong các thế kỉ XVI – XVIII vào giữa bối cảnh lịch sử chính xác và đích thực lúc bấy giờ, với hai đặc điểm lớn và quan trọng là: một là chủ đề Tín ngưỡng Hùng vương mới nổi lên và trụ lại ở đây chưa được lâu, mặc dù đây là một tất yếu lịch sử ; hai là: thực hiện và thực hành tín ngưỡng này ở đây lúc bấy giờ mới chỉ là những đơn vị làng, thôn và xã, thậm chí chỉ là vài đơn vị cấp cơ sở cổ truyền và nhỏ hẹp,như thế mới nhận ra tình hình thực tế lúc bấy giờ khác vơi bây giờ là như sau: Các Vua Hùng cùng các nghi thức lễ tiết thờ tự theo chủ đề tín ngưỡng này,

chỉ mới có một vị trí vai trò khiêm tốn và còn chen trộn giữa những chủ đề tín ngưõng, cùng các hệ thống nghi thức, lễ tiết khác.

Các vua hùng trong tâm linh và tâm thức của cư dân sở tại ,vậy là chưa đủ để cần đến sự huy động những hình thức tín ngưỡng thật nồng hậu và đặc sắc của dân chúng sở tại .Về sau những nghi thức lễ tiết dành cho chủ đề Tín ngưỡng Vua Hùng (chẳng hạn như: lễ “Rước Sắc” từ núi xuống làng và từ làng lên núi) rất có thể chỉ vì những gợi ý và có thể áp lực từ bên trên – triều đình – và dội xuống , cùng với sự lôi cuốn của xu thế phát triển của hệ tư tưởng văn hoá Việt Nam ở giai đoạn sau .

Chủ đề Tín ngưỡng Các Vua Hùng với các hình thức thực hành tín ngưỡng của chủ đề này, ở vào thời gian này sau khi đã tạo dựng được những cơ sơ bằng kiến trúc vật thể của mình , thì vẫn phải vừa cộng sinh cùng các loại hình sinh hoạt văn hoá – tín ngưỡng khác vốn cũng đã có từ lâu và nồng hậu của văn hoá Phật giáo, vừa còn phải nhờ cậy vào một lực tác động - có những giá trị và ý nghĩa lịch sử quan trọng , không chỉ có ở thời này, mà là qua các thời, để có thể dần dà mà tự nâng cấp, vừa đạt được tốc độ phát triển thịnh vượng như càng về sau càng thấy rõ.

Đến thế kỉ XVIII (thậm chí cuối thế kỉ này), mới xuất hiện và lưu tồn được những văn bản quan trọng và đích thực của triều đình (nhà nước trung ương), sao chép qui định cụ thể (kèm cả chế tài ), việc tạo điều kiện cho chính xã Hy Cương dưới chân núi Hùng - với đủ “lý do lịch sử” – được ưu tiên, ưu đãi để thực hiện và thi triển chủ đề Tín ngưỡng Các Vua Hùng trên núi Hùng với chức danh đặc biệt và chính thức, là dân “Trưởng Tạo Lệ” (người có trách nhiệm

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NHẰM BẢO TỒN PHÁT HUY TÍN NGƯỠNG THỜ HÙNG VƯƠNG (ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG) (Trang 30)