Những con rối của số phận

Một phần của tài liệu cái ngẫu nhiên trong người trong bóng tối của paul auster (Trang 25)

6. Cấu trúc đề tài

1.1. Những con rối của số phận

Hành trình khởi đầu từ sự sống và kết thúc bởi cái chết đầy ngẫu nhiên gắn kết định mệnh con người, biến họ thành những con rối. Không giống như nhân vật rối của thiên tài F.Kafka bị điều khiển bởi một hệ thống nhà nước chuyên chế quan liêu vô hình tầng tầng lớp lớp, nhân vật của Paul Auster trở thành những hình nhân bị chi phối bởi một thế giới đầy rẫy những ngẫu nhiên, phi lý; luôn phải đối mặt với những ngả rẽ định mệnh; bị giật dây bởi sự hỗn mang của cuộc đời, sự hỗn mang ấy biểu trưng cho bản chất mê cung của thế giới, của bản chất về sự tồn tại trong xã hội loài người. Và trong xã hội đó, những nhân vật rối bị cướp đi sinh mạng sống, sự tự do trong tư tưởng, trong hành động và thậm chí ngay cả quyền quyết định tương lai, cuộc đời của mình.Bởi vậy, họ chẳng khác nào những con rối bị cuộc đời giật dây.

Đó là cảm quan phi lí - nhìn nhận thế giới dưới cái nhìn vô nghĩa. Qủa thật, đọc tác phẩm, ta cảm nhận được cái nỗ lực đến tuyệt vọng của các nhân vật trong khát vọng khẳng định sự tồn tại của chính mình giữa cuộc đời, cũng như khát vọng tìm kiếm quá khứ, tìm kiếm cội nguồn. Mọi biến cố xảy đến với cuộc đời họ đều vượt qua tầm kiểm soát của ý chí, và vận động dưới sự tác động của một sức mạnh vô hình thần bí mà người ta gọi là ngẫu nhiên. Hình ảnh August Brill cùng với những người anh em, vợ, con gái, cháu gái của mình khiến ta liên tưởng tới những con rối vô hồn, vô phương hướng hoàn toàn chịu sự chỉ huy từ

26

sức mạnh của những sợi dây vô hình trong cái lưới nhện cuộc đời bí ẩn, rối rắm.

Khi phát biểu thông điệp: “Cuộc sống của chúng ta không gì hơn là sự xâu chuỗi của vô vàn những yếu tố ngẫu nhiên”[Dẫn theo 56, 36], cũng có nghĩa Auster xác nhận vị trí quan trọng, quyết định của chúng đối với sự tồn tại của con người trong thế giới này.

Nhạc đời may rủi, Moon Palace, số phận nhân vật trung tâm được

Auster xây dựng với những biến cố bất ngờ lạ lùng, đầy may rủi nằm ngoài khả năng đoán định và kiểm soát. Dường như, vận may rủi là yếu tố chìa khóa quyết định sự tồn tại của các nhân vật ấy. Trong Người trong bóng tối, các nhân vật xuất hiện qua dòng tự sự của nhân vật người kể chuyện, thậm chí là hình ảnh những con người của cuộc sống đương đạitrở nên bé nhỏ, quay cuồng trước những vòng quay khốc liệt của thời cuộc, số phận… Nhân vật không được nhà văn miêu tả như những tâm điểm trong nỗ lực khắc họa những số phận cá nhân, mà dường như cá nhân đã hòa lẫn vào đám đông, đám đông là sự ghép nối mảnh vỡ của vô số cá thể.

Trượt trong dòng suy tư của Brill về những người thân yêu, những mảnh đời ông đã gặp đã chứng kiến, ta bắt gặp những số phận bị nhào nặn trước tác động của biết bao biết cố ngẫu nhiên.

Gillbert Ross, người chồng của chị gái Betty, một luật sư thông minh và nhân hậu nhưng đã qua đời ở tuổi năm mươi ba. Cuộc đời người đàn ông ấy là chuỗi dài những bất hạnh. Cha bị chèn èn ép đến phá sản cả cơ nghiệp và chết vì đau tim khi anh mới mười một tuổi. Món gia tài duy nhất anh được hưởng của ông là chứng cao huyết áp kinh niên và bệnh tim. Gill cao lớn và mạnh mẽ, nhưng phải sống cả đời với cái án tử hình trong huyết mạch. Mẹ tái giá khi Gill mười ba tuổi, và bố dượng chỉ chịu nuôi hai đứa em, tống cổ anh ra khỏi nhà với sự đồng ý của mẹ.Trải qua rất nhiều nghề để có thể theo học đến Đại học, Gill đã nỗ lực bằng tất cả sức lực và niềm hy vọng, và cả những viên thuốc trợ tim. Những thành công là quà tặng xứng đáng cho những nỗ lực ấy. Nhưng rồi, năm

27

1970, “tim anh giở chứng”, một loạt những cơn truy mạch và rắc rối khác khiến anh không thể làm việc được nữa. Kết cục, căn bệnh ung thư cướp đi sinh mạng Gil. Cái chết vẫn chưa chấm dứt chuỗi bất hạnh mà người đàn ông ấy phải chịu đựng. Cho tới trước khi anh chết, Betty nợ nần nhiều đến nỗi không thể mua một chỗ chôn cất cho chồng. Chị đành phải nhờ vả bà mẹ chồng, người đàn bà tai tiếng đã để mặc Gil bị ném ra khỏi nhà khi anh còn là một đứa trẻ, để được chôn Gill trong khu đất rộng rãi của gia đình người chồng thứ ba của bà ấy. Chưa đầy một năm sau, ông chồng thứ ba ấy chết, một cuộc chiến tranh thừa kế ác liệt nổ ra giữa lũ con của ông ta và bà mẹ Gill. Họ đưa bà ta ra tòa, thắng kiện, vì muốn bà bị tống khứ không đem theo một đồng nào, họ đã có thêm một điều kiện trong phán quyết của vụ án là hài cốt của Gil cũng phải cải táng ra khỏi khu đất gia đình ấy. Người đàn bà đã đuổi con trai ra khỏi nhà trong lúc nó còn là một đứa trẻ, và rồi vì đồng tiền, lại đuổi nó ra khỏi huyệt mộ khi đã chết. Song hành cùng với những nỗi bất hạnh ấy của Gill, Betty đã đau khổ biết bao. Chị đã chịu đựng cái chết của Gil với một thái độ khắc kỷ rất nghiêm trang, nhưng chuyện ấy đã vượt quá sức của chị, và chị đã đổ vỡ hoàn toàn. Tới lúc Gill bị đào lên và chôn lại ở chỗ khác, chị không còn là mình nữa. Theo hồi ức của Brill, Betty cầm cự thêm được bốn năm, sống một mình, bệnh tiểu đường, tắc nghẽn động mạch, và vô số những bệnh khác, trở thành người u buồn nhất mà anh từng biết. Kết thúc, một cái chết “thật im ắng, thật xa vời”với người đàn bà ấy. Người em trai trong đau buồn chiêm nghiệm: “Hoặc thân xác đã rời bỏ chị, hoặc chị đã uống thuốc, và tôi không muốn biết khả năng nào là thật, vì chẳng cái nào làm rõ được chuyện. Betty chết vì một trái tim tan vỡ. Sẽ có người cười khi nghe câu nói ấy, nhưng đó chỉ là vì họ chẳng biết gì về thế giới này. Người ta vẫn chết vì trái tim tan vỡ. Chuyện ấy vẫn xảy ra hàng ngày, và sẽ còn như vậy đến tận cùng thời gian”[6, 109]. Rồi cái chết vì bệnh ung thư của Sonia, người vợ thân yêu cũng để lại sự mất mát không thể khỏa lấp trong kí ức của ông già August Brill.

Cái chết thê lương của Titus ở chiến trường Iraq; cái chết của Duclos - điệp viên của Tổng cục an ninh đối ngoại Pháp - trong chiến tranh lạnh; cái chết của

28

Brick trong nội chiến nước Mỹ trong chiều sâu kí ức của người kể chuyện…, cũng cộng hưởng với nhau tạo nên niềm ám ảnh dai dẳng và thức tỉnh sâu sắc con người về sự khốc liệt của chiến tranh. Nó đẩy con người vào chốn loạn lạc, hỗn mang, mất phương hướng, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh, mơ hồ.

Kundera từng phát biểu: “Đời sống là cái bẫy chúng ta vẫn luôn biết: chúng ta sinh ra đời không phải vì chúng ta yêu cầu, bị nhốt trong thân xác không phải do chúng ta chọn lựa, và cuối cùng chết” [48]. Các nhân vật của

Người trong bóng tối liên tiếp phải đối mặt với những cái bẫy cuộc đời như thế.

Có cái bẫy bất ngờ xuất hiện bởi định mệnh, có cái bẫy do chính con người tạo ra để hủy diệt mình và đồng loại. Nhưng chúng mang nét chung là bất ngờ, đẩy con người vào sự tuyệt vọng, cưỡng đoạt sự sống thể xác và tinh thần của họ.

Ngay cả tình yêu, hôn nhân, những mục đích nhân văn của đời sống xã hội, có khi cũng trở thành những cái bẫy bất ngờ đẩy con người vào đau thương, mất mát. Hôn nhân hay tình yêu là một thực thể xã hội được xây dựng bắt nguồn từ khát vọng về sự đào thoát khỏi sự cô đơn của mỗi cá thể, từ khát vọng về cái sức mạnh sưởi ấm và nâng đỡ, cộng hưởng sự sống. Thế nhưng, tình yêu, gia đình trong tiểu thuyết này luôn ở trạng thái dang dở, đổ vỡ. Cả ba câu chuyện về tình yêu và hôn nhân của ba con người, ba thế hệ Ausgust Brill – Miriam – Katya đều không trọn vẹn bởi những sự tác động phức tạp của cuộc sống và tâm thức. Chúng tôi sẽ phân tích kĩ hơn vấn đề này ở phần sau – Những bản ngã song trùng.

Cũng có khi cái ngẫu nhiên đem đến cho nhân vật của Paul Auster những điều may mắn hạnh phúc, bên cạnh những rủi ro, khổ đau. Nhân vật người kể chuyện, ông già August Brill, trong dòng hồi ức của mình chợt nhớ đến một trong những điều ngẫu nhiên có ý nghĩa như thế. Đó là chuyện ông nghe được từ anh chàng Alec Foyle, bạn trai cũ của Miriam. Alex mở đầu: “gia đình nào cũng có lúc trải qua những sự kiện bất thường – những tội ác khủng khiếp, lụt lội, động đất, những tai nạn lạ lùng, những may mắn kì diệu, và gia đình nào ở thế

29

giới này cũng có những bí mật và những bộ xương giấu kín, những rương hòm chứa những thứ mà chỉ cần mở nắp chúng ra là mình sẽ phải há hốc mồm” [6, 149]. Câu chuyện kể về hồi ức nơi người bà của chị bạn Alec. Bà của chị bạn nọ ra đời ở Berlin vào đầu thập kỉ 1920, và khi Đảng Quốc xã lên cầm quyền 1933, gia đình Do Thái của bà đã phản ứng như rất nhiều người khác: họ tin rằng Hitler chỉ là một manh mún sẽ tiêu biến rất nhanh và không ai nghĩ đến chuyện phải rời bỏ nước Đức làm gì. Ngay cả khi tình hình đã xấu đi, họ vẫn hy vọng là mọi chuyện tốt đẹp và không chịu nhúc nhích. Một ngày nọ, bà đã mười bẩy, mười tám gì đó, bố mẹ bà nhận được một bức thư của ai đó tự nhận là đại úy trong lực lượng SS. Bức thư viết: “Tôi sẽ bị ra tòa án binh vì viết bức thư này, nhưng tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải cảnh báo các vị rằng các vị đang gặp nguy hiểm. Nếu không hành động ngay, các vị sẽ bị bắt và đưa đi trại tập trung. Xin hãy tin tôi. Tôi sẵn lòng cấp thị thực xuất cảnh để các vị có thể thoát đi đến một nước khác, nhưng để đổi lại các vị phải giúp tôi một việc quan trọng. Tôi đã đem lòng yêu con gái các vị. Tôi đã theo dõi nàng bấy lâu, tình yêu này là vô điều kiện.Nàng là người tôi mơ ước cả đời, và nếu đây là một thế giới khác và chúng ta sống trong những luật lệ khác, tôi sẽ cầu hôn ngày mai” [6, 196]. Tác giả giấu mặt của bức thư còn cầu xin được nhìn thấy người con gái mình thầm yêu bấy lâu trong hai tiếng đồng hồ khi người con gái ấy sẽ ngồi trên cái ghế nàng vẫn ưa thích bên công viên trước nhà, đúng mười giờ sáng thứ Tư tuần sau. Anh ta cần được nhìn thấy người dấu yêu của mình một lầ cuối trước khi mất nàng mãi mãi. Gia đình ấy đã làm theo yêu cầu của bức thư trong sự lo lắng. Bà của chị bạn Alex lúc đó còn là một thiếu nữ ngây thơ, việc có người lạ theo dõi mình trong nhiều tháng qua, nghe hết câu chuyện trò, theo chân bà khắp nơi trong thành phố, đã ném bà vào cơn hoảng hốt ngày càng trầm trọng trong lúc bà chờ cho đến ngày thứ Tư ấy. Tuy nhiên tới giờ hẹn, bà đã làm việc phải làm, sang công viên, ngồi xuống chiếc ghế vẫn thường ngồi, mở cuốn sách mang theo để trấn tĩnh bản thân. Trong hai giờ liền, người thiếu nữ ấy không ngẩng lên lấy một lần. Sợ hãi, bà chỉ còn biết vờ như đang đọc sách, bởi nếu không sẽ vùng

30

chạy trốn. Hết khoảng thời gian giao ước, bà trở về nhà. Qủa nhiên cũng đầy bất ngờ, tấm thị thực xuất cảnh được tuồn vào qua khe cửa như đã hứa, gia đình rời sang Anh.

Điều ngẫu nhiên là ở chỗ, trong thảm họa Phát xít, con người chỉ còn là những con rối được đánh số hiệu, có thể bị hủy diệt bất cứ lúc nào, thì vẫn có những may mắn cứu thoát những sinh linh vô tội. Làm nên điều kì diệu ở đây chính là những ngẫu nhiên của xúc cảm trong ánh mắt, trong trái tim bày tỏ, trao gửi yêu thương. Dường như, trong vô vàn những điều ngẫu nhiên đến từ thế giới và tâm thức tác động đến số phận con người, tình yêu là phạm trù quyến rũ và bí ẩn nhất. Paul Auster dường như muốn gửi gắm thông điệp ấy thông qua mảnh ghép truyện kể này.

Để cho những yếu tố ngẫu nhiên ấy xuất hiện dày đặc trong tác phẩm, chi phối mọi ngả rẽ trong cuộc đời các nhân vật, tác giả đã khẳng định sự rủi may của số phận là không thể nào lường trước được. Có lúc, nó gây nên những tai họa, sự đau khổ, bất hạnh cho con người, nhưng đôi khi nó cũng tạo ra cho họ những cơ hội bất ngờ. Chỉ có điều trong những khoảnh khắc mong manh, khi con người lơ đãng hay vô tình, họ có thể đã để những cơ hội ấy vuột khỏi tầm tay của mình, hoặc cũng có thể mắc những sai lầm bởi sự thiếu quyết liệt của ý chí trước sức lấn lướt, trỗi dậy của bản năng. Chúng tôi sẽ khai thác sâu hơn điều này ở phần tiếp sau.

Một phần của tài liệu cái ngẫu nhiên trong người trong bóng tối của paul auster (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)