Bài tập làm văn là nơi học sinh thể hiện một cách chính xác cảm xúc và suy nghĩ riêng trước những vấn đề đặt ra trong tác phẩm cùng năng lực thẩm mỹ của mình: năng lực nhận thức, đánh giá, thưởng thức cái hay, cái đẹp của tác phẩm cũng như năng lực sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt ý tưởng và cá tính. Vì vậy, qua sản phẩm tinh thần này, giáo viên có thể kiểm tra toàn diện sự phát triển của thị hiếu thẩm mỹ, từ đó tiếp tục có những cải tiến về nội dung, phương pháp để thu được kết quả giáo dục, bồi dưỡng thị hiếu thẩm mỹ cao nhất.
Khi dạy tập làm văn, giáo viên phải thay đổi cách thức ra đề, cách chấm và trả bài. Kiểu đề được sử dụng là kiểu đề "mở", có khi chỉ nêu đề tài hoặc vấn đề cần được bàn bạc còn việc vận dụng thao tác nào để nghị luận, cách viết ra sao phụ thuộc vào chính học sinh. Đây là kiểu đề hướng vào học sinh, tôn trọng cá tính, thị hiếu thẩm mỹ và kết quả tiếp nhận của các em.
Ví dụ 1: Suy nghĩ của em về quan điểm sống "Vội vàng" của Xuân Diệu trong thời đại ngày nay?
Ví dụ 2: Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử để lại cho em những cảm xúc và suy nghĩ gì?
Với cách ra đề như trên, cách chấm, trả bài cũng phải thay đổi. Trước tiên, đáp án phải là đáp án "mở". Giáo viên không nên "bó chặt" học sinh vào một số ý nào sẵn có, cho trước mà chỉ nêu định hướng và cách giải quyết. Căn cứ vào
nội dung và hình thức trình bày của học sinh, giáo viên sẽ đánh giá, cho điểm. Kết quả chấm bài này phải được cụ thể hoá trong giờ trả bài. Trên cơ sở giáo viên tổng kết, chữa những lỗi tiêu biểu và chỉ ra ưu điểm của những bài viết tốt, những đoạn văn hay, học sinh sẽ dễ dàng nhận ra mặt mạnh, mặt yếu của mình đồng thời biết được phương hướng khắc phục mặt yếu. Cũng ở giờ học này, học sinh được trực tiếp đối thoại với giáo viên về bài làm và những vấn đề các em còn thắc mắc. Do vậy, nếu được thực hiện tốt, mỗi bài làm văn sẽ là một chặng mới trong quá trình phát triển thị hiếu thẩm mỹ ở học sinh.