3. Các mô hình xếp hạng tín dụng điển hình trên thế giới
3.3. Nguyên tắc Basel về quản lý RRTD
Hội đồng giám sát hoạt động ngân hàng Basel là một Ủy ban bao gồm các chuyên gia giám sát hoạt động ngân hàng nhằm bảo đảm những nguyên tắc giám sát về yêu cầu vốn của các ngân hàng quốc tế nhằm chống đỡ rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Được thành lập từ năm 1975 , Ủy ban Basel ban đầu bao gồm thành viên là Thống đốc NHTW của các nước G10 ( Anh, Pháp , Mỹ, Đức , Ý, Nhật , Hà Lan , Thụy Điển , Bỉ, Canada ) nhưng sau đó được khuyến khích áp dụng trên toàn thế giới , đặc biệt trong việc kiểm soát hoạt động ngân hàng quốc tế.
Từ chỗ là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế về thanh tra và giám sát ngân hàng, Ủy ban Basel ngày nay đã trở thành cơ quan xây dựng và phát triển các chuẩn mực ngân hàng được quốc tế công nhận. Ủy ban Basel đã ban hành các nguyên tắc trong quản lý RRTD, bảo đảm tính hiệu quả và an toàn trong hoạt động cấp tín dụng. Tháng 07 /2004, Ủy ban Basel cho ra đời ấn phẩm mang tên “ Hiệp ước quốc tế về tiêu chuẩn vốn và đo lường rủi ro” hay còn gọi là Hiệp ước Basel II. Hiệp ước Basel II hướng tới thực hiện ba mục tiêu :
- Đảm bảo phương pháp tính mức vốn an toàn cho ngân hàng. - Đo lường tách bạch rủi ro hoạt động và RRTD.
- Tăng cường quản trị toàn cầu hóa tài chính ngân hàng thống nhất giữa các quốc gia.
Với ba mục tiêu trên , nội dung chính của Basel II được tóm tắt trong 3 trụ cột :
- Trụ cột thứ nhất: Xoay quanh RRTD, yêu cầu vốn tối thiểu, đưa ra yêu cầu mức vốn tối thiểu và phương pháp đánh giá rủi ro.
- Trụ cột thứ hai: Quy định về giám sát hoạt động ngân hàng.
- Trụ cột thứ ba: Yêu cầu về việc công bố thông tin hoạt động ngân hàng cho các đối tượng liên quan.
Trong đó, nội dung cơ bản của Basel II là đưa ra các phương pháp và nguyên tắc về quản lý RRTD, kiểm soát nợ xấu, gồm :
- Xây dựng môi trường tín dụng thích hợp: Yêu cầu xem xét đánh giá RRTD phải là chiến lược xuyên suốt trong hoạt động ngân hàng (mức độ chấp nhận rủi ro , tỷ lệ nợ xấu,…) , trên cơ sở đó phát triển các chính sách nhằm phát hiện, theo dõi và kiểm soát nợ xấu trong mọi hoạt động, đối với từng khoản cấp tín dụng cụ thể và nâng lên tầm soát rủi ro của cả danh mục đầu tư.
- Thực hiện cấp tín dụng lành mạnh: Các ngân hàng cần xác định rõ ràng các tiêu chí cấp tín dụng lành mạnh (xác định thị trường mục tiêu, đối tượng khách tiềm năng , điều kiện cấp tín dụng ,..) nhằm xây dựng các hạn mức tín dụng phù hợp cho từng loại khách hàng trên cơ sở các thông tin định lượng, định tính, kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ đối với khách hàng. Ngân hàng phải có
quy trình rõ ràng trong đề xuất tín dụng, phê duyệt và sửa đổi tín dụng, có sự phân tích nhiệm vụ rạch ròi giữa các bộ phận có liên quan đến công tác tín dụng. Việc cấp tín dụng cần tuân thủ nguyên tắc cẩn trọng trên cơ sở giao dịch công bằng giữa các bên.
- Duy trì quá trình quản lý và theo dõi tín dụng phù hợp: Tùy theo quy mô của từng ngân hàng để xây dựng hệ thống quản lý phù hợp, kịp thời nắm bắt các thông tin từ phía khách hàng như tình hình tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh, mức độ thực hiện các cam kết, … để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường, kiểm soát tốt các khoản vay có vấn đề. Ngân hàng cũng cần có các biện pháp quản lý và khắc phục các khoản nợ xấu. Vì thế, chính sách quản lý RRTD của ngân hàng phải chỉ rõ cách thức quản lý các khoản tín dụng có vấn đề.
Ủy ban Basel cũng khuyến khích các ngân hàng xây dựng và hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, tạo tiền đề cho việc phân loại, đánh giá khách hàng dựa trên nhiều tiêu chí, phân biệt các mức độ RRTD ứng với từng đối tượng khách hàng để có biện pháp quản lý phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng .
CHƯƠNG 2 : THỰC TRẠNG QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
1. Giới thiệu chung về ngân hàng Agribank
NHNN & PTNT Việt Nam được thành lập vào ngày 26/3/1988 và hoạt động theo Luật các Tổ chức Tín dụng Việt Nam. Lúc mới thành lập, Ngân hàng mang tên Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam. Đến cuối năm 1990, ngân hàng được đổi tên thành Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam. Và cuối năm 1996, ngân hàng lại được đổi tên thành tên gọi như hiện nay. Cho đến nay, NHNN & PTNT là NHTM hàng đầu giữ vai trò chủ đạo và chủ lực trong phát triển kinh tế Việt Nam, đặc biệt là đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
NHNN & PTNT Việt Nam (tên giao dịch quốc tế là Vietnam Bank of Agriculture and Rural Development, viết tắt là AGRIBANK) là Ngân hàng lớn nhất Việt Nam cả về vốn, tài sản, đội ngũ cán bộ nhân viên, mạng lưới hoạt động và số lượng khách hàng. Tính đến ngày 31/12/2011, vị thế dẫn đầu của Agribank vẫn được khẳng định trên nhiều phương diện.
- Tổng tài sản: 470.000 tỷ đồng. - Tổng nguồn vốn: 434.331 tỷ đồng. - Vốn điều lệ: 29.606 tỷ đồng. - Tổng dư nợ: 354.112 tỷ đồng.
- Mạng lưới hoạt động: gần 2.400 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc, Chi nhánh Campuchia.
- Nhân sự: gần 42.000 cán bộ.
Agribank luôn luôn chú trọng đầu tư đổi mới song song ứng dụng công nghệ ngân hàng, phục vụ hiệu quả cho công tác quản trị kinh doanh, phát triển mạng lưới dịch vụ ngân hàng tiên tiến. Chính vì thế, trong thời gian qua Agribank đã đạt được những thành công nổi bật như:
Agribank là ngân hàng đầu tiên hoàn thành Dự án Hiện đại hóa hệ thống thanh toán và kế toán khách hàng (IPCAS) do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Agribank đủ năng lực cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, với độ an toàn và chính xác cao đến mọi đối tượng khách hàng trong và ngoài nước với hệ thống IPCAS đã được hoàn thiện.
Hiện nay, Agribank đang có hơn 11 triệu khách hàng là hộ sản xuất, hơn 30.000 khách hàng là DN.
Agribank là một trong số những ngân hàng có quan hệ ngân hàng đại lý lớn nhất Việt Nam với 1.065 ngân hàng đại lý tại 97 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Agribank là Chủ tịch Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp Nông thôn Châu Á Thái Bình Dương (APRACA) nhiệm kỳ 2008 – 2010
Agribank là thành viên Hiệp hội Tín dụng Nông nghiệp Quốc tế (CICA) và Hiệp hội Ngân hàng Châu Á (ABA); đăng cai tổ chức nhiều hội nghị quốc tế lớn như: Hội nghị FAO vào năm 1991, Hội nghị APRACA vào năm 1996 và năm 2004, Hội nghị tín dụng nông nghiệp quốc tế CICA vào năm 2001, Hội nghị APRACA về thuỷ sản vào năm 2002.
Agribank là ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam trong việc tiếp nhận và triển khai các dự án nước ngoài. Trong bối cảnh kinh tế diễn biến phức tạp, Agribank vẫn được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB)… tín nhiệm, ủy thác triển khai trên 136 dự án với tổng số vốn tiếp nhận đạt trên 5,5 tỷ USD. Agribank không ngừng tiếp cận, thu hút các dự án mới: Hợp đồng tài trợ với Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) giai đoạn II; Dự án tài chính nông thôn III (WB); Dự án Biogas (ADB); Dự án JIBIC (Nhật Bản); Dự án phát triển cao su tiểu điền (AFD) v.v...
Bên cạnh những thành công trong kinh doanh, Agribank còn thể hiện trách nhiệm xã hội của một DN lớn với sự nghiệp An sinh xã hội của đất nước. Trong năm 2009, Agribank đã xây dựng nhiều trường học, nhà tình nghìa và chữa bệnh, tặng quà cho đồng bào nghèo, bị thiên tai, …Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh, Agribank đã triển khai hỗ trợ 160 tỷ đồng cho hai huyện Mường Ảng và Tủa Chùa thuộc tỉnh Điện Biên. Sau khi bàn giao 2.188 nhà ở cho người nghèo vào 2009, tháng 8/2010 Agribank tiếp tục bàn giao 41 khu nhà ở với 329 phòng, 40 khu vệ sinh, 40 hệ thống cấp nước, 40 nhà bếp, 9.000m2 sân bê tông, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cho 38 trường học trên địa bàn hai huyện này. Agribank còn ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết tại nhiều địa phương trên cả nước; tặng sổ tiết kiệm cho các cựu nữ thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; tài trợ kinh phí mổ tim cho các em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh; tài trợ kinh phí xây dựng Bệnh viện ung bướu khu vực miền Trung; tôn tạo, tu bổ các Di tích lịch sử quốc gia. Hằng năm, cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống đóng góp 04 ngày lương ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Ngày vì người nghèo, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ tình nghĩa ngành ngân hàng. Số tiền Agribank đóng góp cho các hoạt động xã hội từ thiện vì cộng đồng năm 2010 đạt trên 180 tỷ đồng.
Với những thành tựu đạt được, vào đúng dịp kỷ niệm 21 năm ngày thành lập (26/3/1988 - 26/3/2009), Agribank vinh dự được đón Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tới thăm và làm việc. Tổng Bí thư biểu dương những đóng góp quan trọng của Agribank và nhấn mạnh nhiệm vụ của Agribank đó là quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt nhất Nghị quyết 26-NQ/TW theo hướng “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế,
chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân”.
Với vị thế là NHTM – Định chế tài chính lớn nhất Việt Nam, Agribank đã, đang không ngừng nỗ lực hết mình, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, đóng góp to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế của đất nước.
2. Tổ chức hoạt động tín dụng tại NHNN & PTNT
Một điểm mấu chốt giúp các ngân hàng quản lý tín dụng hiệu quả chính là xây dựng một cơ cấu tổ chức tín dụng có khả năng tuân thủ theo chính sách và quy trình tín dụng của ngân hàng, duy trì một danh mục tín dụng chất lượng giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa các cấp bậc cán bộ và sử dụng chi phí nhân lực một cách hiệu quả. Toàn bộ quy trình tín dụng liên kết chặc chẽ từ nghiên cứu thị trường thông qua các mối liên lạc với khách hàng, điều tra và đánh giá tín dụng, phê duyệt, soạn thảo hồ sơ, giải ngân, đánh giá và thu nợ cho tới quay vòng, gia hạn hay chấm dứt khoản cho vay. Quy trình này gồm 3 phần chính là Tiếp thị tín dụng , Phân tích đánh giá tín dụng và Quản lý giám sát tín dụng. ( xem Phụ lục 1 – Sơ đồ quy trình tín dụng chung ).
Bộ máy quản lý tín dụng hợp lý đáp ứng các yêu cầu :
- Cơ cấu lãnh đạo phù hợp với một đơn vị kinh doanh nhằm đảm bảo tổ chức công việc hiệu quả.
- Xác định rõ trách nhiệm của các bộ phận hoặc cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm về kết quả công việc.
- Hoạt động theo định hướng khách hàng. - Quản lý thông tin chặt chẽ và đầy đủ.