- Các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoà
1. Vài nét về tỉnh Hải Dương
1.7. Giới thiệu về các khu công nghiệp
Thực hiện đường lối đổi mới được khởi xướng từ Đại Hội Đảng lần thứ VI (1986), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã khẳng định: “Đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp, ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy cao độ nội lực và đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững” và Nghị Quyết Đảng bộ lần thứ XIII nhiệm kỳ 2001 – 2005, tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm tới giải pháp thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đặc biệt là các biện pháp thu hút đầu tư phát triển các KCN, CCN. Theo đó, việc hình thành và phát triển các KCN để tổ chức lại nền sản xuất, đời sống xã hội trên phạm vi cả nước phù hợp với quá trình này là biện pháp thực hiện chủ trương trên, đẩy nhanh CNH – HĐH. Vì vậy, việc hình thành các KCN trong không gian lãnh thổ kinh tế trên phạm vi cả nước nói chung và phạm vi địa phương, tỉnh Hải Dương nói riêng là một tất yếu.
KCN có thể được hiểu là một khu vực có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp công nghiệp (cả bên trong và bên ngoài hàng rào KCN, gồm cả cơ sở hạ tầng kinh tế và các cơ sở hạ tầng xã hội). KCN là khu vực có điều kiện để tập trung các cơ sở công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định. Nếu kết hợp với hệ thống quản lý thích hợp đảm bảo cung cấp dịch vụ cần thiết cho sự phát triển của các doanh nghiệp (cấp phép, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ đào tạo…) các KCN sẽ có điều kiện phát huy ưu thế của mình, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại mỗi địa phương cũng như cả nước.
Các KCN đã và đang tạo nhân tố chủ yếu trong việc tăng trưởng công nghiệp theo quy hoạch, tăng khả năng thu hút đầu tư, đẩy mạnh nguồn hàng xuất khẩu, tạo việc làm và hạn chế tình trạng ô nhiễm do chất thải công nghiệp gây ra. Chính sự phát triển các KCN cũng đã thúc đẩy việc phát triển các khu đô thị mới, phát triển các cơ sở phụ trợ và dịch vụ, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội chung.
Nhằm phát triển công nghiệp, tỉnh Hải Dương đã sớm có chủ trương quy hoạch phát triển các vùng công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu và quy hoạch phát triển đồng bộ các KCN quản lý theo Nghị định 36/CP của Chính phủ. Hải Dương đã xây dựng và phê duyệt Đề án “Xây dựng hạ tầng các KCN để thu hút đầu tư giai đoạn 2001- 2005”. Đồng thời thành lập và giao cho Ban quản lý các KCN tỉnh làm đầu mối để triển khai thực hiện đề án. Ban đầu là xây dựng quy hoạch và khuyến khích ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN. Tiếp đó là khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất trong các KCN.
Hiện tại, tỉnh Hải Dương có 8 KCN, với diện tích khoảng 1.642 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch xây dựng nhà máy công nghiệp gần 1.100 ha.
Tính cho tới thời điểm hiện nay, các KCN đã được xây dựng cơ sở hạ tầng theo đúng kế hoạch, tiến độ đã đề ra của tỉnh. Trong 8 KCN, có 7 KCN do nhà đầu tư trong nước xây dựng hạ tầng và 1 KCN do nhà đầu tư nước ngoài xây dựng (KCN Việt Hoà – Kenmark). Tổng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng đã thực hiện là 1.219 tỷ đồng, đạt 60% tổng vốn đầu tư dự kiến. Trong đó chủ yếu là nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư hạ tầng trong nước.
Dự kiến trong thời gian tới các KCN sẽ sớm được xây dựng đồng bộ hạ tầng theo đúng kế hoạch đã đề ra. Đã có 6 KCN cơ bản đầu tư xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật như KCN Nam Sách, Đại An (giai đoạn I), Phúc Điền, Việt Hoà – Kenmark, Tàu Thuỷ - Lai Vu, Tân Trường. Các KCN khác đang được khẩn trương xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư. Vừa xây dựng hạ tầng kỹ thuật vừa thu hút đầu tư, đến nay trong các KCN của tỉnh đã thu hút được 111 dự án đầu tư trong nước và ngoài nước, với số vốn đầu tư đăng ký 1 tỷ 556 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện đến nay khoảng 500 triệu USD. Các dự án đầu tư vào KCN chủ yếu là có vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng công nghệ cao thuộc các tập đoàn đầu tư lớn của các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ca-na-da, Ma-lai-xi-a, Pháp…Đến nay đã có 62 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, với giá trị sản xuất, doanh thu và kim ngạch xuất khẩu hằng năm khoảng 211 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 2 vạn lao động và đóng góp nguồn thu ngân sách địa phương hằng năm khoảng 3,5 triệu USD.
Ngoài ra, ngày 08/05/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 692/TTg- KTN về việc bổ sung các KCN của tỉnh Hải Dương vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung KCN Cẩm Điền – Lương Điền và KCN Lai Cách vào Danh mục các KCN ưu tiên thành lập mới đến 2015 và định hướng đến năm 2020. KCN Cẩm Điền – Lương Điền có diện tích quy hoạch 200 ha và KCN Lai Cách có quy hoạch 135 ha đều thuộc huyện Cẩm Giàng.
Việc hình thành và phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh thực sự đã tạo động lực và môi trường thuận lợi thu hút vốn đầu tư, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.